Ban thờ thần tài. (Ảnh: Hoàng Hà) |
"Em cứ sợ chị quên, sếp mắng chết!", Vân cười nói. "Quên là quên thế nào? Bao nhiêu bổng lộc của cả cái công ty này đều nhờ các cụ mà có cả đấy! Chị em mình mà sao nhãng một tí là có ngày húp cháo", chị Thủy miệng nói, tay thoăn thoắt bày biện hoa trái lên ban thờ, vẻ rất thành kính.
Không riêng phòng Tài chính của chị Thủy lập ban thờ riêng mà có đến 3 phòng ban khác trong cùng công ty xây dựng của chị cũng có ban thờ và rất chăm khấn lễ. Chị Thủy bảo tất cả những cơ quan, văn phòng nhà nước mà chị biết đều rất chăm chỉ hương khói, cầu tài cầu lộc.
Những người "tín tâm", khéo mua bán như chị Thủy thường được sếp giao phó chuyện sắm đồ lễ mỗi ngày rằm, mùng một hoặc lễ tết và được đặc cách đi làm muộn vào những ngày này. Ở các công ty nhà nước, khối văn phòng thì kín đáo lập ban thờ nhỏ, khối tài chính liên quan đến tiền bạc thì làm ban thờ lớn, nơi đơn giản chỉ có bát nhang, lọ hoa, đĩa quả, cũng có nơi thì đủ cấp bệ thờ, tượng, cốt... Còn ở những những công ty tư nhân thì vừa bước vào cửa, người ta đã có thể nhìn thấy ban thờ thần tài đặt trong góc nhà, ngày nào cũng được thay nước, thuốc lá, tiền vàng... "Đôi khi khách hàng đến giao dịch cứ chảy cả nước mắt vì khói hương, nhưng tôi cũng chưa thấy ai phàn nàn gì. Thôi thì "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", ai làm ăn chẳng phải chăm lo phần âm một tí thì phần dương mới hưng thịnh, các cụ mới cho lộc mà ăn chứ", một vị giám đốc doanh nghiệp chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng trên đường Trường Chinh phân trần.
Xét về nguyên tắc và nội quy thì đúng là chẳng ai được phép thờ cúng nơi công sở. Nhưng dường như đã thành lệ, các phòng ban mỗi khi xây sửa, cắt đặt vị trí, dù phòng ốc có chật chội đến mấy thì cũng đều có chỗ dành riêng cho ban thờ, nếu chật quá thì mời các cụ lên... nóc tủ. Nhiều sếp rất cẩn thận, bắt nhân viên hoặc đích thân đi nhờ thày hoặc lên chùa xem hướng, xin cốt, tìm người hợp tuổi, hợp vía để chăm lo việc khấn lễ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Ngôisao, chỉ có ở các văn phòng nước ngoài hoặc công ty liên doanh là tuyệt nhiên không có chuyện hương khói, còn đa số cơ quan nhà nước của VN đặc biệt là của tư nhân thì việc thờ cúng là không thể thiếu. Thậm chí, ngay cả những cơ quan chẳng liên quan gì đến kinh doanh, sản xuất như một cơ quan bảo trợ xã hội cũng nhang khói đều đặn. Một nhân viên ở cơ quan này phân trần: "Thật ra chúng tôi cũng không phải là người mê tín, không làm cũng không có gì áy náy nhưng mà thấy nơi nào cũng nhang khói, thôi thì mình cũng làm theo, không cầu tiền cầu lộc thì cầu bình an cũng được chứ sao".
Giới công chức đi lễ chùa ngày một đông. (Ảnh minh họa) |
Xung quanh chuyện cúng lễ nơi công sở cũng có nhiều chuyện bi hài. Đến giờ, những người từng làm việc tại tòa nhà 11 Trần Hưng Đạo thi thoảng vẫn kể nhau nghe vụ cháy hụt cách đây gần 2 năm. Tòa nhà 7 tầng to đẹp và khá sang trọng này được một số cơ quan thuê để đặt văn phòng. Bị Ban giám đốc tòa nhà nghiêm cấm việc thờ cúng, một đơn vị cực chẳng đã đành lên... trần thượng lập ban thờ, tháng đôi lần lén lút lên khấn vái. Một lần, chẳng hiểu sơ suất thế nào mà các bà các cô để khói hương tuôn ra mù mịt, thui tịt cả ống kính camera giám sát của đội bảo vệ. Lập tức, tín hiệu báo cháy gióng lên ầm ĩ, các anh bảo vệ sầm sập chạy lên nơi phát ra đám khói. Cả toàn nhà chỉ có hai thang máy nên náo động hết cả lên. Một sát sau, ai nấy thở phào vì biết đó chỉ là khói hương và cũng chẳng ai trách cứ gì...
Người Việt dễ thông cảm vì có tín ngưỡng thờ cúng, chứ một số người ngoại quốc làm cùng tòa nhà thì chẳng mấy hài lòng. Ben, một người Mỹ làm việc tại tòa nhà này, lắc đầu mãi mới... hết sợ.
Dân văn phòng mê tín cũng nhiều kiểu, nhiều mức độ, đa số thì cũng chỉ rủ nhau đi coi bói, xem tử vi... về áp dụng đến mức độ nào thì cũng còn tùy. Có một dạo, trong phòng làm việc của Yến, nhân viên một công ty kinh doanh phần mềm lớn ở HN, người ta luôn thấy có một bình thủy rất đẹp. Tưởng cô để trang trí, hỏi ra mới biết, Yến đi xem bói, bà bói bảo cô mệnh mộc, nên đặt bên cạnh một bình nước để cho may vì "thủy dưỡng mộc". Mấy hôm sau, mọi người thấy Yến thả thêm hai con cá vào. Hóa ra, sau một hồi nghiên cứu số mệnh dựa theo cung Hoàng đạo kiểu phương Tây, Yến phát hiện ra mình thuộc cung Song Ngư, thế là "đông tây kết hợp", cô thả cá vào nước cho may mắn gấp đôi!
A dua theo Yến, các cô cùng văn phòng đua nhau đi xin bùa xanh xanh đỏ đỏ treo lủng lẳng khắp phòng. Việc đến đó thì cũng chẳng sao, nhưng đến lúc có cô nằng nặc đòi chuyển chỗ ngồi làm việc cho đúng hướng hợp với mình, rồi năn nỉ sếp cho chuyển đội vì mệnh xung khắc với trưởng nhóm, sợ làm ăn không lên được... thì vị trưởng phòng không còn chịu nổi, lệnh cấm tất cả mọi biểu hiện "thiếu văn minh" trong văn phòng.
Chuyện thờ cúng theo tín ngưỡng thực ra cũng chưa gây ảnh hưởng gì lớn đến đời sống công sở, trừ việc nó gây nên một ấn tượng thiếu chuyên nghiệp nơi làm việc. Nhưng ở một số người, đặc biệt là các sếp ông, sếp bà, tín ngưỡng đã bị đẩy lên thành mê tín, gây nên không ít phiền toái.
Hạnh, thư ký của bà giám đốc một công ty chế tác đồ trang sức ở Gia Lâm, Hà Nội, ấm ức đến tận cổ mà không dám kêu vì sự đồng bóng của bà sếp. Một tháng có 4 chủ nhật thì Hạnh mất quá nửa số ngày nghỉ để "chở chị đi thăm thầy". Cứ 3 tháng một lần, vào ngày tất cả công nhân nghỉ làm, Hạnh phải đi đón bà đồng về công ty, đưa bà đi khắp các ngóc ngách để ếm bùa, chặn ngải... Hạnh trở thành đồ đệ bất đắc dĩ cho bà đồng và bà sếp mê tín sai vặt, phải nghe những chuyện cõi âm cõi dương mà cô thấy cực kỳ vớ vẩn, thậm chí có lần cô phải cùng họ ngậm nước hòa tàn nhang đi phun phè phè khắp nơi. Nghe bà sếp bảo: "Em rất hợp với mệnh của chị nên chị mới nhận em làm thư ký đấy. Cố gắng theo chị làm con nhang đệ tử, có lộc sau này chị em mình cùng hưởng!". Vì cuộc sống, Hạnh đành cắn răng chịu đựng.
Anh trai cô đang lái xe cho một sếp tổng ngành bưu điện, về cũng thở ngắn than dài vì chẳng có ngày lễ, tết hay rằm mùng một nào anh không phải đưa sếp ông hoặc sếp bà đi hết đền này miếu nọ...
Khôi Nguyên