- Bây giờ có dịp nghiệm lại con đường đã qua của mình, chị thấy thế nào sau gần 15 năm theo đuổi nghiệp ca hát?
- Đạo diễn Doãn Hoàng Giang từng nói rằng, đỉnh cao cuả nghề nghệ sĩ là sự cô đơn. Trước đây, tôi chẳng hiểu gì cả. Giờ nghiệm lại, tôi mới thấm thía hết ý nghĩa thật sự của nó... Người ca sĩ, khi hạnh phúc, êm đềm với hạnh phúc đó thì sẽ không còn nghĩ tới sự nghiệp nữa. Chính cảm giác cân bằng của một gia đình đã làm mất đi cái hứng thú với công việc. Khi gặp chuyện buồn về tình cảm, gia đình, cách duy nhất mà tôi thường làm là lao đầu vao công việc để quên hết mọi thứ. Càng cô đơn, càng đam mê công việc thì mới lên được đỉnh cao.
![]() |
Ca sĩ Phương Thanh. |
Đã có lúc, tôi chấp nhận cô đơn để hy sinh cho nghề nghiệp. Nhưng khoảng 3-4 năm, tôi cảm thấy quá đuối, chịu không nổi. Dù thế nào đi nữa, tôi cũng chỉ là con người bình thường, vẫn có nhu cầu về tình cảm cho riêng mình. Những lúc như vậy, chỉ cần một người bạn bình thường xuất hiện đúng lúc, tôi sẽ bắt lấy rồi yêu ngay, bất chấp vị trí của họ có như thế nào và chẳng ai có thể ngăn cản nổi. Tất nhiên, khi đã nghiêng về tình cảm thì sự nghiệp coi như mất.
Nói chung, chẳng phải ai cũng mang nghiệp nghệ sĩ vào người được đâu. Tất cả nằm ở duyên nghề, duyên nghiệp. Trước đây, thật sự tôi không mê hát như mọi người từng nghĩ. Tôi chỉ mê đóng phim, thích coi đá banh vì thích chơi thể thao. Cuối cùng, nghiệp hát đã chọn và bản thân tôi cũng chẳng hiểu vì sao mình lại "lái" qua con đường này.
Ở cái nghiệp này, vui cũng vui quá, còn buồn cũng buồn quá. Không ai hiểu được nỗi cô đơn này, kể cả ngồi giữa một đám đông nhưng vẫn cô đơn như thường. Có thể vì cuộc sống, tinh thần và tâm lý của tôi phụ thuộc rất nhiều vào đám đông. Hàng đêm hát, hàng tuần hát, hàng tháng hát. Đứng trước công chúng vui quá, đến khi quay trở về cuộc sống đời thường, với một hai người đối diện, khi đó mới cảm thấy buồn và cô đơn làm sao. Có lần, trong sinh nhật của tôi, khi tất cả đang rất vui vẻ, đột nhiên mọi người ôm nhau khóc ngon lành và cũng chẳng biết khóc vì lẽ gì...
- Chị có phải là người quá bi quan?
- Xin khẳng định rằng tôi không bi quan. Tôi cứ nói mãi những chuyện chẳng vui vì trong cuộc sống tôi đã thiếu hụt rất nhiều về tình cảm. Cái gì thiếu thì nói về cái đó. Cũng giống như âm nhạc, tôi có hát được bài vui nhiều đâu. Vì biết mình hát không hay, hát không vui bằng người khác. Tôi vẫn thường nói với những người bạn của mình, nếu hát nhạc buồn, chẳng ai có thể hát lại Phương Thanh. Bao nhiêu nỗi buồn lẫn sự đắng cay, tôi đều nếm đủ cả, thử hỏi làm sao tôi có thể hát được nhạc vui. Chính vì sự mất mất này khiến tôi "quặn" ra tiếng hát từ chính cõi lòng của mình. Đến mức nhiều khán giả phải bật khóc.
- Thử sức với nhạc Trịnh chị cảm thấy thế nào?
- Nếu hát không được mà cứ mãi chạy theo cho bằng chị bằng em thì tôi sẽ là người chết trước. Đối với tôi, nhạc Trịnh là nơi để đo sự trưởng thành sau gần 15 năm đi hát và cũng là cột mốc rất quan trọng để đánh dấu Phương Thanh không đơn thuần là một ca sĩ hát dòng nhạc thị trường. Không phải cứ đi hát lâu năm rồi làm nhạc Trịnh thì sẽ được khen. Bởi người nghe dòng nhạc này rất rộng, là khán giả trí thức chứ không phải khán giả thị trường. Nhạc Trịnh coi vậy rất khó hát. Ai bước vào nhạc Trịnh, hát không được, bước ra liền.
Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ cảm giác của lần đầu tiên hát nhạc Trịnh, ca khúc Huyền thoại mẹ. Khi ấy, khán giả vô cùng bất ngờ và pha lẫn chút thích thú. Sau lần đó, cũng có không ít người gợi ý tôi làm một đĩa nhạc Trịnh. Tôi không đồng ý vì còn quá sớm vả lại chỉ mới hát có một bài thì chẳng nói lên điều gì. Cứ như thế trong những lần đi lưu diễn, khán giả lại tiếp tục yêu cầu tôi hát nhạc Trịnh nữa. Lần này tôi hát Diễm xưa để đáp lại tình cảm của mọi người. Đến khi thể hiện ca khúc Ca dao mẹ, tôi mới nghĩ đến việc thực hiện một album nhạc Trịnh Thương một người. Tính tôi rất thẳng. Nếu những việc tôi làm mà bị khán giả chê thì sẽ bỏ ngay, không làm tiếp nữa.
- Năm nay chị nhận lời đóng nhiều phim. Chị có định chuyển hướng?
- Chẳng hiểu năm nay tại sao tôi lại nhận lời đóng phim nhiều như thế. Mặc dù ngay từ đầu đã xác định chắc chắn rằng sẽ làm liveshow kỷ niệm 15 năm ca hát . Mọi chuyện tính đã đời, cuối cùng đều bị bể cả. Đầu tiên là vai bác sĩ tâm thần trong Hồn Trương Ba da hàng thịt, rồi Tiểu Long Nữ Bông trong Đẻ mướn, hay Tư Hàng Bông trong Thập Tự Hoa... vai nào cũng dễ thương cả, bỏ thì uổng lắm nên quyết định nhận luôn.
Mặc dù mang tiếng là vai phụ nhưng những vai diễn trên chẳng dễ xơi chút nào. Mỗi nhân vật một tính cách, một số phận đòi hỏi tôi phải hoá thân sao cho trọn vẹn. Chỉ riêng cái tật nói nhiều và cà lăm của Tiểu Long Nữ đã làm tôi khổ sở khi suốt ngày cứ ngắm mình trong gương để tập nói cà lăm. Nhân vật Tư Hàng Bông thì phải diễn làm sao cho khán giả bật khóc mặc dù kịch bản yêu cầu tôi phải đóng hài để chọc cười mọi người...
Đóng phim cực lắm chẳng sướng gì. Phải nhập viện vì bị kiệt sức. Bất chấp mọi khó khăn, tôi tự nhủ sẽ cố gắng phải diễn thật tốt để không làm khán giả thất vọng.
- Bây giờ kiểm tra lại tài sản của mình, gia tài lớn nhất của chị là gì?
- Đó là Gà con. Có con rồi, tôi dường như chín chắn và đằm thắm hơn nhiều so với trước. Một cảm giác rất lạ mà từ trước đến giờ tôi vẫn chưa có được...
Hôm nay, Gà con "láo" lắm rồi. Mồm to. Khóc to. Chân rất khoẻ, mỗi lần thả vào bể bơi thì đạp um sùm. Điều quan trọng là Gà con cũng cực kỳ thích "tám" như mẹ của nó, phải ê a một lúc mới chịu đi ngủ. Mỗi khi đi diễn xa nhà, nhớ Gà con quá đến mức không ngủ được. Nhớ vô cùng nhưng chẳng dám gần vì sợ Gà con quen hơi mẹ không ngủ được khi không có tôi bên cạnh. Như thế sẽ bị tội cho nó lắm.
Những lúc đi hát khuya, trở về nhà, nhìn Gà con đang say sưa trong giấc ngủ, lòng tôi chợt bừng lên một niềm hạnh phúc không thể nào diễn tả. Tôi tự nhủ rằng "À ơi, ngủ ngoàn Gà con nhe!".
(Theo Sinh Viên Việt Nam)