Tối 24/3, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng bài viết phản đối hãng thời trang H&M sau khi thương hiệu này tuyên bố sẽ không làm việc với bất kỳ nhà máy sản xuất hàng may mặc nào ở khu vực Tân Cương và không mua bông sản xuất ở Tân Cương. Ngay sau đó một làn sóng chỉ trích hãng thời trang Thụy Điển lan rộng trên nền tảng Weibo (mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc) từ những người nổi tiếng và các tổ chức như Đoàn Thanh niên Trung Quốc.
"Muốn kiếm tiền ở Trung Quốc nhưng lại tung tin đồn thất thiệt và tẩy chay bông Tân Cương ư? Đúng là một nghĩ viển vông", Weibo Đoàn Thanh niên đăng tải bài viết kèm hashtag kêu gọi tẩy chay H&M.
Trước đó vào tháng 9 năm ngoái, nhà bán lẻ thời trang H&M đưa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về các báo cáo sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Trong đó, H&M nói rằng họ "lo ngại sâu sắc trước các báo cáo từ các tổ chức xã hội dân sự và phương tiện truyền thông bao gồm các cáo buộc lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử giữa các nhóm dân tộc thiểu số theo tôn giáo" ở Tân Cương và họ đã ngừng mua bông từ những người trồng trong khu vực này.
Động thái của H&M được đưa ra sau khi nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc bị Mỹ và một số nước châu Âu đưa ra lệnh trừng phạt vì cáo buộc bóc lột lao động, kỳ thị và vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Ngay sau sự phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng, diễn viên Hoàng Hiên, người đã ký hợp đồng hợp tác với H&M, đã đăng một tuyên bố nói rằng anh phản đối "sự vu khống và tạo tin đồn" ác ý từ hãng và hủy hợp đồng hợp tác. Nữ ca sĩ kiêm diễn viên Tống Thiến cũng đưa ra một tuyên bố tương tự và hủy hợp tác với thương hiệu này.
Tối 24/3, ít nhất ba nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc là Pinduoduo, Jingdong và Tmall đã rút hết sản phẩm của H&M khỏi trang bán hàng của mình. Các hành động này nhấn mạnh những áp lực mà các công ty nước ngoài đang kinh doanh tại Trung Quốc phải đối mặt liên quan tới các vấn đề chính trị, tôn giáo.
Tương tự Nike cũng bị cộng đồng mạng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay sau khi đăng một tuyên bố trên trang web của mình bày tỏ lo ngại "về các báo cáo sử dụng lao động cưỡng bức ở và có liên quan đến" Tân Cương. Một số cư dân mạng Trung Quốc đã rất tức giận khi Nike tham gia vào cuộc tẩy chay vải bông trong khu vực và kêu gọi những người nổi tiếng chấm dứt hợp tác với hãng thời trang này. Ngay tối 24/3, diễn viên, ca sĩ kiêm vận động viên môtô Vương Nhất Bác đã ra tuyên bố chấm dứt hợp tác với Nike.
Trước sự tẩy chay ngày càng lan rộng, tối 24/3, H&M Trung Quốc đăng tải bài viết trên Weibo, nói rằng công ty "Không đại diện cho bất kỳ quan điểm chính trị nào. Tập đoàn H&M luôn tôn trọng người tiêu dùng Trung Quốc. Chúng tôi cam kết đầu tư và phát triển lâu dài tại Trung Quốc". Trong khi đó, Nike từ chối đưa ra bình luận về vụ việc.
Sơn Nam (Theo NYT)