Hai ngày qua, tòa nhà HH03F, khu đô thị Thanh Hà, quận Hà Đông, nơi Hằng Lê, 31 tuổi, sinh sống đã có nước liên tục trong cả ngày. Trước đó, từ hôm 14/10, toàn khu đô thị bị cắt nước hoàn toàn. Hằng ví cuộc sống "như ở miền núi" vì ba ngày liền, cả nhà chị không có nước để đánh răng, rửa mặt lẫn dội vệ sinh. Vợ chồng chị phải thường xuyên ăn bên ngoài, tắm nhờ nhà người thân lân cận. Việc lấy, tích nước cũng khó khăn vì 11 tòa nhà phía mặt đường đều bị cắt nước.
Không chỉ gia đình chị, người dân của các tòa nhà khác phải bỏ tiền túi mua nước đóng bình từ bên ngoài về dùng sinh hoạt, xếp hàng bất kể giờ giấc để lấy nước cứu trợ. Từ ngày 16/10, các tòa nhà được cấp nước trở lại nhưng 9h sáng 17/10 tiếp tục mất. Đến 22/10, nhiều tòa nhà trong khu đô thị mới được cấp nước trở lại theo chỉ đạo từ Văn phòng UBND TP Hà Nội. Một số tòa khác như HH02B thuộc khu đô thị hiện nay vẫn phải dùng nước tiết kiệm vì chỉ được cấp nước cầm chừng khoảng hai tiếng buổi tối.
Tuy nay đã có nguồn nước liên tục, gia đình Hằng Lê chủ yếu sử dụng để dội vệ sinh, tắm, giặt. Cả nhà vẫn ăn uống bên ngoài lẫn mua nước lọc đóng chai nấu ăn do "nơm nớp không biết chất lượng nước hiện tại của tòa nhà đã đủ an toàn để ăn, uống hay chưa". Đồng quan điểm, gia đình anh Hữu Trung, 35 tuổi, tòa nhà HH03B cũng lo lắng khi thấy "màu nước lúc đục lúc trong".
Hằng Lê, Hữu Trung cho biết nỗi lo của họ là có cơ sở bởi nguồn nước cấp lại chưa được đơn vị nào kiểm tra, đánh giá chất lượng. Trước đó, theo kết quả đưa ra ngày 10/10 của Viện Công nghệ môi trường, hàm lượng amoni trong nước cấp cho người dân khu đô thị này lên tới 11,46mg/l, gấp 38 lần ngưỡng cho phép, hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng hàng chục lần. Tối ngày 21/10, tại cuộc họp của UBND huyện Thanh Oai, phòng Y tế huyện này cho biết kết quả xét nghiệm nước sạch lấy mẫu ở khu đô thị Thanh Hà hôm 13/10 có nhiễm vi khuẩn E.coli. Vì vậy, sau cuộc họp này, nhiều lãnh đạo tổ dân phố trong khu đô thị Thanh Hà đã lập tức phát khuyến cáo gấp đến các cư dân, chỉ sử dụng nước cho sinh hoạt, không dùng ăn uống.
Theo UBND TP Hà Nội, từ giữa tháng 10/2023, khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai) xảy ra tình trạng chất lượng nước không đảm bảo dẫn đến việc dừng hoạt động trạm cấp nước cục bộ. Sau khi kiểm tra, các cơ quan chức năng đã điều tiết nguồn cấp nước bổ sung cho khu đô thị Thanh Hà. Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Viwaco điều tiết nguồn cho Công ty Nước sạch Hà Đông để cấp nguồn cho khu đô thị Thanh Hà, với lưu lượng truyền tải tăng dần từ 2.880 m3 mỗi ngày đêm lên 3.143 m3 mỗi ngày đêm, trong khi nhu cầu là 3.200-3.500 m3 mỗi ngày đêm.
Theo VnExpress, nửa tháng qua, thành phố thiếu 10.000-20.000 m3 mỗi ngày đêm, gây mất nước cục bộ, ảnh hưởng đến 60.000-100.000 người dân ở một số khu vực ở quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và các huyện Thanh Oai, Hoài Đức...
Sở Xây dựng Hà Nội nhận định tình trạng khan hiếm nước sạch cục bộ ở nhiều khu vực còn tái diễn. Hè năm 2024, Hà Nội có nguy cơ thiếu hụt khoảng 50.000 m3 nước mỗi ngày đêm, tập trung ở phía tây và tây nam. Nguyên nhân chính là nhiều dự án chậm tiến độ, trong khi thành phố phải giảm khai thác nước ngầm.
Để đảm bảo nguồn cung cho những năm tiếp theo, Sở Xây dựng cho biết sẽ đôn đốc các dự án cấp nước theo quy hoạch như: Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn hai; nâng công suất Nhà máy Bắc Thăng Long; nghiên cứu xây dựng giai đoạn hai Nhà máy nước sông Đuống... Khi các dự án hoàn thành, tình trạng thiếu nước sạch trên toàn thành phố mới được khắc phục.
Hằng Trần