Không ít người cho rằng: đám cưới càng cầu kỳ, phô trương thì càng “nở mày nở mặt” với thiên hạ. “Đánh” đúng tâm lý này, có nhà hàng tổ chức xe song mã đón rước cô dâu ngay từ bên ngoài nhà hàng và bày ra đủ thứ lễ: lễ đón rước cha mẹ cô dâu chú rể, lễ khui và rót rượu mời song thân, lễ cắt bánh, lễ vòng tay uống rượu giao bôi... Nhiều nhà hàng còn có “tiết mục” chiếu lên màn ảnh to đùng trên sân khấu, tung lên mạng những hình ảnh cô dâu chú rể từ thuở “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” mà họ đã dựng sẵn trước đó. Màn nghi thức lễ cưới có khi kéo dài 45-60 phút, tạo cảm giác nặng nề cho khách mời, làm mất thời gian, gây tốn kém cho chủ tiệc.
Đó là chưa kể đến việc nhiều người dẫn chương trình (MC) điều hành lễ cưới một cách tùy tiện, đẩy gia đình cô dâu chú rể và hai nhân vật chính vào tình thế khó xử, trở thành trò cười cho thực khách. Trong một tiệc cưới được tổ chức vào buổi trưa đầu tháng 12 vừa qua tại khu du lịch Bình Quới I, TP HCM theo đề nghị của MC, đôi uyên ương đã hôn nhau một cách cuồng nhiệt gần một phút mà không chút ngần ngại. Ban đầu MC cũng ủng hộ và mời gọi khán giả vỗ tay chúc mừng nhưng khi thấy cảnh hôn nhau không biết bao giờ dừng nên đành lên tiếng: “Tôi thấy cô dâu chú rể rất là hạnh phúc, nhưng cũng nên để dành sức khỏe cho đêm tân hôn nữa chứ”. MC vừa dứt lời, hầu hết khách dự tiệc đều quay sang nơi khác để giấu vẻ ngượng ngùng, còn đám trẻ con thì vỗ tay nhảy lên reo hò: “Hay quá, hay quá, giống như trong phim quá...”.
Thói quen xưa nay, cứ buổi trưa thì thiệp mời ghi 11h, buổi chiều 17h nhưng phần lớn các nghi thức khai tiệc thường bắt đầu từ lúc 12h30, thậm chí đến 13h và 19h30, có nơi đến 20h. Chị Thùy, ở quận 3, cho biết: “Tôi đi đám cưới nhiều nên bây giờ có kinh nghiệm, người ta mời mấy giờ thì mặc, buổi trưa cứ tầm 12-12h15 đến, buổi chiều thì cứ 19h. Chủ yếu đi dự chứ cũng chẳng cần xem họ tổ chức như thế nào”.
Theo Người Lao Động, ngoài nạn đi trễ giờ, ca nhạc trong tiệc cưới cũng là điều khiến nhiều khách “kinh hãi”. Vì là hát giúp vui nên chẳng ai kiểm soát được ai, sự quá trớn của một số “ca sĩ bất đắc dĩ” đã làm ảnh hưởng đến khách dự tiệc. Chị Ánh Hồng, ở quận Tân Bình, bức xúc: “Dự tiệc cưới, sợ nhất phần ca nhạc phục vụ, ồn ào và bát nháo kinh khủng. Gọi là văn nghệ giúp vui chứ thực ra chẳng giúp vui gì cho ai mà còn làm phiền toái khách dự tiệc. Bạn bè lâu ngày gặp nhau muốn nói chuyện phải kề miệng sát vào tai, nói to lên, mất lịch sự lắm”.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, công tác tại Ngân hàng Công thương Sài Gòn, cho biết: “Cưới xin là việc của hai họ không phải là việc của bàn dân thiên hạ nên không nhất thiết phải phô trương, rình rang để khoe mẽ. Làm như thế lãng phí tiền của, thời gian, có khi còn gây ra sự khó chịu cho khách mời dự tiệc”. Do đó, khi tổ chức đám cưới cho con trai, mặc dù bạn bè và người thân hai bên rất đông, nếu mời hết 50 bàn cũng không đủ, nhưng chị và gia đình sui gia thống nhất chỉ mời đúng 20 bàn. Tất cả khách đều được gửi thiệp báo hỷ, chỉ một số khách tiêu biểu được gửi thêm thiệp mời dự tiệc. Vì số lượng khách không đông nên không phải chờ đợi lâu, khi khách dự tiệc bắt đầu với món ăn thứ nhất, cô dâu chú rể bước lên sân khấu tuyên bố họ đã chính thức là vợ chồng.
Còn chị Đặng Thùy Khánh Vân, cán bộ Quận đoàn 8, thì đã quyết tâm tổ chức đám cưới “3 đúng”, mặc ai bàn ra tán vào. 3 đúng là: “Đúng thủ tục kết hôn - Đúng giờ - Chỉ uống đúng một chai bia”. Anh chị chỉ tổ chức 20 bàn, còn lại gởi thiệp báo tin. Món ăn chọn với mức giá 100.000 đồng/món nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, không chụp hình cưới ở studio, cô dâu chỉ mặc áo dài, không thuê xoa-rê và tự trang điểm, hoa cầm tay cô dâu tự làm. Thời gian làm lễ gia tiên và tiệc cưới gói gọn trong một buổi sáng, không coi ngày giờ rước dâu. Thiệp cưới ghi luôn chương trình chi tiết của buổi lễ.