Hàng sale đôi khi là hàng xuất khẩu cao cấp. |
Chí ít là người buôn hàng phải biết tiếng Tây, tiếng Tàu, biết giá ở ta rẻ hơn giá nước ngoài mấy đồng, biết nhãn này hàng hiệu hơn nhãn kia mấy cấp...
Chị Ngọc Thùy, nhân viên một công ty Đài Loan ở quận 6, TP HCM, rủ: “Có lô giày xuất khẩu 350 đôi, giá trọn lô 970 USD, sau 2 tuần có thể thu lại 1.500 USD, hùn không?”. Vốn chưa bao giờ làm ăn, nhưng chị Ngọc Lan, bạn Thùy, đã thử tính: “Giá giày cao gót nguyên hộp bán khu vực Lê Thánh Tôn 200.000-250.000 đồng/đôi, rẻ nhất là khu Trần Huy Liệu cũng 65.000-85.000 đồng/đôi, mua sỉ chỉ có 30.000-40.000 đồng/đôi, chắc không lỗ”.
Sau hai tuần, đôi bạn cũng bán hết lô hàng nhưng không được giá như dự tính, chỉ l.250 USD. Lan kể: “Từ giá mua sỉ chỉ 2-3 USD/đôi giày, đến giá mua lẻ 200.000-300.000 đồng là một khoảng cách lời quá lớn mà lại chẳng dễ ăn chút nào”. Thông thường, dân buôn sale có cửa hàng riêng, vừa bán sỉ vừa bán lẻ mới dễ kinh doanh. Một lô hàng vài trăm đôi có khoảng 20-30% loại xịn kiểu dáng đẹp, kích cỡ vừa chân người Việt Nam dễ bán, loại này có thể bán lẻ trên 200.000 đồng/đôi, thậm chí kiểu độc lên đến 400.000-500.000 đồng/đôi. 30% giày tiếp theo kiểu dáng bình thường, chỉ có thể bán với giá trung bình trên dưới 100.000 đồng. Số còn lại thường cỡ quá lớn hoặc kiểu không hợp với thị trường nên rất khó bản, phải tìm cách “đệm thêm” lớp đế cho đôi giày chật hơn vừa chân khách mua hoặc bán hàng “ngậm” cho các khu vực có khách nước ngoài qua lại. Có lúc đổ sale bán 5.000-10.000 đồng/đôi cũng chẳng ma nào thèm mua.
Dân buôn có kho chứa, có thời gian để phân loại, có các mối mua hàng theo từng cấp độ thì có thể kiếm cả nghìn USD/lô dễ dàng. Theo ông Nguyễn Văn Thuận, một chủ cửa hàng sale (chuyên bán giày dép, túi xách, thắt lưng xuất khẩu) trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), cái khó và có tính quyết định nhất là phải “biết nhìn”: kiểu giày chưa ai có, mẫu thấy lần đầu tiên là phải “cảm” được rằng nó sẽ trở thành mốt, hay chẳng ai dám xài. Nếu dân buôn hàng sida trước kia cần mẫn, chịu khó từng chuyến hàng để dành lợi nhiều thì dân buôn sale phải liên tục cập nhật mốt từ các đĩa nhạc MTV, catalogue thời trang, trên Internet...
Nhiều câu chuyện vui quanh các mốt hàng mới được kể. Có lần kho hàng may đổ ra loạt áo may bằng vải thun, áo khoét đến 5 lỗ, mua về rồi mà cả vợ, chồng, con gái lớn của người gom hàng xoay tới xoay lui cũng không biết phải mặc ra làm sao. Ông chồng kiên quyết: “Không đẩy kiểu áo hở cả ngực thế này ra thị trường, làm hư con nhà người ta, buôn bán thì cũng phải có đạo đức...”. Đến khi tình cờ xem hình của một ca sĩ trên báo nước ngoài, ông mới ngớ người ra, thì ra hai khoảng trống tưởng là ở thân áo trước hóa ra là để xỏ tay, còn các lỗ có đính dây kia cứ để lùng nhùng ở trên vai.
Giới buôn giày dép sale cho biết, chỉ tính riêng trong lĩnh vực giày dép, hiện có gần 200 nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu cao cấp cho cả trăm nhãn hiệu nước ngoài. Còn quần áo thời trang có hơn 500 công ty thường xuyên bán các loại quần jean, áo khoác, áo gió, thun, sơ mi, váy... Trong đó dễ mua nhất là từ các công ty Đài Loan. Cứ sau mỗi đợt làm hàng hợp đồng là các ông chủ lại bán ra ngoài các lô giày bị lỗi hoặc do họ cố tình sản xuất nhiều hơn để bán ra thị trường nội địa. Điều này giải thích vì sao gần đây, có hàng chục cửa hàng thời trang chuyên bán hàng xuất khẩu thanh lý, thậm chí cửa hàng thời trang đồng giá liên tục xuất hiện với mẫu đẹp và giá cạnh tranh. Có những shop thời trang có tên hiệu riêng, giới thiệu những bộ sưu tập mới cho từng quý nhưng đến 80% hàng ở đây lại chọn độc quyền từ một vài kho nào đó.
Chính chị Thùy cũng khẳng định: “Nói tiếng Anh và tiếng Hoa đủ lưu loát để có thể đàm phán được với các ông chủ Đài Loan là yếu tố quan trọng nhất để buôn sale có lời nhiều và bảo đảm nguồn độc quyền”. Khác với các kho hàng của công ty Việt Nam, phải “bỏ nhỏ” cho người quản lý để khi có hàng được thông báo trước, còn với các công ty Đài Loan thì đích thân các ông chủ gọi điện thoại và thông báo giá cho dân buôn.
Bình quân một lô giày dép có khoảng 700-800 đôi, số lô ít hơn 500 đôi hoặc nhiều hơn l.000 đôi thỉnh thoảng mới có. Lô nào càng nhiều, giá càng rẻ, có khi chỉ 1-l,5 USD/đôi. Các lô quần áo thì số lượng ít hơn, khoảng 200-300 sản phẩm/lô, giá bán thường chỉ vài nghìn đồng nhưng lại khó tiêu thụ hơn giày dép vì dễ bị đề mốt. Cái khéo của người bán lẻ là phải lên được nấc giá hợp lý đầu tiên để sau đó lỡ có giảm thì vẫn còn lời. Chẳng hạn, năm ngoái, một siêu thị trong thành phố mua được cả lô váy đầm thời trang giá chỉ 8.000 đồng/chiếc, đưa về bán 75.000 đồng, sau 10 ngày hạ tiếp còn 60.000 đồng và cuối cùng giá còn 20.000 đồng cũng không bị lỗ chi phí vận chuyển, máy lạnh...
Cùng mua một giá, am hiểu nhãn hiệu càng lâu thì khả năng kiếm lợi càng lớn. Ở kho hàng của chị Lan ở quận Phú Nhuận, loạt áo thun chị gom từ các công ty về được chia theo từng nhãn hiệu: Ralph Laurent, Tommy Hilfiger, Hang Ten, Arizona, CK, Columbia... Chị nói: “Hàng hiệu bỏ vào các shop, cửa hàng lớn bán lẻ luôn trên 100.000 đồng/chiếc, hàng thường đủ kiểu dáng y chang cũng chỉ được 25.000- 30.000 đồng/chiếc. Gặp kiểu lạ, hàng hiệu cao cấp có thể bán được đến vài trăm nghìn đồng/áo”.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị, hiện chẳng đợi đến tháng 8, tháng 10 hay tháng 11, thị trường mới vào mùa kinh doanh hàng giảm giá như ở các nước, mà các loại hàng tồn kho xuất khẩu, hàng sale, hàng loại B giảm giá... ở Việt Nam có lúc nào bán lúc ấy, suốt quanh năm. Vậy nên dân buôn sale cũng tất bật suốt 365 ngày. Nhất là những tháng cuối năm, công ty sản xuất thanh lý hết hàng tồn, nhu cầu mua sắm cũng tăng cao, có vốn mua gặp hàng tốt có thể kiếm lãi gấp ba lần là bình thường. Buôn hàng sale đã và đang tạo nên những ma lực hấp dẫn là thế.