Đang làm việc, hướng mắt ra ngoài gặp cành lá khẽ đong đưa, tâm hồn họ liền chao động, chân họ bắt đầu "ngứa ngáy" ghiền thả diều. Bất kể mưa nắng, họ cũng ra những đồng diều lớn như Trung Sơn, ấp 3 xã Bình Hưng, Bình Chánh, hay khu vực bên hông bệnh viện Pháp Việt, quận 7, TP HCM để nhìn trời, "đo" gió.
Nhiều người sành chơi diều ở quận 8 cho rằng, 60% cánh diều bay cao, đẹp và đằm hiện nay là do ông Nguyễn Thanh Vân, thợ điện, ở 35/19 Trần Đình Xu, quận1, TP HCM chế tác hoặc hướng dẫn làm.
Từ Sa Đéc ngược ra tới Huế, chỗ nào có liên hoan diều là ông "móc túi vợ" dẫn "một đám lâu la" đệ tử cùng một số bạn ghiền diều như ông đi giao lưu. Hiện ông là tác giả của gần 200 mẫu diều nghệ thuật, đủ dạng: khối, bụng, chiếc lá, dây liên hoàn...
Biết chơi diều từ năm học lớp một, có trận cậu bé Vân bị gãy chân vì leo sân thượng thả diều, bị trượt chân. Thế mà Vân vẫn chưa "tởn", chân vừa lành đã lén nhà chạy lông nhông đi thả diều tiếp. Hai mươi tuổi, ông cao giọng tuyên bố với mọi người: "Tôi đã lớn, tôi quyết định chơi diều chuyên nghiệp".
Những lúc đi làm, đi chơi hay đi ăn, ông Thanh Vân đều tìm hỏi những vật dụng để làm diều. Hết giờ làm, phần lớn thời gian của ông đều bận bịu với diều. Có đêm ông thức tới 2-3h sáng chỉ để sửa sang cái mỏ đại bàng hay râu con diều bướm cho đẹp như thật. Nhà ông chỗ nào cũng có tre, mít xẻ, lồ ô, vải, sơn. Ngay cả phòng ngủ của ông, cũng là chỗ để diều. Mới nhìn thì hỗn tạp, nhưng thật ra chủ nhân của nó đã phân loại cẩn thận: số gỗ ở ngoài ban công là mới về, đợi "nhót", trên một năm, nằm dọc theo mâm nghỉ là số dự trữ, ở tầng hai là đang đợi... lên trời. Cứ ba tháng ông lôi chúng ra, phun dầu hôi để chống mối mọt một lần.
Các công đoạn làm diều nghệ thuật như sau: nảy ra ý tưởng kiểu dáng, vót tre làm sườn, cắt vải, vẽ hoạ tiết, lợp sườn, buộc "lèo", chọn dây cước hoặc dây lưới. Kỳ công hơn là ở khâu tìm nguyên liệu làm sườn diều. Tre dùng làm diều bay "ngon" phải từ ba tuổi trở lên. Muốn có dàn sáo "chiến", ông phải chạy ra Củ Chi, lùng mua tre Tàu tại vườn. Loại tre này nhẹ, thẳng, vỏ cứng, bọng ruột to, đem nạo ruột làm thân sáo nghe thật du dương. Nắp sáo phải là rễ gáo đỏ, rễ bần, gỗ mít. Chúng không chỉ nhẹ, dễ khoét lỗ, mà còn góp phần tạo ra những hợp âm khác nhau cho bộ sáo. Khung cánh diều phải cứng và có độ đàn hồi cao để hứng và xả bớt gió, nên ông Vân chọn tre gai. Tre Mạnh tông cứng, ông chọn làm khung sườn.
Nhưng giống tre này đắt, ông phải đợi mua tre Mạnh tông dạt của mấy đội lân, nếu không cũng phải chạy ra Củ Chi. Lồ ô thì được cái nhẹ, lóng dài, thẳng nên ông dùng làm thanh sườn hỗ trợ. Muốn uốn cong một thanh sườn đã vuốt, ông vừa hơ lửa đèn cồn vừa uốn, sau đó đem nhúng liền vào nước lạnh để thanh tre không trở lại hình dáng ban đầu.
Thời gian hoàn thành một con diều nghệ thuật có khi phải mất gần tháng trời, tuỳ theo kích cỡ. Sau khi hoàn tất, người chơi diều phải thả thử để chỉnh lèo cho hợp với sức gió, luồng gió tại đồng diều. Diều đang bay cao, người chơi phải căng nhiều giác quan để xem trời có đổi gió bất thường hay không. Khi đó họ phải xử trí thật nhanh: đổi hướng đứng, chạy đổi gió chờ gió mới, hay chỉ thâu dây vào 4-5m. Đầu mùa mưa, họ còn phải nhìn mây, nghe hơi gió để quyết định quấn dây diều vào trước lúc có giông mưa. Nếu không diều dễ bị đứt dây, và họ phải cắm đầu chạy hàng cây số để nhặt lại "con cưng".
Có lẽ thấu được, nên Nguyệt Lão lấy dây tơ hồng thay dây diều trói tim một cô hàng xóm - cũng thích chơi diều - cùng một "lèo" với tim ông Vân. Hiện ông dự định làm một con diều ống - hình bà Vân - có nhạc sáo du dương, gửi lên trời cao để vừa ngắm vừa nghe bạn đời thủ thỉ, sau hơn hai mươi năm chung sống. Thêm một lẽ khác, thôi thúc ông thực hiện ý định này: bà Vân luôn là nhà tài trợ chính cho những chuyến đi thả diều biểu diễn của câu lạc bộ diều Phượng Hoàng của ông, từ Nam ra Trung.
"Thả diều cũng là một môn chơi giúp giảm stress tốt", ông Võ Văn Nghiệp, 48 tuổi kỹ sư xây dựng, ở phường Đông Thuận Tây, quận 7, khẳng định. Đồng diều thường là những bãi đất rộng, mới san lấp, giáp ranh ngoại thành nên không khí còn trong lành. Người chơi diều sẽ có dịp "rửa phổi". Ông Nghiệp còn cho rằng chơi diều cũng kích thích sự sáng tạo, khám phá của ông. Ông thường thích chơi những con diều hai dây, bốn dây. Với những loại này, người chơi có thể điều chỉnh nó bổ nhào, lộn mèo trên không theo ý muốn với tốc độ 50-100km/giờ.
Sau giờ làm hành chính, ông Nghiệp thường cưỡi xe máy tới đồng diều Trung Sơn, dù mưa hay nắng. "Mưa thì ngồi uống ly cà phê, hóng gió, nhìn trời cho đỡ ghiền phần nào. Hôm nào gặp gió xấu hoặc gặp mưa giông thình lình, tối ngủ lại mơ: đập vô mặt vợ - quấn dây nhanh hoặc la làng - băng... băng- diều bị đứt dây…", ông Nghiệp kể.
Ông Lê Văn Quý, 61 tuổi, thợ cơ điện nhà máy Ba Son, chủ một trang trại hoa ở Đà Lạt, chủ nhiệm câu lạc bộ diều Phượng Hoàng, ở phường12, quận Gò Vấp, lại cho chơi diều là một môn thể thao toàn diện. Chơi lâu nó giúp người ta nhạy cảm hơn, phán đoán sự việc nhanh nhạy. Ông đang nuối tiếc cho những trẻ em đang bị cướp mất khoảng trời tuổi thơ vì phải "cắm đầu" học thêm, mai sau sẽ không biết, không tả được tiếng sáo diều.
Ông Thanh Vân thì cho rằng người mê chơi diều sẽ trẻ lâu hơn, khả năng tưởng tượng phong phú hơn. Mùa này nhà ông thường có gần chục "bạn" nhỏ tuổi 15-17, cùng đến chơi và làm diều. Đã hai năm nay, hè nào ông cũng mở lớp dạy làm diều miễn phí cho mọi lứa tuổi tại Trung tâm văn hoá quận 8.