Sự gặp gỡ giữa Trí với Hà cũng ngẫu nhiên, đó là giữa năm 2004, khi cô ra album đầu tay 24 giờ 7 ngày với sự giúp đỡ chuyên môn của nhạc sĩ Huy Tuấn, bạn của anh.
Đức Trí tâm sự với Tuổi Trẻ: “Tôi tìm thấy ở Hà một người hát đẹp. Đẹp ở đây không chỉ là… người đẹp, đẹp ở đây là chất giọng đẹp, lại học hành trường lớp (Hà học piano nhiều năm). Tôi không phải làm người quản lý cho Hà mà là làm nhà sản xuất. Nhà sản xuất có nhiệm vụ thực hiện những sản phẩm chuyên môn (album, live show…), những đường hướng phát triển mới mẻ cho ca sĩ”.
Đức Trí và Hồ Ngọc Hà. |
Đức Trí là người tự tin. Cặp lông mày rậm, mắt lơ đãng hay nhìn xa (và trông rộng). Đang là nhà hòa âm, sáng tác ăn khách hàng đầu giữa giai đoạn nhạc Việt ăn nên làm ra (thời điểm 1996-2000), anh bỏ ngang hết, khăn gói sang Mỹ học nhạc. Anh hiểu rằng “trong các loại hình đầu tư thì đầu tư cho kiến thức không bao giờ lỗ”.
Nhưng thực tế cũng không hề dễ dàng. Tiền dành dụm mấy năm trời làm nhạc công, hòa âm, sản xuất băng đĩa ở VN chỉ đủ để anh đóng học phí và ăn ở tại Boston đắt đỏ trong… 1 năm. Xoay xở tứ bề, từ gia sư dạy nhạc, đi đánh keyboards nhà hàng, hòa âm theo đặt hàng từ các ca sĩ trong nước hay viết nhạc cho ca sĩ hải ngoại, anh mới đủ chi phí theo học các năm sau. Cuối cùng thì anh cũng tốt nghiệp ngành âm nhạc đương đại (contemporary music) tại Trường Berklee danh tiếng.
Về nước, trong khi người trong giới nín thở chờ đợi Đức Trí làm một điều gì đó ra trò “với cái mác đi học ở Mỹ về” thì chàng thanh niên đã bước qua tuổi 30 này lại dành nửa năm đầu toàn… long nhong đi chơi (ngoài việc tham gia đánh nhạc cho live show truyền hình của Phương Thanh ở sân Phan Đình Phùng). Từ sau khi quen Hồ Ngọc Hà, Đức Trí bắt đầu nhấn ga.
Anh nhân định: “Viết nhạc không là chủ điểm của tôi. Nó chỉ là một phần trong công việc mà tôi thực hiện bao gồm rất nhiều mắt xích: sáng tác, hòa âm, đệm nhạc, soạn nhạc quảng cáo, nhạc phim, hòa tấu, sản xuất album…”.
Đức Trí nhấn mạnh anh là người đa phong cách. “Tôi tìm hiểu và học mọi thể loại pop, rock, latin, jazz, R&B, từ nhạc cổ điển đến nhạc đương đại. Tôi không muốn mình bị bó hẹp sáng tạo trong một thể loại nào”.
Anh cũng là một nhạc sĩ viết nhạc cho phim và yêu cầu cát-xê rất cao với bộ phim Nữ tướng cướp có giá 100 triệu đồng. Sắp tới, chàng nhạc sĩ này sẽ làm nhạc cho phim Áo lụa Hà Đông và yêu cầu giá cao hơn nữa. Anh giải thích: "Đến một lúc nào đó, một tương lai thật gần thôi, làng giải trí cũng như dư luận sẽ thừa nhận rõ rệt vai trò của một người làm nhạc để tạo nên những sản phẩm giải trí chất lượng cao. Và cái giá 100 triệu không còn gì bất ngờ nữa khi nhà sản xuất đã hiểu cần phải đầu tư vào đâu là đáng đồng tiền bát gạo, là tiền nào của nấy. Ngược lại, người làm chuyên môn sẽ tạo ra sản phẩm với tinh thần trách nhiệm và uy tín của mình".