Hòa Lợi là vựa tôm hùm lớn thứ hai sau Vịnh Hòa ở huyện Sông Cầu. Mặc dù tổng số thiệt hại không lớn bằng Vịnh Hòa, nhưng nếu tính riêng từng hộ dân, có lẽ sự khôi phục làng nghề nuôi tôm hùm ở đây còn khó khăn gấp bội.
Người dân làng Hòa Lợi dường như ai nấy đều trắng tay khi cơn lũ lịch sử đi qua. Giờ đây, cả làng ai nấy chỉ còn biết ngồi bệt xuống bãi cát, ngước mắt nhìn trời từ sáng đến chiều. Tiếng khóc rền rĩ cả một góc đầm Cù Mông.
Người dân Hòa Lợi chỉ còn biết tụm năm tụm bảy nhớ tôm. |
Thật dễ hiểu, khi người dân đặt cược cả gia tài vào con tôm hùm thì sinh mạng của nó cũng gắn liền với sinh mạng con người vậy.
Người dân làng Hòa Lợi kéo đến chật kín nhà văn hóa khi anh Nguyễn Ngọc Khanh, Chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Cảnh thông báo, có phóng viên xuống tìm hiểu tình hình. Anh Khanh buồn rầu giải thích: “Lũ quét qua, tôm chết như rạ mà có thấy đài báo về đưa tin đâu. Người ta quên con tôm hùm rồi thì phải”.
Cái khác giữa Hòa Lợi và Vịnh Hòa ở chỗ là người dân Hòa Lợi dốc hết gia tài, vay mượn ngân hàng, “chơi canh bạc” lớn với ông trời. Lũ đến, có gia đình bị cuốn trôi gần nửa tỷ đồng có gia đình một vài trăm triệu, đó là tất cả vốn liếng của họ.
Anh Trương Văn Quang, người đàn ông xứ biển, vạm vỡ khỏe mạnh là thế, cũng gần như sụp xuống khi phải kể lại nỗi đau tôm chết: “Đau lắm anh ơi, chỉ trong vòng một đêm, lũ cuốn trôi tất cả gia tài. Trước khi trời mưa, bà con đã cẩn thận dìm lồng xuống sâu hơn để tôm ăn nước mặn, ai ngờ trận lũ tai quái này nó cứ lốc lồng lên. Mà tôm hùm thì anh biết rồi đấy, nước ngọt chỉ ngấm độ mươi tiếng đồng hồ là mềm oặt, chết hết cả”.
Theo tính toán của anh Quang, một con tôm sao (tức tôm thịt) trị giá khoảng 400.000 đồng, còn tôm xanh có giá 100.000 đồng một con. Như vậy, 200 con tôm sao và 1.000 tôm xanh bị chết, anh Quang bị thiệt hại trên dưới 200 triệu đồng. “Đêm mùng 5/11, cả 11 lồng tôm chết hàng loạt. Lặn xuống đưa tôm lên, thấy mềm oặt, khóc òa, còn vợ như mất trí”, anh Quang nói. Anh Quang bấm tay tôi: “Cả làng kéo ra đây, nhưng còn thiếu một người, ông Mai bây giờ như người mất trí rồi, chẳng thiết tha ăn uống gì nữa”.
Tôi cùng anh Quang gõ cửa căn nhà ngói ba gian khang trang của ông Huỳnh Xuân Mai, người thiệt hại lớn nhất ở thôn Hòa Lợi. Giống như anh Nguyễn Văn Tuấn ở Vịnh Hòa, ông Mai được coi là “cự phú” nuôi tôm hùm ở bán đảo Cù Mông.
Căn nhà vắng hoe, chỉ còn bà Lê Thị Ngọc (vợ ông Mai) ngồi bần thần trước cửa, ngước đôi mắt vô hồn nhìn khách lạ. Nỗi đau mất tôm khiến người đàn bà này như câm lặng.
Mãi một lúc sau, bà Ngọc mới cất tiếng kể về những ngày lũ oan nghiệt, đã cuốn trôi tất cả gia sản, cuốn trôi cuộc sống của gia đình: “Gia đình tui có 16 lồng tôm thì lũ giết sạch cả 16 lồng. Bây chừ 9 miệng ăn không biết trông chờ vào cái chi đây. Ông ấy thì như người mất trí, cứ ngày ngày lại ra đầm, mân mó lồng tôm. Khổ lắm chú ơi”.
Đầm tôm Cù Mông, gió rít ràn rạt, bóng người đàn ông gầy gò in hằn giữa mênh mang sóng nước. Người đàn ông như hoá đá, cứ đứng lặng lẽ ngó lên trời, tay vẫn mân mê từng chiếc lồng mà chỉ cách đây mấy ngày thôi, nó còn nằm sâu dưới 3m nước mặn Cù Mông, nó chứa ninh ních hàng trăm con tôm mập ú.
Ông Mãi thẫn thờ: “Một con tôm sao của tôi bán đến 500.000 đồng, bởi nó to và béo ngậy. Ở xứ này, chỉ có tôm của tôi bán được giá đó. Đêm 5/11, 16 lồng tôm chết sạch, hơn nửa tỷ đồng trôi ra biển”. Với 16 lồng tôm, ông Mai nuôi 600 con tôm sao, 300 con tôm xanh và một lứa 800 con tôm sao nhỏ đang đến kỳ “vỗ béo”.
Bao giờ những chiếc lồng này nuôi tôm trở lại. |
Trên từng triền cát trắng xoá, người dân tụm năm tụm bảy, chỉ bàn về con tôm. Trước mắt họ, một tương lai u ám đang chờ đợi. Trời tối mịt nhưng trưởng thôn Nguyễn Văn Nhật cùng hàng trăm người dân vẫn phải làm cái công việc chẳng ai muốn làm: Thống kê thiệt hại.
Tờ giấy A4 cứ dài thêm mãi, chi chít những dòng chữ, những con số làm tôi hoa cả mắt. Chỉ đơn giản, 222 hộ trong làng Hòa Lợi, hộ nào cũng mất trắng, hộ nào cũng mất đến vài trăm triệu đồng. Không biết, con tôm hùm chết đi rồi, có biết được nỗi đau của chủ nhân?
Trên con đường dập dềnh qua bán đảo Cù Mông, qua cây cầu gỗ ọp ẹp rợn người, gió thổi vi vút, tiếng anh Nguyễn Ngọc Khanh văng vẳng bên tai: “Đại diện Hội nông dân xã đứng ra vay cho bà con trên 13 tỷ đồng để làm vốn nuôi tôm. Bây giờ tôm chết, hỏi biết làm sao?”.
Về đến trụ sở xã Xuân Cảnh (huyện Sông Cầu), anh Huỳnh Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã, cũng bắt tay tôi: “Tôi chỉ muốn, bên phía ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn người ta khoanh nợ, giảm lãi và kéo giài thời gian trả nợ."
"Người dân ở đây không người nào không vay tiền để nuôi tôm. Ngoài ra, mong lãnh đạo tỉnh, nhà nước có chính sách gì đó để cứu vựa tôm hùm, cũng là cứu dân”.
Gia hạn, giãn nợ và tiếp tục cho dân vay vốn
Hôm 10/11, ông Nguyễn Ninh, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho biết: “Thiệt hại của bà con nuôi tôm hùm sau đợt lũ vừa rồi ở hai xã Xuân Thịnh và Xuân Cảnh là rất lớn. Trước mắt, tôi đã chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT ở địa phương có báo cáo chi tiết, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể về chương trình gia hạn, giãn nợ cho bà con. Còn khoanh nợ hay không, chúng tôi phải chờ chỉ đạo của Chính phủ thì mới dám quyết, vì đó là quy định." Ông Ninh cho biết thêm, thời gian giãn nợ sắp tới là 18 tháng, tương đương với 1 vụ tôm hùm của nhân dân. |
(Theo Tiền Phong)