Sau những ngày đầu công chiếu, Thưa mẹ con đi được quan tâm nhờ câu chuyện gia đình gần gũi và mối tình đồng giới nồng nàn, tinh tế. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh dành cho Ngoisao.net một cuộc phỏng vấn về phim.
Trailer phim Thưa mẹ con đi
Hồng Ánh, Hồng Đào đầu tư cho vai diễn
- Sau những ngày chiếu đầu tiên của ‘Thưa mẹ con đi’, anh nhận được phản hồi thế nào từ khán giả?
-Tôi rất mừng vì bộ phim nhận được nhiều phản hồi tích cực, được khán giả khen xúc động. Có một điểm thú vị là khán giả khi xem xong thường viết nhận xét khá dài, nhiều người còn đi xem tới lần thứ hai, thứ ba. Đâu đó chừng 10 khán giả nhắn tin cho tôi bảo, họ đặt vé từ suất chiếu đầu để xem với bạn bè, sau đó đặt thêm suất khác để đưa người nhà đi xem.
- Trước ngày phim ra mắt, anh cho biết phim bị hạn chế suất chiếu, tuy nhiên sau hai ngày, suất chiếu của phim đã nhiều lên. Theo anh, sao lại như vậy?
- Thưa mẹ con đi ra mắt vào đúng tuần lễ công chúng có nhiều lựa chọn phim tốt, đậm tính giải trí ngoài rạp như Địa đạo cá sấu tử thần của Mỹ, Lối thoát trên không của Hàn Quốc... Bản thân phim phải cạnh tranh khốc liệt với các phim ngoại, còn các hệ thống rạp nghi ngờ về độ ăn khách của phim. Đây là vấn đề cung và cầu trong thị trường điện ảnh, tôi hoàn toàn hiểu chuyện này. Nhưng rất may mắn, phim được khán giả yêu mến, đặt vé trước, nhiều người đi xem về giới thiệu với người thân, người quen. Qua đó, hệ thống rạp thấy được tiềm năng, phim có thêm cơ hội đến gần với khán giả.

Từ trái qua: Lãnh Thanh, Hồng Đào, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh và Gia Huy tại buổi ra mắt phim ở Hà Nội tối 15/8.
- Lãnh Thanh (vai Văn) và Gia Huy (vai Ian) rất hợp vai, lại tạo cảm xúc tốt khi diễn cặp, anh tìm ra họ như thế nào?
- Tại thị trường điện ảnh Việt Nam, diễn viên nữ trẻ không thiếu nhưng diễn viên nam độ tuổi 20-30 rất khan hiếm. Chúng ta chỉ có một vài gương mặt nổi bật nhưng đa số là diễn viên hài ở những lứa tuổi lớn hơn. Vì vậy khi làm Thưa mẹ con đi, tôi và các nhà sản xuất đặt mục tiêu tìm kiếm các gương mặt mới, tạo nên sự tươi trẻ cho bộ phim.
Trải qua hai tháng casting và năm vòng thử vai, tôi tìm được Lãnh Thanh và Gia Huy. Trong quá trình này, hai bạn diễn chung với các ứng viên khác và diễn chung với nhau, thực hành một vài phân đoạn trong phim. Bộ ảnh Theo anh về nhà được yêu thích trên fanpage của phim dạo trước chính là vòng thử vai cuối cùng, để đảm bảo chemistry (phản ứng hóa học) của họ hiệu quả.
Với cặp đôi Văn và Ian trong phim, tôi không chỉ đòi hỏi diễn xuất tốt của diễn viên, mà còn cần ở họ sự tương tác ăn ý. Tôi còn chia sẻ thẳng thắn với Thanh và Huy rằng tôi đặt kỳ vọng lớn ở Thưa mẹ con đi, vì diễn viên hỏng vai này còn có vai khác, nhưng đạo diễn như tôi, phim đầu tay rất quan trọng. Tôi mong Thanh và Huy diễn chuyên tâm và hết lòng.
- Hai diễn viên này đều là nhân tố mới của phim Việt, họ được luyện tập ra sao để khai thác tối đa khả năng diễn xuất?
- Lãnh Thanh và Gia Huy thực ra không phải gương mặt mới hoàn toàn, họ có nền tảng diễn xuất, chỉ là lần đầu đóng chính điện ảnh mà thôi. Tôi nhận thấy ở hai chàng trai này sự nhạy cảm và tinh thần cầu thị, chủ động trong diễn xuất. Trước ngày quay, tôi yêu cầu hai diễn viên tập rất nhiều cảnh quan trọng trong phim. Ví dụ như với cảnh Văn và Ian nấu ăn, Lãnh Thanh và Gia Huy cùng nhau làm đồ ăn thật và mời đạo diễn, các nhà sản xuất thưởng thức. Trong cảnh bơi lội, hai diễn viên nhảy xuống nước bơi thật...
Trở ngại lớn nhất của Lãnh Thanh là cậu ấy người gốc Bắc, trong khi nhân vật Văn là người miền Nam. Lãnh Thanh đã nỗ lực để học nói giọng Nam cho phim. Ngoài ra, Lãnh Thanh cũng chịu khó trau dồi thêm tiếng Anh. Về phần Gia Huy luôn lo lắng về gương mặt của mình khi lên hình, đoàn phim động viên rất nhiều để Huy xóa bỏ được tâm lý này.

Võ Điền Gia Huy (trái) và Lãnh Thanh chụp bộ ảnh "Theo anh về nhà" như vòng thử vai cuối cùng.
- Nghệ sĩ Hồng Đào và Hồng Ánh nhận được nhiều lời khen bởi sự khác biệt so với các vai diễn quen thuộc trước đây. Điều gì khiến anh nhớ đến hai chị cho vai diễn trong ‘Thưa mẹ con đi’?
- Tôi từng có thời gian dài gắn bó với chị Hồng Ánh vì 10 năm trước, tôi làm việc tại hãng phim do chị sáng lập. Từ lâu, tôi đã ấp ủ ý định mời chị Ánh sắm một vai trong phim đầu tay của tôi, nên khi làm Thưa mẹ con đi, tôi đã nghĩ đến chị. Hơn nữa, chị Ánh ngoài đời sống hồn nhiên lắm, tôi tin chị hợp vai cô Út hài hước, yêu ca hát.
Chị Ánh hay tâm sự, nhiều lần chị đi thử vai trong các dự án phim thương mại, nhưng sau cùng, vai diễn không về tay chị vì các đạo diễn, nhà sản xuất tự ý đóng khung chị trong hình ảnh bi thương. Khi tôi mời chị Ánh vào vai cô Út, chị hồ hởi nghiên cứu kiểu tóc, trang phục cho nhân vật, còn chủ động học hát Bolero, phân tích tâm lý của một phụ nữ 40 chưa chồng để nhập vai.

Hồng Ánh vào vai cô Út 40 chưa chồng, tính cách hồn nhiên, mê hát Bolero, mang đến nhiều tiếng cười.
Còn với chị Hồng Đào, tôi chưa từng gặp chị trước đây. Nhiều người chỉ nhớ đến chị với các vở hài kịch trên sân khấu hải ngoại, còn trong ký ức tuổi thơ của tôi, tôi luôn nhớ một nghệ sĩ Hồng Đào diễn xuất thần nhiều vai số phận. Một tháng trước ngày bấm máy, vai diễn mẹ Hạnh vẫn còn bỏ ngỏ cái tên của một diễn viên. Tôi ngần ngại liên lạc chị Hồng Đào, bởi tôi biết chị không thường xuyên ở Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện trực tuyến, tôi cảm nhận được sự sôi động, đầy lửa trong giọng nói lẫn nét buồn trong ánh nhìn của chị. May quá, linh cảm của tôi đã đúng. Tôi biết, mẹ Hạnh mà tôi đi tìm đây rồi.
- Quá trình quay phim, hai nữ diễn viên nổi tiếng có những góp ý, sáng tạo nào cho vai diễn?
- Chị Hồng Ánh gợi mở cho tôi nhiều về tạo hình của nhân vật. Đôi khi, sự sáng tạo của chúng tôi đến từ những tình huống bất ngờ lắm, chẳng hạn như cảnh cô Út cuốn lô tóc vào buổi tối ở nhà. Vốn dĩ, chị Ánh chỉ cuốn lô ở hậu trường trước khi vào cảnh. Nhưng nhìn chị trong hình ảnh đó, tôi thấy rất thú vị và phù hợp với nhân vật, nên quyết định để nguyên như vậy lên hình.
Chị Hồng Đào là người đề nghị đưa thêm chi tiết mẹ Hạnh đưa Văn lên sân khấu, ép Văn nói về dự định cưới hỏi của mình trước họ hàng, tạo thêm sức nặng và cao trào trong mối quan hệ hai mẹ con. Cảnh này ban đầu không có trong kịch bản.

Nghệ sĩ Hồng Đào ghi dấu với vai người mẹ thương con.
Tốn kém chi phí bối cảnh, cát-xê diễn viên
- Chủ đề LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) luôn gây chú ý, anh đã tính toán thế nào để ‘Thưa mẹ con đi’ không ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng này?
- Tôi miêu tả chuyện tình đồng giới trong phim giống như mọi chuyện tình khác, với cảm xúc rung động, tình tứ nhưng nhẹ nhàng. Trong teaser và poster đầu tiên, chúng tôi đính kèm câu thoại của nhân vật Ian: "Anh tính khi nào nói chuyện này với mẹ?". Điều này cho thấy phim gắn tình yêu đồng giới với gia đình, phản ánh trăn trở của nhân vật về cách làm sao công khai giới tính với người thân và liệu người thân sẽ phản ứng với họ ra sao.
- Ở cương vị đạo diễn, anh thấy khó khăn nhất khi dàn dựng cảnh phim nào?
- Đó là cảnh gia đình to tiếng và xô xát - một cao trào ở gần cuối phim, đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện. Tôi rất lo lắng về việc lan truyền và duy trì cảm xúc của nhân vật cho 7 diễn viên tham gia cảnh này.
- Hai nhân vật chính là Việt kiều sống nhiều năm ở nước ngoài nhưng trong phim, gần như toàn bộ lời thoại của họ là tiếng Việt, điều này có thiếu hợp lý?
- Đúng theo kịch bản, các cảnh trò chuyện riêng giữa Văn và Ian đều sử dụng tiếng Anh. Tuy nhiên nhà sản xuất góp ý với tôi, nếu phát hành phim tại thị trường Việt Nam, ngôn ngữ tiếng Việt sẽ dễ tạo cảm giác gần gũi với khán giả. Vì vậy khi quay, tôi đã chỉnh sửa.
- Có người nhận xét, một số cảnh phim khá Tây, mang âm hưởng phim châu Âu, ví dụ như cảnh hội chợ miền quê. Anh lý giải sao về điều này?
- Thực ra, đây là chủ đích của tôi. Tôi không muốn định danh một miền quê nào cụ thể với vẻ quê mùa, cũ kỹ.
- Tại sao anh không đặt bối cảnh phim ở hẳn miền Tây hoặc ở hẳn Sài Gòn, mà lựa chọn vùng quê ngoại thành?
- Đó là một vùng ven nằm lưng chừng giữa những cổ hủ, truyền thống của nông thôn và sự hiện đại của đô thị lớn. Đặc tính của địa điểm này phù hợp với câu chuyện phim, để các nhân vật khi đối diện với một tình yêu đồng giới không quá khắc nghiệt, ác cảm nhưng cũng chưa hoàn toàn dễ dàng chấp nhận.
- Câu chuyện phim diễn ra gần như chỉ trong một căn nhà. Đoàn phim đã đưa từng căn phòng trong mô tả của kịch bản, trong tưởng tượng của đạo diễn và biên kịch lên màn ảnh như thế nào?
- Căn nhà cổ trong phim khá nổi tiếng qua nhiều quảng cáo, nhưng chúng tôi đã thiết kế, bài trí lại từng căn phòng để tạo diện mạo mới, đồng thời theo sát câu chuyện phim. Riêng phòng tắm, tôi chọn đó là nơi bí mật để hai nhân vật chính gần gũi nhau và giấu kín chuyện tình của họ. Căn phòng này nằm bên ngoài căn nhà, khá biệt lập và riêng tư. Đoàn phim đã vận chuyển nội thất vào bên trong để dựng phòng, quan trọng nhất là chiếc gương và gây khó khăn nhất là hố xí bệt.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chỉ đạo cho diễn viên trong bối cảnh nhà cổ.
- Quá trình sản xuất phim, những hạng mục nào gây tốn kém cho êkíp?
- Tốn kém nhất là thi công bối cảnh, thiết kế mỹ thuật. Ngoài ra, thiết bị quay, ánh sáng và cát-xê cho dàn diễn viên đông gồm 9 thành viên trong gia đình, 2 vai phụ và nhiều quần chúng cũng gây tốn kém. Nhưng đáng quý là các diễn viên của tôi đều chấp nhận mức cát-xê vừa phải.
- Sau khi chiếu rạp ở Việt Nam, anh nghĩ sao về việc phát hành phim ra quốc tế hoặc đưa phim tham gia các LHP?
- Đó chính là mục tiêu của tôi và đoàn làm phim. Thưa mẹ con đi mang thông điệp toàn cầu về gia đình, về sự đón nhận của gia đình, xã hội đối với người đồng tính. Vì vậy, chúng tôi không muốn bộ phim dừng lại ở thị trường trong nước. Tôi và nhà sản xuất đã có một vài kế hoạch mở rộng phạm vi của phim và sẽ sớm chia sẻ trong thời gian tới.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh sinh năm 1986, tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Sản xuất phim tại đại học Austin - Texas, Mỹ. Anh từng có phim ngắn gây chú ý tại LHP quốc tế Bucheon, BFI London, Palm Spring... Thưa mẹ con đi là phim dài đầu tay của Minh, được phát triển từ kịch bản gốc của biên kịch Nhi Bùi và ra rạp từ 16/8. Câu chuyện phim bắt đầu khi anh chàng Việt kiều Văn (Lãnh Thanh đóng) đưa bạn trai Ian (Võ Điền Gia Huy đóng) về thăm nhà. Bằng sự nhạy cảm của một người mẹ, bà Hạnh (Hồng Đào đóng) - mẹ của Văn - lờ mờ đoán ra mối quan hệ của hai chàng trai trẻ. Người thân cũng có những phản ứng khác nhau khi biết về mối quan hệ này. Từ đây, nhiều mâu thuẫn, ganh đua ngầm giữa các thành viên gia đình dần lộ diện. |
Phong Kiều thực hiện