Các nhà tâm lý cho rằng sự cô đơn không phải luôn tiêu cực trong khi không ít người đã chọn lối sống ẩn dật, thu hẹp hoặc không giao tiếp xã hội. Những người có niềm tin tôn giáo mạnh mẽ thường ít bị cô đơn bất chấp vấn đề tuổi tác, tỷ lệ nữ giới lớn tuổi ít bị cô đơn cao hơn so với nam và trạng thái xúc cảm này thường gặp nhiều hơn ở những người thất nghiệp so với người nghỉ hưu. Tuy không có mối liên hệ nào giữa thời gian một người kinh qua (tức độ tuổi) với hiện trạng cảm xúc mà bản thân đang nếm trải, nhưng dường như thu nhập gia đình có ảnh hưởng đến điều này: Người nghèo thường cô đơn nhiều hơn...
Theo nhà tâm lý xã hội học ở Viện Belfast, bác sĩ Arthur Cassidy, không nên coi sự cô đơn lúc nào cũng là vấn đề tiêu cực, vì nó là “một hình thái cấu trúc mang tính xã hội phổ biến, có người thích lối sống xa lánh cộng đồng, thu mình ẩn dật... trong khi người khác, đặc biệt là độ tuổi 30, 40, với những trải nghiệm thực tế cuộc sống như mối quan hệ không tốt với bạn bè, đồng nghiệp, gia đình...
Theo giáo sư William Lauder ở ĐH Dundee, Scotland, việc hiểu được căn nguyên của sự cô đơn là rất quan trọng, vì tình trạng cảm xúc này có thể làm tăng thêm các nguy cơ về sức khỏe ở người “có tuổi” như đau tim, trầm cảm và thậm chí cả bạo lực gia đình. Điều thú vị nhất của nghiên cứu này là phát hiện về thực tế trái ngược với niềm tin bấy lâu thường cho rằng tình trạng ăn không ngồi rồi có liên quan với thu hẹp giao lưu xã hội và rằng người ta sẽ cô đơn hơn khi về già.
Tuy nhiên, vẫn theo Lauder, khả năng tự đương đầu với sự cô đơn rất quan trọng, vì nó là một hiện tượng rất phổ biến, có tính đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe. Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy khi thường xuyên bị cô đơn, một người trẻ tuổi có nguy cơ bị béo phì cao nhất... “Chúng tôi hy vọng phát hiện này sẽ mang đến thông điệp mới cho giới chuyên môn và cả những đối tượng khác để nhận thức đúng về sự cô đơn hầu có các nỗ lực nhằm giảm thiểu những nguy cơ sức khỏe...”, ông nói.
(Theo Người Lao Động)