Một góc chợ Bàn Gia Viên ở Bắc Kinh. |
Nổi tiếng với những kỷ vật về cố lãnh tụ Mao Trạch Đông, những đồ vật giá “tầm tầm” chưa hết nước sơn và những đống đồ linh tinh được chở đến từ khắp nơi trong nước, địa điểm bán hàng “xôn” này đã chống lại các nỗ lực của chính quyền thành phố đòi nó phải cải thiện “hình ảnh” của mình.
Vào những buổi sáng cuối tuần, bắt đầu lúc 4h sáng, chợ Bàn Gia Viên tấp nập với việc mua bán các bức tranh “nhái một cách nghệ thuật”, các mặt hàng đồ sứ và đồ đồng. Hơn 3.000 quầy được xếp hàng thẳng tắp bán đủ mọi thứ từ vòng ngọc bích đến những chiếc rương Tây Tạng đủ màu sắc, những văn bài TQ khi xưa, những bích chương về Cách mạng Văn hóa, những bộ ấm tách bằng đá chạm bạc hay sứ. Chính cuộc săn lùng cổ vật, đôi khi có thể tìm thấy trong những đống đồ linh tinh, đã thu hút nhiều người đến đây. Và những ai hăng hái đi chợ này thường ra về với một chiếc bình hoa thời nhà Minh và bức tượng những người hút tẩu thời nhà Thanh. Trong khi các cổ vật thực sự ngày càng hiếm thì số người đến Bàn Gia Viên ngày càng nhiều.
Những người giàu mới của TQ đã gia nhập hàng ngũ người đi sưu tập và người nước ngoài cần mẫn đi rảo quanh các quầy hàng tìm kiếm văn bài hay đồ kim loại quý giá. Những thương nhân là người Tây Tạng hay Mông Cổ mặc trang phục truyền thống lạ mắt của họ nhưng lại đeo đồng hồ bằng vàng nạm ngọc và sử dụng kiểu điện thoại di động mới nhất.
“Có nhiều người TQ đến xem và mua cổ vật hơn so với cách đây 5 năm”, Hồ Xuân Hoa, một phụ nữ đến từ tỉnh Hà Nam cho biết. “Họ không phải là những khách hàng tồi. Họ ưa mặc cả nhưng họ có tiền”.
Những thị trường cổ vật như Bàn Gia Viên chỉ là một số trong nhiều địa điểm nơi tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh nhanh chóng của TQ vung tiền mua các tác phẩm nghệ thuật và cổ vật mà cách đây 20 năm còn bị xem là những tàn tích vô dụng của thời phong kiến. Tại các trung tâm về hàng mỹ thuật như London (Anh Quốc) và New York (Mỹ), các nhà buôn cổ vật ghi nhận một số lượng ngày càng tăng người TQ ra nước ngoài mua những tác phẩm nghệ thuật hay đồ sứ đem trở về TQ. Cơn sốt mua sắm này chủ yếu được thúc đẩy bằng sự hoài niệm về những di sản văn hóa của TQ “chảy” ra nước ngoài những năm trước đây, dù ít người hiểu giá trị thật của chúng.
Yếu tố này, cộng với sự nhận thức về sự ưa chuộng của phương Tây, đã khiến giai cấp trung lưu TQ vung tiền mua những cổ vật đôi khi khó có thể xác định chính xác niên đại.
Một yếu tố khác là nỗ lực đổi hướng đầu tư ra khỏi thị trường bất động sản bong bóng của TQ. Trong khi các ngân hàng TQ có ít nhất 50% khoản vay là nợ khó đòi và ngành địa ốc tăng trưởng quá nóng ở các thành phố lớn, các nhà giàu TQ đang đầu tư vào các bộ sưu tập cá nhân về tác phẩm nghệ thuật và cổ vật. Nhiều người coi đây là nơi cất giữ tiền lý tưởng của họ. Cũng nhóm người này đang tập trung vào các cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật ở Bắc Kinh, tạo ra một sự bùng nổ trong mua bán loại hàng hóa này và đẩy giá của chúng lên cao. Những cuộc đấu giá loại này thu hút không đầy 50 người ở London, nhưng nay thì thu hút đến 500 ở Bắc Kinh, kể cả những người đến chỉ để xem.
Số tiền đổ vào cổ vật đã gia tăng nhanh chóng ở TQ trong 5 năm qua đã khiến các quan chức chính quyền âu lo nó có thể trở thành một bong bóng đầu tư. Năm ngoái, doanh thu cổ vật văn hóa hợp pháp từ các cuộc đấu giá ở TQ đạt 470 triệu USD, cao hơn gấp 3 lần con số tương ứng của năm 2003.