Và người ta càng ngạc nhiên hơn khi Justin Fashanu, cầu thủ ngôi sao của bóng đá Anh, công khai mình là dân đồng tính.
Cầu thủ Justin Fashanu. |
Bà Tatjana Eggeling, người đã bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học về "Đồng tính trong thể thao" ở Viện Nhân loại và nhân chủng học quốc tế đã phác họa một cách khá rõ ràng về tình trạng này: “Không thể phủ nhận một thực tế là hiện nay cầu thủ đồng tính đang chơi bóng ở khắp mọi nơi trên thế giới với số lượng không thể kiểm soát được. Họ e ngại những người xung quanh xúc phạm mình nên không đủ can đảm để thừa nhận, nhất là trong môi trường hoạt động thể thao khá nhạy cảm".
Để đáp ứng chuẩn mực hoàn hảo của một vận động viên thể thao, nhiều ngôi sao hàng đầu phải chấp nhận xây dựng một cuộc sống nhân thân kép với cuộc sống gia đình như bình thường. Không những thế, nhân cách của các ngôi sao cũng được các CLB xây dựng một cách chu đáo như khán giả, đồng nghiệp chờ đợi vì họ còn là hình ảnh của cả một đội bóng. Họ ăn mặc, giao tiếp sao cho thật nam tính mặc dù họ thực sự chẳng hề muốn. Giới tính thực của họ chỉ muốn được sống một cách vô danh trong giới đồng tính...
Cho đến nay, bóng đá và khái niệm đồng tính chưa được xếp bên nhau chứ chưa nói chấp nhận hoặc dung hòa. Chẳng có ai nghe nói đến chuyện đồng tính ở các giải bóng đá danh giá nhất thế giới như Bundesliga, Serie A hay Premiere League. Nhưng một thống kê không đầy đủ cho biết, ở Đức có ít nhất 20% đàn ông là đồng tính. Và riêng giải Bundesliga dư sức đưa ra 3 đội hình cầu thủ đồng tính khá mạnh, gồm toàn những chân sút thượng thặng. Người ta nỗ lực bỏ tiền của ra để chứng minh rằng bóng đá là thành trì cuối cùng không bị đồng tính thâm nhập.
Theo An Ninh Thế Giới, trong khi đó, bóng đá nữ của Đức, Mỹ và một số quốc gia khác, các quan hệ đồng tính được xem là những “bí mật công khai” giữa các cầu thủ, HLV. Một cựu tuyển thủ quốc gia Đức Martina Voss (125 trận khoác áo đội tuyển) từng bị đuổi khỏi đội trước thềm Thế vận hội Sydney năm 2000 vì sự ghen tuông trong các mối quan hệ đồng tính. “Thể thao là một trong những lĩnh vực bảo thủ nhất trong xã hội và bóng đá lại càng bị ảnh hưởng bởi tư duy đàn ông. Bởi vậy, các lối sống khác không có chỗ đứng. Nếu chẳng may có một kẻ ngoại đạo xuất hiện, chắc chắn kẻ này sẽ bị cô lập. Một cầu thủ tự nhận là đồng tính sẽ phải có tính cách rất mạnh mẽ, sức chịu đựng kinh khủng", bà Tatjana Eggeling nhấn mạnh thêm một lần nữa.
Cảm nhận được vấn đề trên, một cựu Bộ trưởng thể thao Vương quốc Anh vừa kêu gọi vừa thuyết phục các cầu thủ đồng tính chấp nhận sự thật, công khai hóa mọi chuyện và đối đầu với xã hội nhưng không có bất kỳ ai hưởng ứng cho đến tận hôm nay. Nhưng có một nghịch lý là: tuy giới quan chức các CLB tỏ ra khá gay gắt với vấn đề đồng tính nhưng một mặt họ lại lợi dụng điều ấy để phát triển chuyện kinh doanh. Việc lăng xê hình ảnh các danh thủ điển trai như Beckham (Anh) hay Lunjberg (Thụy Điển) là một ví dụ không ngoài mục đích tiếp thị bóng đá...
Bao giờ các cầu thủ bóng đá đồng tính trên sân cỏ châu Âu được nhìn nhận một cách bình đẳng như các lĩnh vực khác? Dường như câu trả lời còn rất xa vời.