![]() |
Ca sĩ Duy Quang. |
- Được sinh ra trong gia đình danh tiếng, anh có những lợi thế hơn người khác, nhất là trong sự nghiệp. Anh nghĩ sao về điều này?
- Đương nhiên tôi được thừa hưởng nhiều thứ mà người khác không có, chẳng hạn âm nhạc. Gene di truyền đó giúp tôi có khả năng cảm nhạc rất tốt. Từ năm tôi mới 6-7 tuổi, trong dàn nhạc giao hưởng chỉ cần nhạc công chơi sai một nốt là tôi cũng nhận ra ngay. Đó là nền tảng quý giá để tôi đi theo con đường ca hát.
- Tên tuổi anh gắn liền với các nhạc phẩm của Phạm Duy - ba anh. Sự nghiệp của anh bắt đầu như thế nào?
- Tôi bắt đầu hát trên sân khấu với dòng nhạc trẻ Anh, Mỹ theo trào lưu hồi đó. Nhưng bài đầu tiên tôi hát để bắt đầu phong cách trữ tình cho đến hôm nay là Ngậm ngùi. Năm đó tôi 17 tuổi.
- Giờ hát lại những "Đưa em tìm động hoa vàng", "Cây đàn bỏ quên"... cảm xúc của anh thế nào?
- Bản thân âm nhạc đã là một điều kỳ diệu. Người nghệ sĩ lại được trời phú cho những khả năng đặc biệt. Tôi không biết các ca sĩ khác thế nào, nhưng với tôi hát lần nào cũng là lần đầu tiên. Mỗi bài hát luôn gắn với những kỷ niệm. Năm tháng chỉ làm nhiệm vụ giữ gìn nó như giữ trong ngăn kéo, mỗi khi kéo ngăn ra, cảm xúc lại ùa về, nguyên vẹn.
- Ngăn kéo nào của anh chứa nhiều kỷ niệm nhất?
- Một ngăn kéo chứa những nỗi niềm của riêng mình. Trong đó là những bài hát ba tôi viết riêng cho tôi. Nó gắn liền với một thời cực nhọc, một thời hạnh phúc và đau khổ nhất của tôi.
- Những nỗi đau đời như vậy có vẻ không thực lắm với con nhà gia thế, bản thân lại có tài. Đó là năm anh bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi mấy tuổi. Thực ra tôi phải ra đời kiếm sống từ năm 17 tuổi, đỡ gánh nặng phải nuôi dạy đến 8 người con cho ba má tôi. Còn hạnh phúc hay đau khổ trong đời mỗi người nhiều khi không phụ thuộc vào hoàn cảnh xuất thân, tuổi tác.
- Hầu như lớp khán giả của anh, những người vốn quen nghe anh hát tình khúc Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng... có vẻ không cổ vũ lắm khi anh chuyển hướng hát ca khúc của Trần Lê Quỳnh, Quốc Bảo, Phạm Minh Tuấn... Anh thấy thế nào?
- Tôi cũng từng nghĩ như vậy. Nhưng sau một thời gian quan sát, tôi thấy nhiều khán giả ở các phòng trà yêu cầu tôi hát những bài mới, và họ tán thưởng. Đó không phải là sự phù hợp sao, ít nhất là với lớp khán giả ấy. Lớp khán giả từng yêu mến giọng hát Duy Quang trước đây thường muốn nghe những bài hát cũ, nhưng tôi chưa có cơ hội trình bày. Đó cũng là một lý do để tôi tìm kiếm thêm những bài hát mới.
- Song ca với nữ ca sĩ cũng là cách tìm kiếm cảm xúc mới. Ở trong nước anh đã song ca với ai?
- Tôi hát với Mỹ Hạnh, Hồng Hạnh... Tôi thấy nhiều người đặt nặng vấn đề lựa chọn ca sĩ để song ca. Ở hải ngoại cũng vậy. Người ta thường phân biệt đẳng cấp, xem thử có ngang tầm hay không. Với tôi, quan trọng là hai người thể hiện ca khúc ấy như thế nào thôi.
- Chuyện trở về của gia đình Phạm Duy thời gian qua đã tốn khá nhiều giấy mực. Với riêng anh, lần trở về này có bao nhiêu phần là để cứu vãn sự nghiệp đang hồi đi xuống ở hải ngoại?
- Đúng là ở Mỹ, tôi ít sô hơn, khán giả cũng ít hơn nhưng nếu chịu cày sẽ kiếm được nhiều tiền hơn ở đây chứ. Ở bên đó có khi tôi làm việc liên tục từ 10h sáng cho đến đêm. Ở tuổi của tôi đâu cần phải mệt mỏi như vậy để làm gì. Danh tiếng bây giờ cũng đã đủ. Tôi yêu cuộc sống ở đây, khán giả ở đây.
- Đã 2 năm anh không hát ở hải ngoại. Anh nghĩ sao về ý định về lại Mỹ để hát?
- Hai năm qua, hầu hết thời gian tôi sống trong nước và chỉ hát ở các sân khấu, phòng trà nơi đây. Ngay lúc này tôi cũng chưa nghĩ tới việc đó. Hiện tại tôi cũng đủ bận bịu với công việc: đi hát, thu âm, theo dõi việc kinh doanh nhà hàng và một bar nhạc sống.
- Còn cuộc sống riêng tư thì sao?
- Tưởng là tìm được mối nhân duyên, nhưng hỏng rồi.
(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)