Sau khi Công an thành phố Hà Nội đồng loạt ra quân tấn công các điểm "lắc", những tưởng dân "lắc" sẽ bị... diệt vong. "Tưởng" như vậy cũng có cái lý của nó, bởi lẽ chỉ chơi thôi mà cũng bị vô đồn Công an ngồi đếm cho hết 24h, hoặc ngồi dài cổ chờ người bảo lãnh. Và "đau đớn" hơn là cái chất thải quý giá của bản thân còn bị đem đi xét nghiệm, phân tích, mổ xẻ. Nếu chẳng may trong đó có thành phần ma tuý thì bị phạt. Thêm nữa, nếu đã có tên trong "sổ đen" hai lần trở lên dương tính với ma túy coi như ngồi bóc lịch là cái chắc. Hàng loạt "nạn" có nguy cơ dính phải khi bị tóm trong điểm lắc như vậy có đáng để chơi tiếp? Người bình thường thì chỉ có lắc đầu chứ ai có gan đi "lắc". Ấy vậy mà sau cơn địa chấn, "lắc" vẫn tồn tại và tồn tại cả trong dịp Tết vừa rồi.
Biến tướng đầu tiên sau khi điểm Hương Xuân, Bùi Thị Xuân, đê Yên Phụ, đê La Thành... bị triệt phá là dân "lắc" dạt ra ngoại thành. Ai cũng biết phố Nguyễn Văn Cừ lâu nay nổi danh với dịch vụ "nhà nghỉ mà không nghỉ" liền được dân "lắc" trưng dụng làm "sân bay". Đương nhiên, đồng tình với việc quặt ngang 360 độ này, chủ nhân của các điểm này phải thu được siêu lợi nhuận.
Khi lực lượng Công an làm mạnh tay, xem ra nhu cầu "lắc" có vẻ lắng xuống. "Lắng" này chỉ ở bề ngoài thôi bởi dân "bay" lại rỉ tai nhau đi "lắc" tỉnh lẻ. Quanh Hà Nội có vô số các thị xã, thành phố đang ồ ạt đô thị hoá đấy thôi. Cùng với các nhà máy, phân xưởng mọc lên, nhịp sống ở các miền quê đồng bằng Bắc Bộ thêm phần sôi động. Mà nhịp sống sôi động đâu có tránh được thói đua đòi, ăn chơi của một bộ phận người nào đó. Không phải ai xa lạ, số người "cấp tiến" này chính là những kẻ ăn chơi theo kiểu học đòi, tiếp tay họ là những người thích làm giàu mau chóng. Chính vì vậy, dân "bay" Thủ đô đã được họ đón tiếp nồng hậu. Khi đã cùng trên một "phi hành đoàn" thì tất thảy đều coi nhau là anh em, là bạn bè thân thiết chứ đâu có phân biệt tỉnh lẻ với "tỉnh" Hà Nội nữa.
Đi mấy chục km mới được "bay" kể ra cũng mất thời gian, công của. Thế là dân "bay" nghĩ ngay ra cách biến chiếc xe taxi thành "phi trường". Chơi nội thất ôtô lâu nay chẳng phải là mốt sao, vài đĩa nhạc mạnh được "play" lên là đủ. Cắn nửa viên, một viên hay hai viên tùy vào độ lỳ để "bay" vào thế giới của nhạc, của tốc độ là phát kiến mới của dân "lắc" được đánh dấu trong năm 2005.
Sau vô vàn các biến tướng, cứ tưởng dân "lắc" đã hết cách lắc. Nào ngờ một ngày giáp Tết, ghé và một quán cà phê có tiếng ở Hà Nội định ngồi ngắm đèn nhấp nháy cho đã con mắt thì gặp ngay một "phi hành đoàn". Ngả nghiêng trên ghế salon, tay họ múa, giật lên, giật xuống, đầu lắc lư bên nọ, bên kia. Kinh nghiệm nhiều lần chui vào động lắc, nghe dân "lắc" tâm sự nên biết ngay "đội" này đã "cắn" thuốc. Liếc sang bên nọ, nhìn sọ bên kia để đếm xem những ai đang "lắc". Hình như chỉ có hai "đội bay", phần còn lại là dân đến uống cà phê, nước trái cây. Quán cà phê mà dân "bay" cũng hạ cánh sao? Không khí, môi trường ở đây đâu có hợp với dân "lắc"?! Chẳng phải có tới hàng trăm nghìn lần quán cà phê được đề cập đến trong các ca khúc trữ tình, nơi gặp gỡ lãng mạn của các cặp tình nhân.
Điểm danh một số quán cà phê Hà Nội như Lâm, Nhân, Giảng... chả nức tiếng là ngon, thanh lịch. Hay như một số quán cà phê có âm nhạc hay như ở phố Tôn Thất Tùng nổi danh với nhạc Trịnh Công Sơn, phố Nguyễn Du với lối chơi ghi ta nghe "mát lỗ tai"... Đặc trưng của các quán cà phê là nhạc du dương, trữ tình, chẳng lẽ "lắc" đã biến tướng từ nhạc mạnh nay sang loại nhạc êm dịu và nhẹ nhàng hơn.
Không có chuyện đó đâu. Đó là khẳng định như đinh đóng cột của một dân "bay". Ở đây đang chơi nhạc "bay". Phải thừa nhận DJ ở đây khá tốt, nhạc nghe "bay" phết. Để mục kích xem có thực có một ê kíp những người phụ trách phần âm nhạc một cách chuyên nghiệp như vậy không, tôi lục sục đi tìm. Chẳng khó khăn lắm, trên tầng hai, nằm khiêm tốn trong không gian đầy ánh đèn màu, hệ thống âm thanh với những người điều khiển cần mẫn đập vào mắt. Như thế khẳng định rằng chủ nhân của quán cà phê này có chủ đích hẳn hoi, đầu tư đâu ra đấy.
Vào quán cà phê lại được nghe các loại nhạc của quán bar, vũ trường kể ra cũng có cái tiện ích. Nhưng với những người chỉ với mục đích đi uống cà phê thông thường thì sẽ thất vọng. Đây không phải là không gian yên ắng, êm dịu để tâm hồn bay bổng. Chắc hẳn, khi đưa ra hình thức kinh doanh này, chủ nhân của nó cũng phải tính đến đối tượng khách hàng. Những người thích mơ màng trong quán cà phê không có chỗ ở đây.
Sau khi quan sát chăm chú "phi hành đoàn" đang ngồi kế bên, nhớ tới lời của một dân "bay": "Chẳng ai dại gì vào quán mới "cắn" thuốc cả. "Cắn" ở ngoài rồi mới vào trong, ổn định chỗ ngồi 15 phút, vừa nghe nhạc, vừa chờ ngấm thuốc là vừa". Thêm nữa, quán cà phê thì chẳng có cơ quan văn hoá nào kiểm duyệt cho chơi nhạc nọ, hay nhạc kia. Đơn giản thôi vì cái đặc trưng vốn dĩ hiền lành lâu nay của nó khiến người ta không đề phòng tới.
(Theo Công An Nhân Dân)