- Tình cảm của hai bố con anh được gắn kết như thế nào sau trải nghiệm "Bố ơi mình đi đâu thế"?
- Sau chương trình, cuộc sống của bố con tôi không có gì xáo trộn, thậm chí còn nhiều trò hơn và gắn kết nhau hơn. Những ông bố đông con như tôi ít có thời gian riêng lẻ với từng đứa lắm. Chuyến đi này là dịp để tôi với Bờm gần nhau. Bố con cũng hiểu nhau rồi nhưng giờ hiểu hơn, yêu hơn. Quan trọng là thế.
- Con được nhiều người yêu mến, hâm mộ sau khi kết thúc chương trình. Anh giúp con ứng xử như thế nào trước tình cảm yêu quý của người xem?
- Cái này căn bản là ở Bờm nữa. Bờm là một cậu bé hồn nhiên, không nghĩ gì đâu. Mới đầu vợ chồng tôi cũng sợ lắm, sợ mọi người nhìn. Tôi theo dõi Bờm thấy cậu tự nhiên như không, coi như chuyện bình thường. Vợ chồng tôi cũng phải giữ cho cháu. Cũng có một số lời mời Bờm đóng phim quảng cáo, chụp ảnh nhưng gia đình đều từ chối. Chúng tôi phải giữ cho Bờm cuộc sống hồn nhiên vốn có như bây giờ.
Mới đầu cậu cũng ngô nghê hỏi "bố ơi con nổi tiếng rồi à?", tôi bảo "chưa, 'ông' (cách gọi thân mật của đạo diễn Trần Lực với con trai) lên truyền hình được người ta biết đến thôi. Nổi tiếng là gì, là ông phải làm gì đấy hay tạo một sự nghiệp hoành tráng, vĩ đại". Nghe bố nói vậy, cậu ngơ ngác lắm. Tôi bảo "ví dụ như bố đây này, bố phải đóng phim, đạo diễn chứ còn lên truyền hình con làm sao nhiều bằng bố. 'Ông' lên truyền hình chỉ là người ta nhìn, rồi biết thôi". Bờm bảo "à đây chỉ là biết thôi". "Ừ đúng, chưa nổi đâu con ạ". Thế là 'ông' ấy yên tâm (cười). "Ông" này hồn nhiên ý mà.
- Trước khi bước vào chuyến trải nghiệm, anh nói với con thế nào về một chương trình thực tế với những thử thách?
- Tôi cũng không biết chương trình này thế nào. Trước đấy mọi người cũng gửi cho tôi format bên Trung Quốc nhưng tôi không có thời gian để xem, thực sự là thế. Tôi hỏi "có mấy bố con tham gia thì họ bảo chỉ có hai bố con". Tôi nghĩ đó là một cuộc chơi thôi còn Bờm thì rất thích. Thế nên, những tình huống đặt ra trong chương trình với tôi và Bờm mới lạ lắm.
Chắc cũng do chương trình sắp xếp nên Bờm được chọn mà không phải chị Bông hay em Bách. Tôi hỏi Bông thì "bạn" ấy bảo không thích đi. Bông là con gái, điệu đà nhưng sau thấy Bờm lên thì tiếc lắm. Theo format ở các nước, chương trình sẽ casting người chơi như chọn diễn viên. Mỗi đứa trẻ có một tính cách khác nhau, trẻ con cũng phải cởi mở nữa mới phù hợp. Các cô, chú đến nhà casting "ông" Bờm. Chẳng hiểu "ông" ấy nói liên thiên thế nào khiến cô, chú khoái trá, thế là Bờm đi.
- Chương trình có nhiều thử thách giúp các con tự tin và trưởng thành, anh cảm thấy thế nào trước sự thay đổi tích cực của con?
- Tôi quá mừng trước sự thay đổi tích cực của con. Chương trình đã thay tôi dạy Bờm, giúp cháu mở mang thế giới xung quanh. Thực ra trẻ con gặp những thử thách như trong chương trình là một cái rất hay bởi bản thân các bạn đang sống trong nhung lụa, được bao bọc bởi tình cảm gia đình, từ học hành, ra đường hoặc đi chơi đều được bố mẹ quan sát. Ở chương trình này, Bờm được tự do. Qua mỗi thử thách, chuyến đi, Bờm lớn lên rất nhiều. Với cậu, mỗi lần đi, thế giới lại rộng ra một chút. Thế nên, Bờm thích chương trình này là vì thế.
- Anh phát hiện ra điều gì thú vị của Bờm sau chuyến trải nghiệm này?
- "Ông" Bờm ở nhà sống thiên về tình cảm. Bờm nói cũng nhiều nhưng không như ở chương trình đâu. Tôi phát hiện ra Bờm cũng duyên ra phết (cười) và có đầu óc quan sát. Điều này mới quan trọng: đó là cảm xúc. Với bất cứ một miền đất, không gian hay bối cảnh nào, Bờm cũng đầy cảm xúc. Với bạn bè cũng thế, bạn cũ, bạn mới, lúc nào cũng dạt dào tình cảm. Tôi thấy Bờm là con người rất giàu cảm xúc.
Ngoài đời, "ông" ấy hồn nhiên, vui tính. Ở nhà, ông nội gọi Bờm là thằng hề mà. Cậu cứ nói câu nào là chị, em hay ông, bà đều cười rũ ra. Bờm là thế. Bình thường, "ông" ấy ít nói nhưng lúc đi, toàn thế giới trẻ con với nhau nên Bờm mới nói nhiều.
- Để hai bố con đi xa nhà, sống trong điều kiện không đủ đầy, bà xã anh phản ứng ra sao?
- Mới đầu cô ấy phản đối, định không cho đi vì thương Bờm. Sau đó tôi cũng thuyết phục và Bờm cũng thích đi. Không cho đi thì "ông" ấy về nhà buồn rũ ra, lại hằm hè nữa. Có những hôm sáng sớm Bờm thơ thẩn, nghĩ ngợi nhớ chương trình. Nhưng của đáng tội, sau mỗi lần về đi học, trong đầu "ông" Bờm suốt ngày nghĩ đến những chuyến đi, các trò chơi (cười). Cậu cứ một mực mùa hai, mùa hai. Sau đấy chương trình cũng mời lại và tôi đồng ý. Tuy nhiên, ngồi tính với mẹ cháu mới thấy "thôi chết 'ông' này ham vui, không thích học, nếu đi nữa thì không ổn". Suốt ngày Bờm chỉ nghĩ đến các bạn và những vùng đất mới lạ sắp được trải nghiệm đâm ra học hành chểnh mảng. Vậy nên vợ chồng tôi mới phải dừng "ông" ấy lại.
- Có ba con ở lứa tuổi sàn sàn nhau, anh gặp khó khăn gì khi đi vào thế giới khác nhau của chúng?
- Ôi bình thường mà. Tôi trông các con và chơi với chúng nên hiểu nhau thôi. Với tôi, chẳng có gì khó khăn đâu. Mình cứ cởi mở với con thì chúng sẽ cởi mở lại. Tôi giải quyết mọi xung đột trong ba "đồng chí" này nhanh lắm, chỉ cần đưa đẩy mấy cái, chặn trước lùa sau (cười). Trẻ con mà. Chúng hồn nhiên nên giải quyết nhanh, 30 giây là xong. Chẳng bao giờ tôi phải bó tay trước hội 3B (cách gọi thân mật ở nhà của Bông, Bờm và Bách).
Bọn trẻ nhà tôi sàn tuổi nhau. Bông hơn Bờm một tuổi, Bờm hơn Bách 3 tuổi. Chỉ cần thiếu một nhân vật thôi là ở nhà trống vắng hẳn đi. Bờm thì mặc dù đi chơi, hồn nhiên nhưng tối về có hai bố con, cậu cũng tâm sự nhớ chị, nhớ em, nhớ mẹ. Ba đứa gần tuổi nên chúng nhớ nhau lắm.
Lúc tham gia chương trình, gặp thử thách khó khăn, Bờm không đòi về. Cậu này tính cách rất rõ ràng, đã làm gì thì làm bằng được, rất cương quyết và kiên định.
- Ở nhà, hội 3B nhà anh được dạy cách sống tự lập thế nào?
- Những việc gì tự làm thì các con phải làm thôi. Quan trọng là tư duy phải độc lập. Mình phải dạy cho chúng ý thức chứ nhiều việc các cháu còn bé, bố mẹ vẫn phải làm hộ. Cuộc sống này luôn phải tự lập và muốn trưởng thành phải tự lập. Bố mẹ làm hộ thế này là vì mình còn bé. Quan điểm của chúng tôi là vậy, không gò ép. Ai cũng có tuổi thơ mà tuổi thơ là phải tự do, phải được làm những gì mình muốn. Lớn lên con không được như thế đâu nên từ bé cho chúng hưởng.
- Anh hay chia sẻ những câu chuyện vui về ăn, ngủ, chơi của hội 3B trên Facebook. Anh có cách hay nào trị chứng lười ăn của bọn trẻ nhà anh?
- Trẻ con đứa nào chẳng lười ăn. Chúng chơi là chính, còn đầu óc cứ nghĩ đi đâu (cười). Nứt mắt ra đã nghĩ viển vông lắm rồi, chính thế nên chúng bị phân tán, không ăn. Ở nhà, vợ tôi hay ép các con ăn. Tôi thấy việc này cũng đúng nhưng cũng có cái chưa đúng. Tôi thì có cách xử lý khác. Tôi cứ để bọn nhỏ đói, để chúng chơi, nghịch vã mồ hôi đi lúc sau chỉ cần hô hào cái thôi là ập ra hết. Cơm chưa ra là gào ầm lên, đói mà (cười). Trước thì ăn là phải gào lên, giờ thì chúng rít lên "cơm con đâu". Đấy bọn trẻ nhà tôi.
Tôi cũng phải làm trò chúng mới ăn. Các mẹ lúc nào cũng sốt ruột, thương con, không ăn thì gầy gò ốm yếu thế là cứ ép. Ép thì tạo không khí căng thẳng lắm. Con ăn cũng không ngon, không tiêu hóa được rồi lại mang bệnh thì khổ thân. Thế là tôi phải bày trò thôi. Cho chúng trở về không khí vui vẻ, mặc dù bị ép nhưng cái ép đấy làm bọn trẻ vẫn thấy thoải mái thì ăn mới ngon được.
- Con trai cả của anh lớn hơn hội 3B nhiều tuổi. Cách anh tiếp cận và giúp con giải quyết vấn đề ở mỗi lứa tuổi khác nhau thế nào?
- Cách tiếp cận mỗi đứa khác nhưng tựu chung vẫn có cái chung đó là tôi coi chúng như là bạn, cậu lớn cũng thế. 3B ít hơn anh lớn khá nhiều tuổi nhưng chúng vẫn có sự gắn kết với nhau. "Ông" anh chưa lấy vợ nên gặp cô giáo hay chị gia sư, lũ em lít nhít cũng gạ "hay là cô yêu anh Hoàng em đi". Hay gặp cô nào chẳng hạn, cứ thấy xinh xinh là gạ cho "ông" anh (cười).
- Công việc bận rộn, anh chị sắp xếp thời gian thế nào để ở bên con?
- Công việc xã hội mình vẫn phải làm chứ nhưng nguyên tắc là cứ rảnh lúc nào, tôi lại gần con lúc đấy. Bọn trẻ là con tôi thì tôi phải hiểu chúng. Tôi nghĩ thế này, trong cuộc sống, bố mẹ đều yêu thương con thế nhưng trẻ con thì ảnh hưởng từ bố nhiều hơn, bao giờ cũng thế đấy, cứ suy từ mình mà ra. Yêu mẹ thì chúng vẫn yêu nhưng ảnh hưởng về cách sống, công việc sau này thường từ bố nhiều hơn. Vì thế nên tôi tự cho mình ý thức phải gần con chứ bận thì bận cứ rảnh ra mươi mười lăm phút là lại chơi với con rồi. Hơn nữa, mình chơi với con để khi chúng có chuyện gì bức xúc cũng được san sẻ ra, chứ lúc nào cũng gọi mẹ thì vợ tôi cũng đến điên đầu (cười).
Hàng ngày, vợ chồng tôi thay nhau đưa con đi học nhưng đa số là tôi làm việc này. Chẳng ai ép cả mà đó là việc tôi thích làm. Tôi cũng bận nên tận dụng thời gian thôi. Đưa các cháu đi học giúp tôi biết được bao nhiêu chuyện, hiểu các con nhiều hơn. Có khi ở nhà không nói đâu nhưng trên đường đi học, bức xúc cái gì là chúng thổ lộ với bố. Khi đó, mình lại phải giải tỏa giúp con.
Nói chuyện với con tôi thấy vui vẻ, trẻ trung và hồn nhiên như chúng. Nhiều khi phải trẻ con để hùa vào câu chuyện, biến mình thành trẻ thơ, phân tích cũng kiểu ngây ngô như chúng thì con mới hiểu.
- Một buổi sáng ở gia đình đông con như nhà anh diễn ra thế nào?
- Không phải ồn ào mà phải gọi là đại ồn ào. Gọi đứa thì dậy ngay, đứa thì nằm ườn ra. Kéo dậy, thả tay ra, chúng lại rũ xuống. Đứa thì dậy ngay nhưng chỉ cần cái gì không thích là hét ầm lên. Không bình tĩnh có mà chết (cười). Mỗi đứa một yêu cầu, một kiểu quần áo, nứt mắt ra đã điệu rồi, đứa bé cũng như đứa lớn.
Bình Minh thực hiện