Nhường nhịn nhau
Nhường nhịn không có nghĩa là bạn sẽ phải cam chịu hay chấp nhận ý kiến của đối phương, kể cả khi người ấy sai. Các cuộc cãi vã thường là do hai bên bất đồng quan điểm. Chỉ cần một trong hai người không tham gia, đối phương sẽ mất đi cơ hội để cãi nhau. Như vậy sẽ bớt đi những cuộc tranh luận không cần thiết. Hãy tránh mặt và chờ cho tới khi cả hai cùng bình tĩnh ngồi trò chuyện lại với nhau.
Thảo luận lại vấn đề
Trong cuộc thảo luận, tuyệt đối đừng chuyện nọ xọ chuyện kia, móc nối vấn đề hiện tại với những chuyện đã xảy ra từ rất lâu, đã giải quyết nhưng kết quả không làm bạn thỏa mãn nên mỗi lần tức giận, bạn lại lôi ra nhắc lại.
Chỉ nên tập trung vào việc vừa xảy ra và những gì quan tới nó. Thêm vào đó, nên sử dụng những từ ngữ nghe lọt tai và nhẹ nhàng. Những từ ngữ khiêu khích sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp.
Kiếm tìm tiếng nói chung
Phải chắc chắn rằng bản thân mình và người ấy cùng hiểu rõ quan điểm của nhau trước khi bắt đầu ngồi lại trò chuyện. Bạn có thể yêu cầu chồng/vợ thay đổi thái độ, nói ra những gì thích hay không thích của bản thân hay những điều người đó vừa làm, bạn cho rằng không hợp lý.
Đừng đem nhau ra để phân tích tính cách, đạo đức hay phẩm chất. Bạn không phải đang dạy những đứa con hay học sinh của mình. Một nửa của bạn đã lớn và trưởng thành, họ hiểu rõ mình đang làm gì. Họ không thích bị ai dạy dỗ dù cho bạn chỉ muốn góp ý chứ không có ý lên mặt dạy đời. Điều đó cũng khiến buổi trò chuyện của bạn gặp thất bại.
Giải quyết vấn đề
Bạn không nên đoán mò điều đối phương đang nghĩ mà hãy hỏi trực tiếp xem người ấy muốn gì. Hai người phải cùng nhau nhìn nhận vấn đề và phân tích một cách kỹ lưỡng. Sau khi làm sáng tỏ mọi việc, cùng nhau thảo luận, đưa ra những phương án hợp lý làm hài lòng đôi bên.
Giải quyết vấn đề lúc đang đói, mệt mỏi, trong hơi men hay lúc tính khí đang thất thường… là điều cấm kỵ. Chúng không chỉ làm cuộc trò chuyện của hai bạn trở nên tệ hại, thậm chí còn làm vợ chồng tiếp tục tranh cãi mà không có hồi kết.
Tham khảo ý kiến người xung quanh
Có thể tâm sự với bạn bè hay người thân trong gia đình nếu cảm thấy vấn đề của bạn đang trong hồi bế tắc và bạn cần người chia sẻ. Nhưng đừng phụ thuộc quá nhiều vào ý kiến hay lời khuyên của mọi người xung quanh. Dù sao, họ cũng chỉ là những người ngoài cuộc, họ không thể hiểu hết "nội tình" bên trong bởi chỉ nghe lời kể từ một phía. Vì vậy, bạn nên coi đó như những lời an ủi, động viên để bình tĩnh tìm ra lối thoát cho vấn đề của mình.
Như Ý