Bà Hon, người phụ nữ "triệu đô" trên đất Lào. |
Một điều khá thú vị là có khá nhiều phụ nữ trong số những “đại gia” người Việt đang sở hữu những công ty, cửa hàng, khách sạn, trang trại... lớn nhất tại Lào. Nếu như ở Pakse, hai nữ “đại gia” người Việt là bà Lê Thị Lượng, giám đốc công ty Đào Hương và bà Đặng Thị Lý, “người phụ nữ kinh doanh giỏi”, được xem là những người giàu nhất nhì cả xứ Lào. Ở Vientiane, bà Nguyễn Thị Hon, chủ một hệ thống bến xe, xe khách, xưởng đóng xe... cũng sở hữu một tài sản đồ sộ không kém. Họ đều khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, nhưng nhờ chịu thương chịu khó, biết nắm bắt thời cơ mà sau một thời gian trở nên thành đạt.
Quê ở Ninh Bình, sinh ra ở Vientiane, gia đình rất nghèo, từ nhỏ bà Nguyễn Thị Hon đã phải nghỉ học sớm để đi bán rau cải, rồi rửa chén, bán cháo dạo. Những ngày tần tảo ở bến xe, bà Hon phát hiện nhu cầu đi lại giữa các tỉnh của người dân Lào rất cao, nhưng hệ thống xe khách ở Lào những năm sau chiến tranh gần như không có hay đã quá lỗi thời, lạc hậu.
Từ số tiền dành dụm sau gần chục năm bán cháo dạo, bà Hon sang lại với giá rẻ một chiếc xe đò cũ đã hỏng máy không còn sử dụng, rồi tân trang lại để chở khách đi các tỉnh phía bắc. Dần dần, đến năm 1996, bà lập hẳn một công ty xe khách chạy các tuyến bắc - nam và đấu thầu, làm chủ luôn bến xe khách đi các tỉnh phía bắc ở trung tâm thủ đô Vientiane. Đến nay, bà Hon sở hữu gần 50 chiếc xe khách, trong đó hơn phân nửa là loại xe buýt hai tầng hiện đại với tài sản hàng trăm triệu USD, chi phối hệ thống xe khách tại Lào.
Cũng khởi nghiệp từ một gánh bánh bán dạo rồi có chút vốn chuyển sang bán thịt heo, bán phở, bán vải ở chợ..., bà Đặng Thị Lý, gốc Quảng Bình, người được thành phố Pakse bình chọn là “Người phụ nữ kinh doanh giỏi” hiện làm chủ gần 20 căn nhà, xưởng qui mô và trên 40 khách sạn, nhà cho thuê nằm ở mặt tiền các tuyến đường trung tâm Pakse. Bà còn là chủ 10 cửa hàng bán vật liệu xây dựng, đầu mối cung cấp vật liệu xây dựng cho các tỉnh Nam Lào.
Các con gái, con trai của bà hiện cũng đều là chủ các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, các tiệm vàng lớn ở Pakse và Vientiane... Chính những ngày tha phương cực khổ nơi xứ người đã tạo cho bà một ý chí vươn lên và tìm hiểu, nắm bắt được phương thức làm ăn thích hợp để phát triển công việc của mình. Bà Lý đúc kết: “Đất Lào là nơi lý tưởng cho những người có nghị lực vươn lên và biết tính toán làm ăn, nhất là đối với phụ nữ VN. Bởi vì phụ nữ Lào thường chỉ lo chuyện bếp núc, vườn tược, nên phụ nữ xứ mình qua đây có cơ hội để làm ăn, buôn bán”.
Nói đến những phụ nữ Việt thành công ở Lào thì không thể không nhắc đến bà Lê Thị Lượng, người gốc Huế, xuất thân từ một người bán bánh gai, nhưng hiện nay đang kinh doanh, bao tiêu toàn bộ cà phê ở Lào, đưa cà phê sang tiêu thụ ở nhiều nước châu Âu và còn là chủ của ngôi chợ Đào Hương lớn nhất các tỉnh Nam Lào với vốn đầu tư gần 5 triệu USD. Bà Lượng cho biết xí nghiệp chế biến cà phê và khu vực trồng cà phê của bà tại Lào đang giải quyết việc làm cho gần 200 gia đình người Việt, tại khu trồng và sản xuất cà phê có cả trường học, bệnh viện miễn phí để chăm lo gia đình công nhân.
Nhiều thanh niên người Việt thế hệ 7X, 8X hiện nay cũng vươn lên mạnh mẽ không thua các thế hệ đi trước tại Lào. Họ là những người Việt thuộc thế hệ thứ 3, thứ 4 trên đất Lào. Dù phần lớn được sinh ra trên đất Lào nhưng tất cả đều nói tiếng Việt rất sõi như minh chứng của họ về việc luôn hướng về cội nguồn.
Tốt nghiệp kỹ sư tại Đại học Bách khoa Lào với tấm “bằng đỏ” nhưng Nguyễn Khắc Phong lại không đi làm cho các doanh nghiệp hay cơ quan nào mà tự ra riêng làm chủ. Ban đầu Phong hùn hạp với nhóm bạn đồng môn mở một khách sạn ở Vientiane và một tiệm vàng ngay tại chợ Sáng, đồng thời cùng bạn bè đầu tư vào lĩnh vực địa ốc. Chỉ trong vòng năm năm, nhờ “trúng lớn” một số dự án đầu tư nhà đất, đến nay Phong đã sở hữu riêng một khách sạn đồ sộ, một tiệm vàng cùng một số nhà đất ngay tại thủ đô Vientiane.
Tất bật sau một ngày làm việc, phóng xe hơi đến đón chúng tôi ra bờ sông Mekong dùng bữa tối, Phong bảo: “Những người Việt trẻ ở Lào hiện nay đều khá thành đạt và rất năng động không kém gì bạn trẻ trong nước. Nhiều người trong số họ rất nhạy bén làm ăn”.
Còn Lê Văn Luận, 26 tuổi, Việt kiều ở Pakse, du học ngành quản trị kinh doanh ở Anh về, hiện đang là chủ một tập đoàn với hai công ty du lịch, bốn khách sạn và hai doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ, cá biển và hàng nhựa. Ông chủ trẻ này tự hào cho biết chỉ hơn ba năm điều hành kinh doanh, Luận đã phát triển số vốn lên gần gấp đôi và đang chuẩn bị mở thêm một khách sạn ở Savanakhet để đón đầu khách du lịch Việt, Thái khi cầu Hữu Nghị II được khánh thành.
Sinh sống và kinh doanh thành công trên đất khách, song gia đình Luận luôn hướng về quê hương. Luận nói: “Mặc dù sinh ra trên đất Lào nhưng cha mẹ tôi vẫn dạy tôi phải nhớ phong tục, tập quán của người Việt, phải dùng tiếng Việt trong giao tiếp, vì đó là cái gốc của mình”.
(Theo Tuổi Trẻ)