Điều gì sẽ xảy ra khi bạn được bổ nhiệm vào vị trí cao hơn và có nhiệm vụ quản lý những người bạn vốn là đồng nghiệp ngang hàng trước đây của mình?
Nếu ở ngoài nhìn vào thì quả thực Minh, 29 tuổi, đang có một công việc mà khối người phải thèm thuồng. Trong vòng 3 năm, từ một nhân viên quèn, Minh đã nhanh chóng leo lên được vị trí biên tập của một tạp chí giải trí nổi tiếng với mức thu nhập đáng mơ ước. Đương nhiên, cái gì cũng có giá của nó.
Minh luôn ngập đầu trong công việc, thậm chí cô không có thời gian để tận hưởng cuộc sống bên ngoài tươi trẻ và sôi động. Và cả những thú vui bình dị mà trước đây cô từng có khi còn là nhân viên bình thường cũng dường như quá xa xỉ khi con đường sự nghiệp đang thênh thang mở rộng trước mắt.
Khi được hỏi về công việc, Minh tâm sự: "Được viết những gì mình thích là niềm đam mê của tôi, và đó cũng là lý do tôi muốn trở thành một phóng viên. Tôi thích nấu ăn, viết bài, gặp gỡ mọi người và có thời gian dành cho việc nghiên cứu. Vì vậy, làm việc cho một tòa báo quả thực là ước mơ cháy bỏng của tôi ngày đó. Thế nhưng, khi ước mơ đó giờ đây đã nằm gọn trong tay mình, tôi lại thấy lo sợ. Và chỉ vài tháng sau khi được bổ nhiệm vào vị trí mới, tôi nhận ra mình đã thay đổi. 99% thời gian hàng ngày tôi ngồi lì trong văn phòng, giao dịch với các đối tác quảng cáo và đau đầu với việc quản lý phóng viên. Và trong suốt hàng tiếng đồng hồ căng thẳng đó, tôi chẳng có lúc nào nghĩ đến những đam mê trước đây của mình".
Thật ra, câu chuyện của Minh chẳng có gì đặc biệt. Trong thời buổi công nghiệp như ngày nay, ngày càng có nhiều phụ nữ cảm thấy mình không sao thoát khỏi cảm giác bế tắc khi họ có quá nhiều thành công trong nấc thang sự nghiệp của mình. Trước mắt họ chỉ có những con số nhảy múa, những cuộc họp với khách hàng và những bản báo cáo công việc trong khi điều họ thực sự muốn làm không hề tồn tại trong công việc mà họ đang đảm nhận.
Tồi tệ hơn, bản thân họ lại trở thành nạn nhân của chính mình vì không được sống đúng con người mình. Liệu điều đó có thực sự là cơn ác mộng của những người đang đứng trên đỉnh cao của sự thành đạt hay không?
Chúng ta dường như luôn bị mặc định trong công thức cứng nhắc: thành đạt = công ty lớn + vị trí "ngon". Và thế là, leo lên được vị trí cao hơn, đối với chúng ta, đó là hạnh phúc.
Nhưng cuộc sống đâu có đơn giản như vậy. Đành rằng việc thăng tiến đồng nghĩa với việc tăng lương, có chức có quyền và thêm bổng lộc nhưng nó cũng đồng nghĩa với tăng gánh nặng quản lý nhân sự, quản lý tài chính và áp lực của công việc.
Đã đi làm thì ai chẳng muốn mình "có vai có vế" nhưng càng lên cao thì người ta càng cảm thấy mình không còn là mình nữa, bởi công việc họ đang làm là trách nhiệm, chứ không phải là những gì họ thực sự đam mê. Bản thân xã hội chúng ta đang sống ép chúng ta phải kiếm tiền nhưng chính áp lực đó lại đẩy chúng ta ra khỏi những ước mơ của chính mình. Chúng ta chỉ luôn tính toán làm sao để có thể đi lên mà không bao giờ nghĩ đến mặt trái của vấn đề.
Thành, 40 tuổi, kiến trúc sư cấp cao của một công ty kiến trúc lớn, thổ lộ: "Thời còn trẻ, tôi chỉ thích thiết kế nhà, khu văn phòng và những khu trung tâm mua sắm. Nhưng từ khi được lên chức, chưa bao giờ tôi có thời gian đụng đến bản vẽ. Công việc của tôi hiện giờ là giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý và nhân sự. Mặc dù tình hình tài chính cá nhân ổn hơn trước nhưng nói thật, tôi làm việc mà chẳng có hứng thú gì".
Sau vài tháng, Thành quyết định bỏ việc để "hành nghề tự do", đánh đổi sự ổn định và mức thu nhập hấp dẫn để có thể thỏa sức làm công việc mà mình yêu thích từ hồi còn trẻ với vài khách hàng nhỏ và một văn phòng ngay tại nhà. "Đúng là hơi mạo hiểm thật", Thành tâm sự, "Tôi vẫn luôn băn khoăn về quyết định của mình nhưng ít nhất thì tôi thấy rằng giờ đây mình cũng đã có trách nhiệm với chính mình".
Khi bạn chỉ là một nhân viên bình thường thì phần lớn thời gian bạn ở cơ quan bên cạnh những bạn đồng nghiệp. Thế nhưng, điều gì sẽ xảy ra khi bạn được bổ nhiệm vào vị trí cao hơn và có nhiệm vụ quản lý những người bạn vốn là đồng nghiệp ngang hàng trước đây của mình?
Chị Lan, 29 tuổi, cảm thấy rất không thoải mái khi là sếp trẻ nhất trong công ty. Khi được đề bạt, chị cảm thấy rất vui và hào hứng với vị trí mới, thế nhưng chị cũng nhận ra mối quan hệ của mình với những người bạn đồng nghiệp có những thay đổi. Từ đó, Lan đi làm trong tâm trạng không thoải mái: "Mặc dù bây giờ tôi đã có một ví trí trong công ty, được ưu ái tốt nhưng những đồng nghiệp cũ không còn thoải mái nói chuyện với tôi như trước, họ cũng tỏ ra khó chịu và dè chừng tôi, còn sếp lại mong muốn tôi có thể quản lý họ một cách hiệu quả".
Theo Kate Southam, chuyên gia tư vấn và nghiên cứu về nghề nghiệp, "ban đầu, khi bạn mới được đề bạt lên vị trí cao hơn, bạn phải chấp nhận một điều là rất khó có thể vừa là sếp vừa là bạn. Hãy tỏ ra thân thiện, thường xuyên tổ chức các cuộc đi chơi, dã ngoại, giao lưu trao đổi với các thành viên trong nhóm. Điều quan trọng đối với một người quản lý là phải làm sao có thể giảm nhẹ áp lực công việc đối với nhân viên của mình.
Thực sự điều này là rất khó khi các thành viên trong nhóm đã từng là bạn đồng nghiệp ngang hàng. Bên cạnh đó, một người quản lý giỏi cũng là người biết thể hiện để cấp trên thấy rằng họ đã quyết định đúng khi đề bạt mình".
Để vượt qua khó khăn này, Kate khuyên bạn nên tìm hiểu và nắm vững kỹ năng quản lý. "Hãy tham gia các khóa học quản lý nhân sự, để trang bị cho mình những kỹ năng thiết thực như làm thế nào để có thể đưa ra phản hồi một cách hiệu quả, làm thế nào để có thể quản lý nhân viên và đưa ra những nhận xét về công việc của họ một cách chuyên nghiệp mà không gây ra những phản ứng tiêu cực từ phía họ. Như vậy, bạn có thể thể hiện cho nhân viên của mình thấy mình đang rất mong muốn trở thành người quản lý tốt.
Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động tổ chức những cuộc gặp gỡ riêng, thảo luận với từng người về kế hoạch quản lý của bạn đối với riêng họ, coi họ như một bộ phận thiết yếu của công việc. Hãy để cho họ được nói lên những suy nghĩ của mình nhưng tuyệt đối không xin lỗi hay giải thích về việc mình được bổ nhiệm làm sếp của họ. Hãy xử sự đúng như một người quản lý".
Tìm lời khuyên ở những người đi trước trong công ty mình hoặc gia nhập các câu lạc bộ hay tổ chức dành cho các doanh nhân - nơi bạn có thể dễ dàng có cơ hội tiếp xúc với những người thành đạt dày dạn kinh nghiệm quản lý cũng là một giải pháp cho bạn.
(Theo Đẹp)