Đoạn status của Ernesto Fuentes đăng ngày 31/5 kể lại một vụ bắt cóc một bé gái 5 tuổi tại Mỹ và bán cho kẻ mắc chứng ấu dâm (thích quan hệ tình dục với trẻ em) đã thu hút sự chú ý của các bậc cha mẹ. Bài viết nhận được hơn 230. 000 lượt chia sẻ này giống như một lời cảnh báo về mối nguy hiểm khôn lường xuất phát từ thói quen "khoe" ảnh con cái lên mạng xã hội. Nội dung của status như sau:
"Một chàng trai gửi cho bạn một yêu cầu kết bạn. Bạn không biết anh ta, nhưng anh có một hình ảnh cá nhân dễ thương nên bạn đã chấp nhận yêu cầu kết bạn.
Đó là ngày đầu tiên con gái bạn đi học. Con bé trông rất dễ thương trong trang phục mới. Bạn đã chụp một tấm ảnh của bé và đăng lên Facebook để tất cả bạn bè và gia đình có thể nhìn thấy.
Trong khi đó, người đàn ông bí ẩn có yêu cầu kết bạn, bạn vội vã chấp nhận vào sáng nay đã nhanh chóng lưu hình ảnh cô con gái bạn với trang phục dễ thương vào điện thoại của hắn và gửi bức ảnh đó đến 60 người đàn ông trên toàn thế giới với dòng chú thích: 'Bé gái người Mỹ, 5 tuổi. Tóc nâu. Mắt đen. 5. 000 USD'.
Bạn không những đã cung cấp hình ảnh con gái của mình cho một kẻ buôn bán trẻ em mà bạn còn đưa cho hắn cả tên và vị trí chính xác nơi bé đang học. Bạn đến đón con gái vào lúc 3h chiều nhưng không ai tìm thấy cô bé. Bạn có biết, con gái yêu quý của bạn đã được bán cho một kẻ ấu dâm 43 tuổi, thậm chí trước khi bạn bước chân ra khỏi trường sáng nay.
Bây giờ cô bé đang trên đường đến Nam Phi với một cái túi trùm trên đầu, bối rối, sợ hãi và khóc lớn vì một người đàn ông cô chưa bao giờ thấy trước đây đã đón bé từ trường. Và bây giờ, bé không biết cha mẹ đang ở đâu, nơi bé đang đến là đâu hoặc những gì sẽ xảy ra với bé.
Hãy dừng kết bạn với người lại trên Facebook và dừng đăng tất cả mọi thứ về cuộc sống của bạn lên Facebook, tránh sử dụng hình ảnh của con bạn làm ảnh đại diện".
Mạng xã hội ngày nay đã trở thành công cụ giao tiếp phổ biến của bà mẹ bỉm sữa. Họ vào mạng xã hội để nói chuyện, tham khảo kiến thức, buôn bán, chia sẻ thông tin và "khoe con" (không thể thiếu). Không ít bà mẹ thừa nhận rằng họ bị "nghiện" đăng ảnh con lên Facebook, ngày nào không viết một điều gì đó về con là thấy "không yên". Chị Hải Hòa (Hà Nội) nói: "Mình thích chụp ảnh con vì muốn ghi lại từng giai đoạn phát triển của con. Mình chụp nhiều lắm và có những bức ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu thì mình muốn chia sẻ với mọi người. Đăng ảnh con lên, thấy mọi người khen, mình vui và có đôi chút tự hào nữa".
Cha mẹ hầu như không biết về những nguy hiểm tiềm ẩn từ mạng xã hội hoặc xem nhẹ chúng. "Mạng xã hội là thế giới ảo. Còn cuộc sống của mình là đời thực. Ảo thì làm sao ảnh hưởng đến thực được. Với cả, chuyện bắt cóc đó chỉ có ở nước ngoài thôi, người ta dựng nên như thế để hù dọa mọi người. Mình luôn bảo vệ con thì không ai có thể làm hại con được", chị Minh Trà (Nam Định) chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, từ góc độ của một chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Việc đăng ảnh con lên mạng xã hội quá đỗi nguy hiểm và đã quá rõ ràng. Đứa trẻ sinh ra là một con người, nó cần sống sống an toàn và hạnh phúc. Nó không phải là món đồ chơi của bố mẹ để bảo thích làm gì thì làm.
Cha mẹ đẻ con ra hoàn toàn do ý nguyện của cha mẹ hoặc do cha mẹ 'vô ý' sinh ra, không phài là ý muốn của đứa trẻ. Cha mẹ phải có trách nhiệm với cuộc sống của con vì cha mẹ chính là số phận của con cái. Chỉ vì cái ý thích 'khoe khoang' mà đẩy con vào vòng nguy hiểm thì bố mẹ đó không xứng đáng với danh xưng là 'Đấng sinh thành'.
Ngoài nguy cơ bị bắt cóc, đứa trẻ còn có thể là nạn nhân của xâm hại vì những bức ảnh khỏa thân của bé sẽ kích thích kẻ xấu. Ngay cả việc đưa ảnh con lên quảng cáo, tôi nghĩ cũng là không ổn. Đứa trẻ không đáng bị đem ra làm công cụ kiếm tiền hoặc công cụ khoe khoang của cha mẹ.
Việc làm này còn gấy ảnh hưởng tới tâm lý của con. Đứa trẻ nếu nếu bị xâm hại thì chắc chắn đó sẽ là cú sốc cả đời mà con không thể quên được. Có đứa bị trầm cảm, có đứa tìm đến cái chết... Nếu không bị xâm hại, nếu người ngoài cười cợt nó thì nó sẽ tức tối, xấu hổ và nặng hơn là thu mình lại, sợ hãi, thiếu tự tin.
Theo tôi, cha mẹ luôn phải nhớ, phải nhận thức rõ rằng chúng ta đang bảo hộ, nuôi dưỡng và giáo dục những con người chứ không phải thú cưng. Mọi hành vi của cha mẹ có khi đứa trẻ phải trả giá bằng cả cuộc đời chúng. Cha mẹ hãy cư xử sao để con mình có số phận tốt đẹp nhất".
Song Giang