Báo chí Ấn Độ mỗi năm lại nhắc đến cụm từ "Big Fat Indian Wedding" cho những đám cưới to và hoành tráng nước họ. Thậm chí, một website riêng có tên trên được lập chuyên đưa tin về các sự kiện cưới xa hoa của người Ấn. Bên cạnh loạt thông tin gây sốc về độ chịu chi, họ đặt câu hỏi về tính cần thiết cũng như sự lãng phí của chúng, ở quốc gia được mệnh danh "thủ phủ nghèo đói" số 2 thế giới.
Tuy nhiên, những đám cưới kiểu này được đánh giá là thúc đẩy kinh tế tại khu vực chúng diễn ra.
Trang tin Ấn Độ ThePrint cho biết người giàu Ấn thích đổ cả gia tài cho đám cưới của con cái, trong khi phụ huynh trung lưu hay thu nhập thấp cũng cố tiết kiệm tiền qua năm tháng chuẩn bị chuyện trăm năm cho con. Đây là một phần quen thuộc văn hóa Phương Đông.
Đám cưới truyền thống Ấn kéo dài nhiều ngày, đi qua các lễ như Mehendi, Sangeet và Haldi, nơi trang sức đắt tiền được trao và phủ áo quần lộng lẫy.
Đại gia Mukesh Ambani - người giàu nhất Ấn Độ và châu Á - thậm chí vừa đưa "nỗi ám ảnh quốc gia" ấy lên mốc 100 triệu USD với đám cưới đang làm cho con gái.
Isha Ambani, tốt nghiệp hai đại học hàng đầu Mỹ là Yale và Stanford, kết hôn với Anand Piramal, cũng sở hữu hai tấm bằng ĐH Pennsylvania và Harvard. Cả hai đều làm trong các vị trí điều hành của những tập đoàn khổng lồ của gia đình, họ se duyên hai gia tộc giàu và quyền thế bậc nhất Ấn Độ. Bố Ambani có 42 tỷ USD còn bố Piramal có 4,2 tỷ USD, theo Forbes.
Từ hôm chủ nhật (9/12), hôn phu và hôn thê đã sóng bước trong hội hè trước hôn lễ chính thức. Tại thành phố Udaipur, Beyonce được mời về hát trong tiệc kín, hai cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hilary Clinton và John Kerry thì lên nhảy với hai bên thông gia. Danh sách khách mời dài đến nỗi Ambani và Piramal phải thuê ít nhất 5 khách sạn 5 sao kế bên đón khách. 100 phi cơ được thuê riêng để chuyên chở, chưa kể dàn xế sang. Gia đình Ambani đồng thời chu cấp đủ ba bữa ăn mỗi ngày cho 5.100 cư dân Udaipur trong ba ngày.
Sau đó, khách mời bay đến Mumbai để dự hôn lễ chính thức tối 12/12 trong Antili – căn nhà một thời đắt nhất thế giới – gồm 27 tầng, cần 600 người vận hành và đủ sức chống động đất 8 độ. Khi những hình ảnh đầu tiên về buổi tiệc được hé lộ, người ta gọi tên nó "đám cưới của năm".
Theo một chuyên gia tư vấn sự kiện cưới Delhi, khoảng 250-300 xe BMW và Mercedes kèm hàng trăm tài xế đã được tuyển mộ, tính riêng cho sự kiện ba ngày trước thềm đám cưới. Người này cho biết thêm thông thường vận hành những chiếc xe sang đó cần thêm một loạt nhân lực điều phối, bảo trì. Bên cạnh đó, có đội ngũ được thuê chỉ để chào khách ở sân bay. Những người cử hành các nghi thức trong lễ cưới cũng thừa nhận được "boa" tiền hậu hĩnh.
Trong một thời gian ngắn, các sự kiện trong lễ hội cưới của cặp Jona-Chopra và Ambani-Piramal lần lượt được tổ chức ở hai thành phố Jodhpur và Udaipur, đều thuộc bang Rajasthan của Ấn Độ. Điều này cho thấy một tiềm năng kinh doanh lớn cho bang này. Rajasthan là điểm đến truyền thống yêu thích của du khách, đang nổi lên là "thánh địa" cưới hỏi nhờ vào hệ thống thành lũy vua chúa xưa và văn hóa đặc sắc.
Nghệ nhân hoa, người vận hành lều trại, người làm đẹp, thợ may, họa sĩ, kỹ sư âm thanh, dân buôn trà ở đó... là những đối tượng hưởng lợi hơn hết. Với các nghệ sĩ địa phương, đám cưới đắt tiền đồng nghĩa nguồn thu nhập cao đột biến.
Những đám cưới xa hoa Ấn Độ kéo dài nhiều ngày thúc đẩy kinh tế những nơi nó đi qua, không chỉ với hộ nhỏ lẻ mà cả cho những ngành bề thế như khách sạn, kinh doanh hàng hóa có tính bền và hàng không.
Cưới là ngành công nghiệp giá trị ước tính 15 tỷ USD ở Ấn Độ, với tốc độ tăng trưởng hằng năm trung bình 25-30%, chi phí dao động từ nghìn USD đến bạc triệu USD.
Một đám cưới cỡ bự ở đó thuê khoảng 500-700 người làm việc, gồm những nghề quan trọng như thợ mộc, tài xế, hoa và trang trí.
Leher Kala, chủ một hãng chuyên làm phim cho các dịp lễ kỷ niệm ở Ấn Độ, cho biết ngành cưới hỏi ở đây "miễn dịch với khủng hoảng kinh tế và thời tiết". Cô này nhớ lại một lần đi quay chứng kiến những bó hoa lan sặc sỡ được vận chuyển bằng máy bay từ Singapore sang và đội chuyên gia cắm hoa gồm 5 người từ Hong Kong.
Bên cạnh đó, "Big Fat Wedding" đóng góp đáng kể cho ngành du lịch Ấn Độ. Khách mời đông đảo từ khắp nơi đến sẽ chi tiền cho đi lại bằng taxi, khách sạn, vải vóc và trang sức. Ngoài ra, một lợi ích khác là thông qua ảnh chụp khách đăng lên mạng xã hội, các địa điểm được quảng bá gián tiếp hoàn toàn miễn phí.
Kala đánh giá điều chính phủ Ấn Độ nên lo là nhiều nhà giàu ở đó lại có xu hướng tổ chức tiệc cưới ở nước ngoài như Thái Lan hay Italy, trong khi cơ hội đem lại nguồn lợi trong nước có thừa.
Thanh Tùng