- Mang thai là quá trình thay đổi rất nhiều về thể chất và tinh thần của người phụ nữ. Bản thân chị thì sao?
- Rất may mắn là tôi không bị ốm nghén trong những tháng đầu thai kỳ. Tôi vẫn ăn uống sinh hoạt bình thường và chú trọng các thực phẩm nạp vào cơ thể để có đủ chất dinh dưỡng cho con và bản thân. Tuy nhiên, ngoại hình của tôi thay đổi nhiều. Tôi bị nổi mụn thai kỳ kín mặt, ngực, lưng. Da cũng bị thâm và sạm.
- Chị có cảm xúc, suy nghĩ gì khi cơ thể mình 'xấu' đi như vậy?
- Ngay từ khi biết mình mang thai đôi, tôi xác định mình có thể sẽ gặp tình trạng rạn da. Tôi đã thoa dầu dừa từ đầu thai kỳ nhưng biết trước dầu dừa chỉ hạn chế được phần nào tình trạng rạn da mà thôi. Vì vậy, tôi không quá bất ngờ khi nhìn thấy vết lằn đỏ ở bụng, điều chưa từng xảy ra thời còn con gái. Dù vậy, tôi giữ tâm trạng thoải mái, lạc quan.
Trong tương lai, tôi biết nếu mình sinh con xong, cơ thể sẽ rất xấu vì các vết rạn nhưng tôi cảm thấy điều này rất thiêng liêng. Với tôi, các vết rạn rất đẹp, chúng đánh dấu kỷ niệm hai thiên thần bé nhỏ đã đến với tôi trong cuộc đời này. Sau này, tôi có thể cải thiện tình trạng da nhờ các phương pháp dân gian như thoa nghệ, rượu, kiêng cữ truyền thống sau sinh... Còn điều mà tôi quan tâm lúc này là làm gì để tốt nhất cho con, giữ sức khỏe để con mạnh khỏe.
- Ông xã đã động viên, hỗ trợ chị ra sao trong thai kỳ?
- Chồng luôn tâm lý, hết lòng yêu thương, có nhiều hành động, cử chỉ dễ thương, lo lắng chu đáo cho tôi. Thai kỳ của tôi đầy niềm vui và hai vợ chồng đầy sự háo hức khi sắp được đón thêm hai thành viên mới trong gia đình.
Khi thấy tôi bị rạn da, anh động viên, an ủi vì sợ tôi buồn, tự ti, nhắc tôi thoa dầu dừa. Tôi luôn cười và bảo mình không sao. Thấy tôi lạc quan, anh vui vẻ và yên tâm phần nào. Anh cũng nhắc tôi hạn chế làm việc, nghỉ ngơi nhiều để giữ sức khỏe.
- Chị đã áp dụng các phương pháp thai giáo nào?
- Tôi bắt đầu quá trình thai giáo cho con kể từ tuần thứ 8 của thai kỳ, khi các con bắt đầu có tim thai. Tôi tập dần thói quen thai giáo để mình và các con quen nếp, giúp kích thích tinh thần của ba mẹ và thai nhi. Vợ chồng tôi thường xuyên trò chuyện với con, chạm để các con biết, cảm nhận được hơi ấm của ba mẹ. Mỗi sáng thức dậy, tôi sẽ xoa bụng nhè nhẹ và nói: "Chào buổi sáng các con, cảm ơn các con đến bên ba mẹ. Ba mẹ yêu con. Các con hãy khỏe mạnh, hấp thu tốt chất dinh dưỡng, đủ ngày đủ tháng ra chơi với ba mẹ nhé. Sáng nay, ba mẹ con mình sẽ ăn... làm việc...".
Sau khi trò chuyện cùng con, tôi sẽ cho các bé nghe nhạc nhẹ cùng mẹ khoảng 5 phút. Làm hoạt động gì, tôi cũng tương tác với các con. Buổi tối tôi sẽ đọc truyện 15 phút cho con nghe, đọc giáo lý nhà Phật, nghe nhạc cùng con. Tới khi tôi mang thai được 14 tuần, hai bé đã biết tương tác với mẹ, có dấu hiệu cử động (thai máy). 16 tuần, tôi dành thêm 5 phút buổi trưa chơi cùng con, chọc ghẹo để con đạp chân theo hướng tay mẹ chạm bụng. 26 tuần, tôi dùng đèn pin có ánh sáng nhẹ chiếu lên bụng để kích thích thị giác của con.
- Hiện tại, vợ chồng chị đã chuẩn bị những gì để đón "hai thiên thần nhỏ" sắp chào đời?
- Từ 2 tháng trước, vợ chồng tôi đã chuẩn bị quần áo, sữa, bỉm... cho con vì tôi nghĩ khi đó sức khỏe của mình còn tốt, có thể đi lại được nhiều. Hiện tại, tôi may mắn có thêm mẹ ruột, mẹ chồng phụ giúp chuẩn bị cho quá trình sinh nở.
Về cá nhân, tôi cũng đọc nhiều sách để tìm hiểu kiến thức chăm con. Trong tương lai, tôi không tin chắc mình sẽ là người mẹ hoàn hảo. Nhưng tôi sẽ dành những điều tốt nhất có thể trong khả năng và tình yêu lớn cho hai con. Tôi muốn đồng hành cùng con từ những điều nhỏ nhất, không chỉ là một người mẹ mà cũng sẽ là bạn của các con. Tôi thương yêu nhưng sẽ tập cho các con mình khả năng độc lập bằng cách theo dõi từ xa và động viên, chỉ dạy các con.
Tôi mong muốn để các con phát triển tự nhiên theo khả năng tư duy và sở thích của bé. Dân gian có câu: "Nói trước bước không qua" nhưng tôi tin rằng bằng khả năng và tình yêu của bản thân mình, tôi sẽ không bao giờ để các con phải đơn độc trên đường đời của mình.
Hằng Trần thực hiện