![]() |
Ca sĩ Trần Thu Hà với chiếc xe cưng. |
Khủng long là khái niệm dân chơi xe dùng để chỉ những chiếc xe có phân khối lớn. Nhiều người còn gọi bằng cái tên khác mỹ miều hơn như “con voi trên đường phố” hay “nữ hoàng tốc độ”. Đặc điểm đầu tiên để phân biệt xe “khủng long” với các loại xe khác chính là ở dung tích xi-lanh. Trước kia chiếc xe chỉ chừng 150 cc thì đã nghiễm nhiên được coi như là xe “khủng long” nhưng mấy năm trở lại đây, do sưu tầm được nhiều loại xe có “độ xê xê”, hay “độ ngựa” lớn, là hàng độc một thời đã qua nay chỉ còn vài chiếc trên thị trường cũng như việc sản xuất những chiếc xe có một không hai của các hãng xe nổi tiếng đã nâng khái niệm “xe khủng long” lên hàng trăm “xê xê”.
Theo Tiền Phong, dân chơi xe có một điểm kỵ mà ai cũng tôn trọng đó là không bao giờ tiết lộ giá trị của chiếc xe. Bởi con xe đáng giá không phải được quy ra bằng tiền mà cái quan trọng là nó có phải là “hàng độc” không. Mặc dù trong CLB Ô tô - Xe máy Hà Nội có tới hàng chục chiếc xe nhưng không có chiếc nào giống chiếc nào.
Dân chơi xe kỵ nhất “đụng hàng”. Xe “độc” thì chỉ một mình mình có, nếu có cái thứ hai thì một là phải đổi xe hoặc “đi độ” lại để có những chi tiết, bộ phận chiếc xe “đụng hàng” không thể có. Chính vì “luật chơi bất thành văn” này mà có trường hợp như anh H.T đi con Harley “đẹp đứ đừ" một hôm ra đường nhìn thấy có một tay chơi khác từ Sài Gòn ra cũng đi một con như thế thậm chí còn đẹp hơn, H.T liền phóng về nhà vác búa... đập luôn!
Trong làng xe máy của dân chơi xe, có lẽ con Harley Davidson (dân chơi gọi tắt là HD) xứng đáng được gọi là “chúa tể”. Con HD có một đặc điểm mà chưa cần nhìn cũng có thể nhận ra, đó là tiếng nổ. Nếu hôm nào đang đi trên đường phố bạn nghe thấy tiếng xe nổ bành bành, rền, vang thì cứ tin chắc rằng đó là con HD. Xe HD có nhiều đời như Glide, Panhead, TWN, BSA, BMW... và có có nhiều tính năng đặc biệt như bền (có con xe 50 năm vẫn... chạy tốt); có số de (số lùi) phân khối lớn bậc nhất: có các loại từ 750 cc, 900 cc, đến 1.200 cc... Hiện ở Vịêt Nam chỉ còn từ 1 đến 2 "con" HD.
Bà già lại là khái niệm mà dân xe dùng để gọi các loại xe cổ, có phân khối nhỏ và thường là các loại xe “nữ tính” nhiều hơn như Vespa, Lambretta...
![]() |
Những chiếc Vespa bà già này từng được ưa chuộng. |
Cách đây ba năm, dân Hà Nội và Sài Gòn lên “cơn sốt” vì phong trào chơi xe cổ. Rất nhiều chiếc xe “bà già” bấy lâu để xó chẳng thèm dòm ngó, khi có “cơn sốt” này thì hãnh diện mang ra du ngoạn, hoặc thừa cơ mang ra... đấu giá. Có lẽ chính vì thế mà số lượng xe “bà già” hiện thấy khá nhiều trên đường phố. Đặc điểm của xe này là chỉ đi một mình, không thể chở được ai, vừa là do cấu tạo của dáng xe vừa là do “độ ngựa” của nó quá thấp. Xe “bà già” chủ yếu chỉ dùng để thong thả “đi cày” trên đường phố sau giờ làm việc căng thẳng.
Anh Nguyễn Huy Hoàng, nhà ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) có cả thảy 8 chiếc “bà già” đủ các loại như Vespa, Lambretta... Căn nhà anh chỉ rộng có hơn 40 m2, anh phải thuê ngay một gian nhà bên cạnh để cho xe... ăn, ngủ. Anh bảo, đúng là chơi xe này phải kiên nhẫn và đó cũng là cách để anh rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại. Phải kiên nhẫn bởi lẽ mấy lý do: Thứ nhất là nó hay hư hỏng (không nổ, tắc xăng,...) nếu không kiên trì sửa chữa thì chỉ có đập nát luôn; thứ hai, tiếng nổ nó nghe rất dễ bị “dị ứng”, đi đường nếu không bỏ qua nhiều con mắt dòm ngó khó chịu nhất là vào lúc trời nắng dừng chờ đèn đỏ thì không đủ can đảm để cưỡi nó đâu.
Trong giới “sành điệu” Hà Nội không ai không biết đến Hương “tém”. Gọi là “tém” bởi Hương luôn để kiểu tóc tém cho mạnh mẽ giống con trai và dễ lạng lách, đánh võng. Hương nổi tiếng trong giới không chỉ bởi những đường đua ngoắt ngoéo, lì lợm mà còn bởi cuộc đua lên đời xe của Hương khó có ai theo kịp.
Con xe đầu tiên được Hương tậu về là con FX 125. Vào những năm cuối của thập kỷ 90 lúc đó, con “ích” này được xem như là đỉnh cao của “dân xe” nước ta. Thị trường trong nước lúc này chưa có “ích”, Hương phải bay sang tận Thái Lan để đặt mua. Con “ích” màu tím nhanh chóng trở thành biểu tượng của “giới chơi xe” Hà Nội. Mua về một thời gian, Hương bắt đầu đi tút lại xe. Mỗi một ngày chiếc xe của Hương được đổi một màu đề can, thế giới đề can có 62 màu, đúng 62 ngày thay đổi Hương quẳng con xe đi luôn. Sau đấy không lâu cái mốt dán đề can rộ lên ở Hà thành.
Chơi xe côn tay chán, Hương chuyển sang đi xe ga. Từ Spacy, Attila, Cygny, Avenis đến @, SH,... Hương vẫn là người xài đầu tiên ở Hà Nội. Khi mà nhà xe không tung mẫu mới ra kịp, Hương tháo tung ba con xe: @, SH và Avenis “chắp” lại thành một chiếc xe tổng hợp mà Hương gọi là “con phối”. Nhìn chiếc xe của Hương với đầu SH, thân @, đuôi Avenis, dân chơi ai cũng tấm tắc khen ngợi và thèm khát. Mới rồi, trong một cuộc đua sau trận cuồng phong tại một vũ trường, Hương đã “tử trận” khi đang ở cái tuổi xuân xanh. Buổi tối hôm đó, sau cái chết của Hương, người ta chỉ thấy các cô cậu choai choai, tóc vàng xanh lẫn lộn cưỡi trên những chiếc xe đời mới, phân khối lớn bóp còi, rú ga ầm ĩ khắp các con phố tiễn đưa người con gái xấu số.
Khác với Hương, Nguyễn Thành Doanh, nhà ở phố Tôn Đức Thắng, lại có kiểu chơi khác: chơi còi. Doanh không thèm để ý mình đang đi xe gì mà chỉ quan tâm chiếc còi mình đang sử dụng là còi gì, tiếng kêu ra sao. Bạn bè gọi Doanh là “Doanh còi”. Hồi còn dùng con Wave, Doanh suốt ngày đi lùng sục tìm kiếm các loại còi loại mới nhập về. Các cửa hàng đồ xe máy ở phố Huế, Hàng Bài, chợ trời đều biết đến “Doanh còi”. Lúc đầu Doanh chơi các loại còi có công suất lớn, cứ từ 150 đề-xi-ben trở lên. Có chiếc Doanh nhờ mua tận bên Mỹ giá hơn 1.000 USD, còi chuyên dùng cho tàu là thủy, tiếng nghe pum pum, rất xa, chỉ cần bóp nhẹ công tắc, người đi bên cạnh có thể ù tai. Có lần khi đi trên đường Kim Mã, Doanh bóp còi xin đường làm một chị trung niên giật mình ngã, phải đi viện.
Chơi “còi tiếng” chán, Doanh lại chuyển sang chơi “còi ấn tượng”. Đúng như tên gọi, còi này có thể âm vang không to nhưng lại rất ấn tượng. Trong bộ sưu tập “còi ấn tượng” của Doanh có nhiều loại thuộc vào hàng độc. Còi phát ra những bản nhạc nổi tiếng thì đã xưa như trái đất. Còi loại này nhiều chiếc chỉ có một không hai, bởi nó được Doanh thuê thợ chế tác, chứ không phải do các hãng sản xuất tung ra. Ví dụ như “còi phanh” chẳng hạn. Loại còi này nghe roẹt roẹt, giống hệt tiếng phanh xe gấp trượt trên đường nhựa. Rồi còi mô phỏng tiếng trẻ con khóc thét vì bị va chạm mạnh...
Chơi xe cũng là một cái thú như bất kỳ một thú chơi nào khác. Dầu vậy, chơi xe như thế nào để vừa dung hòa với cái chung vừa thể hiện được cá tính của bản thân thì không phải lúc nào cũng được những người chơi cân nhắc. Kiểu quan niệm: “Kiếm được tiền mà không chơi thì để làm gì” của một người mẫu kiêm diễn viên điện ảnh khi trả lời phỏng vấn một tờ báo thật khó có thể chấp nhận được. Hay "đú xe" để rồi thiệt mạng như Hương, gây tai nạn như Doanh thì chắc chắn sẽ chẳng mấy chốc biến thú chơi xe thành một cái gai trong mắt mọi người.