Nhân viên của Trung tâm đang hướng dẫn làm test IQ. |
Nghe giới thiệu khá nhiều về dịch vụ test IQ đang nở rộ ở Sài Gòn, tôi cũng muốn biết mình là người như thế nào nên quyết định tìm đến Khoa Tâm lý Y học Bệnh viện Tâm thần thành phố. Đây đang được xem là nơi test IQ bài bản nhất.
Theo Người Lao Động, thông thường, một người được đánh giá là thông minh khi chỉ số IQ trên 120, bị xem là chậm phát triển nếu IQ dưới 70 và từ 90-109 là ở mức trung bình. Một buổi trắc nghiệm có 13 tiểu test, mỗi tiểu test từ 15-30 câu trắc nghiệm về xử lý tình huống, tốc độ quan sát, kiến thức hiểu biết, tư duy hình tượng...
Vào cùng lượt với tôi là một thanh niên vừa mới tốt nghiệp Đại học Luật, đi test theo yêu cầu của một công ty nước ngoài trước khi dự tuyển. Ngồi phía sau là một cặp vợ chồng trẻ dắt cô con gái vừa tròn 13 tuổi đang học trường chuyên bên quận 1. Người vợ kể rằng, gia đình cả hai bên ai cũng học đến cử nhân, tiến sĩ nên khi sinh ra cô con gái đầu lòng, cả vợ chồng đều đinh ninh con mình sẽ thừa hưởng gen của gia đình. Nhưng rồi sức học cô bé cứ đuối dần nên vợ chồng sinh ra lục đục và vội đưa con đi test chỉ số IQ để dễ bề “định liệu”...
Đúng là có 1.001 lý do để người ta đi test IQ. Thậm chí muốn biết tâm tính của mình là người trầm lặng hay sôi động, tốt hay xấu, người ta cũng đi... test. Tại Trung tâm Tư vấn Tâm lý - Giáo dục và Tình yêu Hôn nhân Gia đình thành phố ở số 37 Nguyễn Thông, quận 3, tôi gặp một thanh niên trên dưới 30 tuổi, khá rụt rè khi nhờ các chuyên viên ở đây test thử xem mình là người như thế nào mà bị... người yêu bỏ.
Người thanh niên kể rằng, trước khi chia tay anh, cô người yêu... cuối cùng có nói: “ Anh... ngốc lắm và lại còn thiếu... bản lĩnh đàn ông nữa”. Kết quả, sau gần ba tiếng trắc nghiệm, người thanh niên mới biết rằng mình bị “bệnh” ngộ nhận về bản thân. Có nghĩa là luôn ảo tưởng, cho rằng mình là người hoàn hảo, nhất là với... người yêu. Thạc sĩ Nguyễn Tâm Hồng Thúy, Phó Khoa Tâm lý Y học Bệnh viện Tâm thần thành phố, cho biết: “Test tâm tính rất hữu ích. Từ kết quả trắc nghiệm, người ta có thể phát hiện ra con người thật của mình thuộc loại tính cách, khí chất nào, tương ứng với kiểu thần kinh gì... Từ đó có những điều chỉnh thích hợp trong giao tiếp, ứng xử, tránh đi những ngộ nhận về bản thân mình, gây nên hậu quả xấu trong cuộc sống...”.
Nhưng cũng có không ít người lại đi test IQ để bổ sung vào “thành tích” của mình như trường hợp của ông P.N.T., giám đốc một công ty TNHH kinh doanh máy văn phòng trên đường 3 Tháng 2. Mỗi khi “lai rai” ông lại “bốc trời” rằng chỉ số thông minh của mình là 130, có giấy chứng nhận hẳn hoi. Hỏi ra thì bộ hồ sơ chứng nhận chỉ số IQ của ông do một trung tâm tư vấn nằm ở tận... ngoại thành cấp. Mà cũng chẳng biết ông có “mua” giấy này tương tự như 2 tấm bằng đại học của ông hay không?
Nếu như cách đây 2 năm tại TP HCM chỉ có 3-4 trung tâm giáo dục tư vấn có thực hiện dịch vụ trắc nghiệm trên thì hiện đã lên đến trên 20 trung tâm. Những nơi được xem là có uy tín và chuyên môn cao là Khoa Tâm lý Y học Bệnh viện Tâm thần thành phố; Trung tâm Tư vấn Tâm lý - Giáo dục và Tình yêu Hôn nhân Gia đình thành phố; Trung tâm Tư vấn Học đường thuộc Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục tại 32C Trương Định, quận 3... Chi phí cho một ca trắc nghiệm dao động từ 75.000 -100.000 đồng, tùy theo ca và nơi thực hiện. Ông Phan Thúc Xán, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp Tâm lý Giáo dục trẻ (đường Bùi Đình Túy, phường 24, quận Bình Thạnh), thừa nhận để tìm được chuyên viên làm công tác tư vấn, trắc nghiệm IQ thật không đơn giản vì ở thành phố chỉ có một số ít người có tay nghề, kinh nghiệm. Bởi vì nếu “đo” không bảo đảm, dẫn đến... “nhầm lẫn” sẽ gây tác hại không nhỏ về nhiều mặt cho khách hàng không kém gì các căn bệnh khác.
Theo bà Nguyễn Tâm Hồng Thúy, IQ chỉ là một con số vô hồn, không thể căn cứ vào đó để đánh giá vào khả năng, năng lực của một người và nhất là căn cứ vào đó để nuôi “ảo tưởng” về mức độ thành đạt của người nào đó trong công việc, trong cuộc sống... Có nhiều người chỉ số thông minh thấp nhưng lại có khả năng ứng xử, giao tiếp tốt nên thành công trong mọi lĩnh vực cũng như ngược lại. Không phải chỉ số đáp án cuối cùng là quan trọng mà chính trong quá trình trắc nghiệm từng phần, tâm tính, khả năng của người đi test được bộc lộ rõ để các chuyên viên tâm lý căn cứ vào đó mà có hướng hỗ trợ, tư vấn thích hợp.
Một cặp vợ chồng ở khu phố 3, phường Thới An, quận 12 sau khi đo chỉ số IQ của con mình là 125 bèn đi giới thiệu khắp nơi thằng bé là “thần đồng”, là “siêu nhân” rồi ép buộc cậu bé 10 tuổi học từ sáng đến tối, vừa học văn hóa vừa học 2 ngoại ngữ rồi vi tính, đàn organ, lại phải đi luyện... thanh nhạc. Kết quả: Cậu bé vẫn cứ luôn... đứng cuối lớp tất cả các môn học! Được chừng nửa năm, cậu phát bệnh... thần kinh phải chở vào bệnh viện tâm thần. Các bác sĩ tâm lý ở đây cho biết, chỉ số IQ của cậu bé cao nhưng phương pháp học... sai nên thành “ép phê” ngược.
Trớ trêu nhất là trường hợp của T.M.H., cựu học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt, nhà ở khu phố 4, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn được một trung tâm tư vấn test “nhầm” chỉ số thông minh là 120, vậy là cô bé thả sức đi chơi, chẳng thèm học bài hay ôn luyện mà vẫn thi vào các Trường Đại học Y khoa, Y Dược, tin học... Kết quả là liên tục “trượt vỏ chuối” bốn năm liền. Khi test lại tại Văn phòng Hướng nghiệp và Giáo dục trẻ thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thì chỉ số IQ chỉ có 90!