Trong thực tế, cần phân biệt và thông cảm với những nỗi niềm "nói dối dễ thương" đó. Mỗi người có "phương pháp" nói dối độc chiêu, nhưng tại sao và khi nào họ lại nói dối?
Thông thường, người đàn ông sẽ nói nhiều hơn khi ở trong đám đông bè bạn, nơi có nhiều người muốn đi tìm giá trị và thường "kín kẽ" trong môi trường ấm áp gia đình, nơi tình cảm được lắng đọng và an bình. Trong nhận thức, người đàn ông luôn gắn giá trị của mình trong mối quan hệ với người chung quanh và thường có khuynh hướng so sánh mình với người khác. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi một người đàn ông tỏ vẻ bực bội và "hậm hực" khi thấy mình kém cỏi hơn một người nào đó, dù vẫn biết rằng họ có hơn mình thật.
Chính vì vậy trong cuộc sống, người đàn ông luôn cố tình muốn làm cho người xung quanh chứng thực được giá trị của mình bằng nhiều hình thức, trong đó có hình thức "tự đánh bóng" và "tự giới thiệu", do đó họ có khuynh hướng nhấn mạnh quá mức ưu thế của mình đến độ cường điệu và ranh giới của sự nói dối có thể bị san bằng.
Điều này càng có thể xảy ra hơn khi đối tác lại là một người đẹp hay là người lần đầu mới gặp. Cũng trong vấn đề này, người đàn ông thường không thích thành thật khai báo công việc hoặc nghề nghiệp của mình, nếu họ cho rằng nó không phải là lĩnh vực "thời thượng" hoặc "đáng để tự hào". Nhiều người "thực thi" kiểu này một cách vô tình khi nghĩ rằng những điều đó chỉ là vô hại.
Đàn ông thường ít làm dáng, nhưng lại quan tâm đến sức mạnh nội lực và thường tìm cách chứng minh hay tạo vẻ quyến rũ, gợi cảm, lãng mạn… của mình nên phóng đại lên một chút. Họ làm điều này cũng rất tự nhiên mà chẳng nghĩ rằng đó là một lần nói dối. Mặt khác, nhiều người có thói quen không "thành khẩn khai báo" về tuổi tác, nhiều trường hợp khai tăng tuổi mình lên đáng kể để được làm anh thiên hạ và chứng minh sự già dặn hoặc chững chạc của mình.
Đàn ông thường tỏ ra quan trọng hóa vấn đề, đề cao cá nhân. Họ cũng muốn khẳng định sự tháo vát và năng lực của mình, đặc biệt trong các lĩnh vực không phải là ưu thế của mình để được tán dương, nhất là với những người yêu quý như vợ con chẳng hạn. Nhiều người đã giảm đến một nửa giá tiền khi được vợ hỏi về một món hàng hay một vật kỷ niệm nào đó vừa mới mua. Đó là những lần "nói dối dễ thương" có thể ai cũng từng "trải nghiệm". Người đàn ông cũng có khuynh hướng ém nhẹm bệnh tật của mình, cố tình đẩy nó ra khỏi nhận thức của mình hoặc quên thông báo về tình trạng sức khỏe của mình cho gia đình và người thân.
Tuy nhiên, người đàn ông đôi lúc phải cố tình nói dối vì tính "đa nghi" của vợ hoặc người yêu. Họ thường lảng tránh trả lời hoặc đối diện với những lần "tra hỏi" quá cặn kẽ về những vấn đề nhạy cảm hoặc về quan hệ với bè bạn, về những lần trễ giờ cơm tối. Khi bị dồn vào thế phải tự vệ, người đàn ông thường chọn phương án nói dối cho mọi chuyện qua đi, khỏi phải giải thích đầu đuôi thêm mệt. Khi sợ hãi, người đàn ông cũng sẽ nói dối để tự trấn an mình.
Điển hình là trong các cuộc điều tra, các ông thường khai báo quanh co và không chính xác bằng nữ giới. Và cũng để đối phó, người đàn ông thường tạo ra những mối quan hệ ảo để sử dụng như là các phương tiện hỗ trợ cho mình trước áp lực của đồng nghiệp hoặc của chính vợ mình. Trong trường hợp này, nói dối trở thành liều thuốc an thần làm cho người đàn ông có cảm giác an toàn khi hùng biện với mọi người.
Theo Cẩm Nang Tiêu Dùng, ở một khía cạnh khác, người đàn ông nói dối vì… phụ nữ thích nghe nói dối. Điều này có vẻ như vô lý nhưng lại là hợp lý khi các người đẹp thường thích được người khác phái khen tặng mình bằng những lời có cánh. Trước phái đẹp, người đàn ông không muốn sơ hở để làm bộc lộ điểm yếu của mình nên thường rào đón hoặc nói dối để che khuất sự yếu đuối bên trong của chính họ.
Nói dối, nếu đó không phải là sự lừa đảo, không phải là sự lường gạt ở người đàn ông thì không làm mọi người phải cảnh giác và đôi khi nó làm quan hệ giữa mọi người trở nên dễ chịu hơn và cuộc sống có khi êm ả. Tuy nhiên, nếu nói dối trở thành một thói quen không thể thay đổi thì lại đáng trách. Đừng biến sự nói dối thành vũ khí của riêng mình để đạt được thành công hay chiến thắng.