Dân chơi không sợ con rơi đánh dấu lần đầu trên màn ảnh, Tiến Luật đảm nhận vai diễn trung tâm và không có bà xã Thu Trang hợp diễn. Anh hóa thân thành Quân, gã trai miền Tây lông bông, sát gái. Một ngày nọ, Gia Linh (Vân Trang), một trong những cô bồ đi ngang đời Quân, mang đến một đứa bé, nói đó là giọt máu của hai người. Cô bỏ con lại cho Quân rồi trốn qua biên giới sang Campuchia.
Từ tay chơi sống nay không biết mai, Quân trở thành cha đơn thân bất đắc dĩ. Miệt mài tìm Gia Linh không thấy, anh vài lần tính kế bỏ rơi bé Thỏ. Nhưng sau cùng, anh đã không thể vượt qua sự mủi lòng của tình phụ tử. Có con rơi, Quân thay tâm đổi tính, kiếm tiền lương thiện bằng nghề xe ôm và diễn viên quần chúng để nuôi con. Cuộc sống của hai cha con bần hàn nhưng vui vẻ. Cho tới một ngày, Gia Linh trở về cùng chồng sắp cưới giàu có và mong muốn đón bé Thỏ ra nước ngoài, cuộc sống của Quân đảo lộn.
Với tựa phim Dân chơi không sợ con rơi cùng dàn diễn viên chuyên trị hài như Tiến Luật, Huỳnh Phương, Vinh Râu... bộ phim mới đầu gợi cảm giác về một cuốn phim hài giải trí, thậm chí hài nhảm, đủ mua vui cho khán giả vài chục phút ngoài rạp nhưng khiến người ta quên ngay khi phim hạ màn. Ở bản phim hoàn chỉnh, thực sự phim đầy ắp các màn tấu hài. Song điều đó không làm phim trở nên thiếu chiều sâu, bởi tuyến truyện gia đình xúc động đã cân đối lại không khí phim, lồng ghép thông điệp sâu sắc.
Kịch bản có thể chia làm hai nửa. Nửa đầu chuẩn phong cách hài bình dân quen thuộc của vợ chồng nhà sản xuất Thu Trang - diễn viên Tiến Luật. Nửa sau khai thác nội tâm nhân vật và câu chuyện gia đình. Tiếng cười được tạo ra chủ yếu bằng tình huống. Đó là sự run rẩy của Quân khi đóng thế cảnh hành động, những câu "thả thính" bùi tai của Quân, lần Quân tán gái bất thành vì lộ chuyện đã làm bố...
Đóng chính nhưng Tiến Luật tiết chế chất hài, nhường vai trò "cây hài" của phim cho các bạn diễn khác, nổi bật là Lê Khánh. Vai diễn cô giáo Thảo Mai yêu thầm Quân được cô thể hiện tếu táo, không lố. Đất diễn ít nhưng hễ lên hình, cô lại làm người xem bật cười. Thu Trang, Kiều Minh Tuấn, Ngô Kiến Huy làm cameo chớp nhoáng nhưng cũng đủ mang đến tiếng cười cho người xem.
Đúng với chủ đề tình cha con được giới thiệu từ đầu, phần lớn thời lượng Dân chơi không sợ con rơi xoay quanh cuộc sống của Quân và bé Thỏ, từ những phút giây vui nhộn hai cha con chơi đùa, khi con gái cổ vũ cha vượt nỗi sợ độ cao để hoàn thành vai diễn, cho tới những khoảnh khắc nhuốm màu ly biệt và nhiều nước mắt sau này.
Cái hay của phim là ca ngợi đức hy sinh của người cha nhưng không hạ thấp hình ảnh người mẹ. Gia Linh trong phim mới đầu gây ác cảm vì hành động bỏ con nhưng sau này khi trở lại, cô phần nào làm người xem thông cảm với nỗi khổ tâm của người phụ nữ yếu đuối, không đủ bản lĩnh giữ con bên mình dù muôn phần thương con.
Câu chuyện tranh giành con giữa Quân và Linh được diễn tả vừa hài hước vừa xót xa. Cũng như bao gia đình đổ vỡ của đời thật, ở tình cảnh như vậy, người cha, người mẹ đều đau lòng nhưng chịu tác động tâm lý hơn cả là những đứa con. Ngoài đời, có những người vì không muốn con thiếu thốn một nửa tình thân mà vợ chồng nhẫn nhịn mâu thuẫn, tiếp tục chung sống như địa ngục. Cũng có những cặp giành giật con như chơi trò kéo co.
Hai nhân vật trong phim cũng trải qua những tháng ngày dằn vặt nhau, dằn vặt chính mình như thế. Tới khi một biến cố xảy đến cuối phim, họ đã cùng nhau suy nghĩ lại và lựa chọn cách làm đỡ tổn thương nhất cho con gái. "Thương con thì đừng bắt con phải lựa chọn", Quân đã nói như vậy với người tình cũ. Đi qua nhiều thăng - trầm, nụ cười - nước mắt, bộ phim khép lại bằng cả nỗi tiếc, niềm thương lẫn sự an lòng cho nhân vật trong phim và khán giả trong rạp.
Dân chơi không sợ con rơi được đạo diễn Huỳnh Đông kể súc tích, gọn gàng. Phim được Việt hóa khéo léo, vận dụng nhiều chất liệu đời sống của người dân biên giới Tây Nam. Nhà ở, lối sống, quần áo, xe cộ hay thói quen hàng xóm đi chợ mua mớ rau, con cá giúp nhau chỉ là những chi tiết bổ trợ nhưng cho thấy hơi thở của đời sống trên màn ảnh.
Điểm đáng tiếc của phim cũng là lỗi muôn thuở của phim Việt - dùng thoại giải thích quá nhiều. Nhiều nỗi lòng, diễn biến sự việc được kể chóng vánh bằng lời nói. Phim cũng thiếu các chi tiết nhỏ được cài cắm để dẫn dắt đến biến cố ở đoạn kết. Phần hóa trang của phim còn hạn chế, chẳng hạn mái tóc dài của Quân trong quá khứ hay râu của nhân vật Tám Mánh (Huỳnh Phương) đều gây cảm giác giả tạo.
Điểm sáng của phim là màn kết hợp ăn ý giữa Tiến Luật và diễn viên nhí Bảo Thi (vai bé Thỏ). Sự tình cảm và gắn bó đong đầy trong ánh nhìn hay cách họ nói chuyện làm người xem tin vào mối quan hệ cha con trên màn ảnh.
Tự ti không đủ đẹp và đủ giỏi làm nam chính, song Tiến Luật thuyết phục người xem với vai diễn bề ngoài bất cần, hay ăn nói luyên thuyên nhưng tâm tính lương thiện, suy nghĩ chu toàn. Xem phim, người ta cảm giác ông xã của Thu Trang mang hình ảnh người cha hài hước nhưng chu đáo của chính anh ngoài đời lên màn ảnh. So với hồi đóng con gái của Ốc Thanh Vân - Võ Thành Tâm trong Lật mặt: 48h, diễn viên nhí Bảo Thi cho thấy sự tiến bộ. Bé diễn linh hoạt nhiều trạng thái cảm xúc, thể hiện vẻ lém lỉnh và tự nhiên.
Vân Trang, Khương Ngọc, Huỳnh Phương, Thảo Nguyên và dàn sao nhí phụ trợ của phim đều tròn vai, mang đến những màu sắc mới trong diễn xuất.
Dân chơi không sợ con rơi có những điểm trừ nhưng cho thấy là một sản phẩm được làm tử tế và chỉn chu. Phim đang chiếu rạp toàn quốc.
Phong Kiều