
Cặp vợ chồng hào hứng khoe nhẫn cưới với người thân qua màn hình thiết bị điện tử.
Hôm 17/7, cô dâu Phạm Trương Khánh Thi - chú rể Trần Văn Quan đã tổ chức một đám cưới thật khác thường. Cô dâu, chú rể tay trong tay còn gia đình, bạn bè... chúc phúc cho uyên ương qua màn hình điện thoại, máy tính. Trải qua hôn lễ đặc biệt, Khánh Thi nói: "Tôi không hình dung được là đám cưới sẽ vui, cảm động và đáng yêu thế này".
Trước khi tổ chức hôn lễ online, Khánh Thi cùng chồng đã làm lễ dạm ngõ và thủ tục đăng ký kết hôn từ tháng 5 và dự định làm đám cưới truyền thống, tiệc đãi khách vào 17/7 với khoảng 200 khách mời. Cô bổ sung: "Theo dự định, chúng tôi tính làm đám cưới theo quy mô gia đình và một phần mời online. Nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP HCM kèm theo chỉ thị 16, chúng tôi nói với gia đình sẽ không tổ chức tiệc nữa, định chờ hết dịch". Tuy nhiên, do sức khỏe của bà nội chú rể ngày một yếu nên cả cô dâu, chú rể quyết định tổ chức cưới đúng ngày qua hình thức online và kết nối với khách mời nhờ ứng dụng Zoom.
Uyên ương tự chuẩn bị mọi thứ mất khoảng 5 ngày. Quan cũng chuyển tới nơi ở của Thi ở quận 9 để tiện đồng hành với vợ. Tới hôm 15/7, cặp vợ chồng nhận gần đủ các vật dụng cho đám cưới với chi phí chỉ khoảng 1 triệu đồng, không tính quần áo, nhẫn cưới. Cả hai túc tắc dọn dẹp, trang trí nhà cửa, mua hoa quả, bánh trái đặt lên bàn thờ, tự làm phông cưới với chữ Hỷ mua sẵn treo lên rèm cửa phòng khách. Tuy nhiên, do dịch nên một số vật dụng mà cả hai đặt mua không thể chuyển tới đầy đủ. Hôn lễ cũng không có hoa cưới vì cả hai không tìm mua được, còn thiệp mời được tạo sẵn trên phần mềm và cả hai chọn cách gửi email để thông báo tới người tham dự.
"Chúng tôi sắp xếp bàn thờ, lên kịch bản ngay trong buổi tối trước hôm cưới vì những ngày chuẩn bị cho hôn lễ, chúng tôi vẫn đang đi làm", Thi chia sẻ. Cả hai cùng lên ý tưởng cho lịch trình ngày cưới gồm việc chú rể tuyên bố lý do; cô dâu, chú rể giới thiệu hai họ; người chủ hôn điều khiển làm lễ gia tiên, hướng dẫn vái lạy tổ tiên và hai nhà chúc phúc cho uyên ương. Uyên ương báo cho mọi người trong gia đình, bạn bè và nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ.

Cả hai tự bày biện hôn lễ đơn sơ, giản dị vào mùa dịch. Đêm trước hôm chuẩn bị hôn lễ, tòa nhà của cô dâu, chú rể bị phong tỏa vì ca dương tính. Do đó, cả hai làm lễ chỉ có hai người và một chủ hôn.
Mẹ và em dâu may khăn trải bàn, chuẩn bị lư hương, quà cưới gửi qua cho con gái. Dì, chú cũng hỏi han Khánh Thi liên tục, tất tả lo cho đám cưới của cháu từ xa. Dì chuẩn bị đủ xôi lạc, chè đậu xanh, gà luộc, chả lụa, bánh chưng, trái cây để dâng lên thắp hương ở bàn thờ bố mẹ mình - tức ông bà ngoại Khánh Thi tại nhà dì. "Ba mẹ chồng tôi cũng gọi vào an ủi, sợ hai đứa buồn. Còn anh chị em chồng dù ai cũng đang bận rộn đối phó dịch, lo việc riêng của mình nhưng đều gửi quà mừng, hỏi thăm suốt", cô dâu bộc bạch.
Đến ngày vui, Khánh Thi mặc áo dài đỏ, tự trang điểm, làm tóc. Cô dâu chưa từng gắn mi giả nên lo lắng sợ lên hình xấu nhưng may mắn mọi chuyện đều ổn. Chú rể mặc suit, lo khâu kỹ thuật và kết nối với với người thân hai họ ở các miền trên Tổ quốc. Chủ hôn là cô bạn ở cùng tầng với cô dâu, sẽ tắt mở mic dựa theo tình huống phát sinh, chụp hình cho cô dâu, chú rể ở buổi lễ. Em gái Khánh Thi tất bật nấu nướng gửi đồ qua, chụp hình, quay phim, chỉnh ảnh trên Zoom giúp anh chị. Em trai cô hỗ trợ kỹ thuật kiêm MC.

Cặp vợ chồng hướng dẫn người thân sử dụng ứng dụng để tham gia đám cưới online.
Do hôn lễ tổ chức qua mạng nên cô dâu, chú rể không phải lo lắng về chỗ ngồi của khách, về thực đơn ra sao mà chỉ lo vấn đề mạng yếu. Gần 20 khách mời được chứng kiến cả hai "kết tóc se duyên" qua nền tảng trực tuyến. Có lúc, chủ hôn không nghe thấy ba Thi phát biểu nên tắt nhầm mic khiến ông cụt hứng. Đôi khi, ba mẹ chồng đang chúc phúc lại bị thoát ra ngoài. Sự cố khác là chú rể Văn Quan quên đường dây kịch bản, lắp bắp không thành tiếng khiến mọi người cười ồ. Dù phát sinh sự cố nhưng đám cưới vẫn có sự đầm ấm, vui vẻ, mọi người đều chúc phúc và hẹn trao quà cưới cho uyên ương khi bệnh dịch kết thúc. Lần đầu tham dự đám cưới online, người lớn tuổi trong nhà Khánh Thi - Văn Quan bộc bạch: "Chưa bao giờ được chứng kiến trong đời".
Cũng vì lần đầu làm đám cưới theo hình thức đặc biệt nên cả hai khá bỡ ngỡ, ngại không dám mời đông họ hàng lên hình vì sợ mọi người bối rối. "Tôi cũng có sự nuối tiếc khi không có kịch bản cụ thể hơn, không báo cho mọi người sớm, không tự tin để làm thiệt lớn. Nếu có kịch bản chắc chắn và tự tin hơn, một số anh chị em họ hàng ở xa có thể chung vui với chúng tôi rồi, chắc chắn là sẽ vui hơn". Cô dâu cũng hi vọng một ngày không xa có thể đoàn tụ với người thân, bạn bè và tổ chức một hôn lễ offline đầm ấm.
Tú Anh
Ảnh: NVCC