Lấy chủ đề I dreamed a dream, Chung Thanh Phong tái hiện những hình dung của anh về một thế giới thần tiên siêu thực, cũng như giấc mơ cổ tích của người con gái vào ngày cưới. Trong show diễn kéo dài một tiếng diễn ra tại một khu nghỉ dưỡng 5 sao ở Đà Nẵng hôm 26/8, nhà thiết kế mang đến hơn 80 thiết kế váy cưới, vẽ nên một giấc mộng mang cảm hứng tương lai cho 140 khách mời.
Trong không gian phòng cưới mái vòm ngập tràn ánh sáng, Chung Thanh Phong chọn hình ảnh cánh bướm để mô tả giấc mơ thần tiên trong tưởng tượng của anh. "Bươm bướm là hình ảnh đặc trưng trong thời trang những năm 2000 và đang quay trở lại gây bão làng mốt toàn cầu khoảng hai năm nay. Loài côn trùng xinh đẹp này còn là hiện thân của phong cách fairycore (phong cách thần tiên) - một trong những xu hướng thú vị của mùa hè năm nay, bắt nguồn từ khao khát một cuộc sống nhẹ nhàng, yên bình, hòa mình vào thiên nhiên. Đó là lý do tôi sử dụng hình ảnh này để làm cảm hứng chủ đạo cho bộ sưu tập", nhà thiết kế chia sẻ.
Dù khai thác hình ảnh cánh bướm mơ mộng và cổ tích, Chung Thanh Phong không sa vào những kiểu đầm công chúa quá điệu đà. Phong cách futuristic mang cảm hứng vị lai đặc trưng của anh được thể hiện rõ nét trong cách anh khai thác hình ảnh cánh bướm: lúc là những cánh bướm cắt laser từ mảnh sequin; lúc là cánh bướm đính kết thủ công tinh xảo mất cả trăm giờ hoàn thiện từ các nghệ nhân lão luyện.
Hoàng Thùy, trong vai trò mở màn, hóa thành nàng tiên bướm với bộ cánh nặng 10 kg, làm từ vải lưới dựng phom 3D, đính pha lê mô phỏng những hạt sương đọng trên cánh bướm, đính kết ngẫu hứng với dây cước tạo hiệu ứng trong suốt. Ở vị trí vedette, H'Hen Niê khép lại giấc mộng thần tiên của Chung Thanh Phong bằng hình ảnh "Nữ thần bướm" với bộ đầm kèm áo choàng đính pha lê Swarovski bằng tay xếp cánh bướm nhiều tầng tạo layer. Trang phục tốn một tháng rưỡi hoàn thiện với 8 người thợ. Người đẹp kết hợp trang phục cùng vòng "Halo of Dreams" thuộc bộ sưu tập Three Trees, lấy cảm hứng từ vẻ đẹp huyền ảo của bầu trời đêm với muôn vàn ngôi sao lấp lánh trong những câu chuyện cổ tích. Thiết kế đính hơn 460 viên kim cương lab nặng hơn 470 cts, trị giá 3,2 tỷ đồng.
Chung Thanh Phong mất sáu tháng để lên ý tưởng và hoàn thành bộ sưu tập. Anh chia bộ sưu tập làm hai phần: Phần một gồm những thiết kế vừa nữ tính vừa cá tính hướng đến những cô dâu hiện đại, phần hai là cuộc chơi của những bộ đầm kinh điển, thể hiện sức sáng tạo không giới hạn cùng kỹ thuật đính kết kỳ công, hướng đến vẻ đẹp siêu thực và xa xỉ.
Trên sàn catwalk lấp loáng ánh phản chiếu từ những khối tinh thể tráng gương theo tinh thần futuristic, các người mẫu sải bước trong những bộ đầm khai thác đa dạng phom dáng. Không chỉ là những kiểu váy công chúa, đầm đuôi cá thông thường, Chung Thanh Phong còn sáng tạo đầm cổ yếm, cut-out, phồng hông hay đầm kèm mũ trùm đầu... hòa nhịp vào xu hướng thời trang chung của thế giới. Bằng các kỹ thuật như draping, đính hoa 3D, corset định hình, in 3D, cắt laser hay đính hạt tạo hình, những bộ cánh trở nên bắt mắt, mới mẻ. Để tăng vẻ ấn tượng, nhà thiết kế sử dụng các loại vải nhập tử Italy gồm liquid metallic mang hiệu ứng bóng loáng và mềm mại như nước (còn gọi là vải nước), organza, voan lưới, ren, satin, metallic.
Metallic là một trong những chất liệu đặc trưng theo phong cách nữ quyền mà Chung Thanh Phong ưa chuộng. Để ứng dụng vào đầm cưới, nhà thiết kế phối cùng ren, lông vũ hay các chi tiết phụ kiện được in 3D - một trong những công nghệ hiện đại được anh sử dụng để hỗ trợ cho thời trang Haute Couture.
Show còn thể hiện sự chịu chơi của nhà thiết kế khi áp dụng những công nghệ mới nhất nhằm đem tới ba không gian trải nghiệm khác biệt. Anh trở thành nhà thiết kế Việt đầu tiên biến không gian thảm đỏ thành một trường quay bullet time (viên đạn thời gian), tạo nên hiệu ứng AI kỳ ảo cho các video. Bullet time là một hiệu ứng đánh lừa thị giác khiến người xem có cảm giác con người và cảnh vật xung quay đều bất động và chỉ có máy quay đang quay vòng quanh chủ thể giống như thời gian đang chậm lại. Hiệu ứng này được áp dụng lần đầu tiên trong phim Ma trận năm 1999, mang lại thành công lớn đến mức thuật ngữ bullet time (viên đạn thời gian) được dùng để chỉ hiệu ứng này đến mãi về sau.
Ngoài ra, anh còn là nhà thiết kế Việt đầu tiên chiêu đãi khách mời bằng drone show kéo dài gần 10 phút trên bầu trời Đà Nẵng để cảm ơn 140 khách VIP trong bữa tiệc chiêu đãi sau show. Đúng 21h15 phút, 400 chiếc máy bay không người lái xuất hiện trên bầu trời trong tiếng hò reo phấn khích của khán giả. Màn trình diễn khép lại mãn nhãn với dòng chữ Deeply Thankful.
Hòa quyện kỹ thuật thời trang thủ công và những công nghệ hiện đại, Chung Thanh Phong vẽ lên bức tranh về thế giới cổ tích trong bối cảnh thời đại. "Hành trình I dreamed a dream khép lại với thật nhiều cung bậc cảm xúc, là sự phấn khởi ban đầu vì những ý nghĩ nhen nhóm trong đầu, là sự lo âu căng thẳng khi phải đối mặt với những điều nằm ngoài tầm kiểm soát, là sự dũng cảm đối mặt với khó khăn và những rủi ro, là niềm vui sướng khi show diễn thành công hơn mong đợi. Và giấc mơ của tôi, vẫn sẽ tiếp tục", Chung Thanh Phong chia sẻ.