Suốt tuần qua ngày nào anh Lâm Thanh Tòng ở thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) cũng ra đồng săn nhái làm thực phẩm đầu mùa mưa cho gia đình. Ruộng đầy gốc rơm rạ, khô nứt nẻ bỗng trở thành những đêm "nhái hội" khi vài cơn mưa đầu mùa trút nước xuống miền Tây.
Không to như ếch, nhái đầu mùa mưa chỉ bằng ngón tay cái người lớn. Soi đèn khoảng 2 giờ ngoài ruộng, anh Tòng bắt được hơn 5 kg nhái mỗi đêm. "Nhái nhỏ nên cắt đầu lột da 5 kg mất nhiều thời gian nhưng được là có món ăn ngon dân dã. Xương nhái mềm rụm, thịt thơm giòn ngon hơn thịt gà", anh Tòng cho biết.
Ngoài món kho xả ớt, nấu canh chua, chiên giòn, anh Tòng còn ướp lạnh gửi về cho người thân ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng) xào với hành hương. Món xào này được người dân xứ biển Vĩnh Châu cho là đặc sản bởi thịt nhái ngọt thơm, hành hương cũng ngọt thơm. Loại hành này đặc biệt là có củ như kiệu, giá dao động 25.000-30.000 đồng mỗi kg được người dân Vĩnh Châu xào và nhúng lẩu.
Lớn lên từ ruộng đồng gắn với những đêm giăng câu, soi nhái đầu mùa mưa, anh Khoa ở xã Phước Long (Phước Long, Bạc Liêu) lại thích món nhái nấu cari nước cốt dừa ăn với bún. Những ngày này tủ lạnh trong nhà anh ở Đồng Chó Ngáp luôn có thịt nhái làm sẵn để đãi bạn bè ở chợ về thăm.
"Nhái nấu cari nước cốt dừa chag với cơm ăn một hơi 3-4 chén vẫn chưa đã thèm. Bạn bè tôi không chỉ thích món này mà còn thích nhái bầm nhuyễn vò viên nấu canh chua bông súng", anh Khoa khoe "sản vật" đồng bằng.
Ngon là vậy nhưng đặc sản thịt nhái miền Tây ăn theo kiểu dân dã như anh Tòng, anh Khoa chỉ được vài tuần vì vài hôm nữa ruộng đồng đã cày xới đất làm lúa, không còn nơi để "nhái hội". Tại các chợ Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang…, nhái làm sẵn giá 80.000-100.000 đồng/kg, bán đắt như tôm tươi.
Còn tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang), nhái được dân địa phương làm khô bán quanh năm với giá 300.000-350.000 đồng/kg. Khô nhái đặc sản An Giang còn được gọi với cái tên rất hay là "mỹ nữ chân dài", dùng để chiên, nướng chấm với nước mắm me.
Ái Nam