Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa xử phạt ba nhà đầu tư cá nhân ở TP HCM có hành vi tạo ra cung, cầu giả tạo và thao túng giá trên thị trường chứng khoán.
Hai ông Bùi Quang Thành (quận Phú Nhuận) và Huỳnh Thanh Minh ở quận Tân Phú, bị phạt tổng cộng 160 triệu đồng vì đã thông đồng trong giao dịch chứng chỉ quỹ VF1 nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo và cấu kết với nhau liên tục mua bán chứng chỉ này để thao túng giá.
Ông Hoàng Đức Long, chánh thanh tra Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cho biết, hai nhà đầu tư này đã giao dịch theo phương thức khớp lệnh với khối lượng cực lớn, chiếm tỷ trọng gần một nửa giao dịch toàn thị trường đối với chứng chỉ quỹ VF1 trong mỗi phiên.
Các giao dịch này được thực hiện bắt đầu vào thời điểm cuối tháng 5, khi Công ty quản lý quỹ VFM điều chỉnh giá phát hành xoành xoạch và bị nhiều nhà đầu tư phản ứng. Vì thế, giao dịch khối lượng lớn của ông Thành và ông Minh bị nghi ngờ có ảnh hưởng nhất định đối với các thay đổi về giá của VF1 trong thời gian này.
Giao dịch... một người
Công ty chứng khoán SSI, nơi ông Thành mở tài khoản, cho biết ông là một trong những khách hàng VIP của SSI, thường xuyên giao dịch nhiều cổ phiếu với khối lượng lớn. Chính vì thế, khi ông Thành liên tục đặt lệnh giao dịch đối với chứng chỉ VF1, SSI chỉ kiểm tra số lượng chứng khoán hiện có cũng như số tiền còn lại trong tài khoản theo quy định.
"Chúng tôi không thể ngăn lệnh lại nếu khách hàng đáp ứng được các yêu cầu này”, một đại diện của SSI cho biết. Mọi giao dịch đều được thực hiện thông qua tài khoản của ông Thành tại SSI và tài khoản của ông Minh tại Công ty chứng khoán Thăng Long. Tuy nhiên, các giao dịch này được nhận định chỉ do ông Thành thực hiện vì tài khoản tại Thăng Long ông Minh đã ủy quyền giao dịch cho ông Thành.
Ông Hoàng Đức Long cho biết, theo quy định hiện hành, nếu phát hiện hành vi thao túng thị trường, Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ thu hồi toàn bộ số tiền chênh lệch phát sinh từ các giao dịch này. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc thu hồi đã không xảy ra vì sau gần ba tuần giao dịch, số lỗ của ông Thành và ông Minh được ghi nhận lên gần 1 tỷ đồng. Thao túng nhưng lại bị... lỗ!?
Xảy ra như cơm bữa
Cách đây vài tuần, chánh thanh tra Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng đã xử phạt đối với bà Nguyễn Diễm Phương Khanh (quận 3) về hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Vụ việc này có liên quan đến Công ty Chứng khoán SBS vì công ty này mở tài khoản giao dịch cho bà Khanh và Công ty cổ phần đầu tư - xây dựng Lili mà bà Khanh là cổ đông sáng lập.
Theo ông Nguyễn Hồ Nam - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SBS, giao dịch của bà Khanh với Lili là “tình ngay lý gian”. Khi biết bà Khanh muốn góp vốn vào Lili bằng cổ phiếu, phía SBS đã “tư vấn” hai bên nên giao dịch thỏa thuận để hợp thức hóa việc chuyển quyền sở hữu mà vẫn không làm ảnh hưởng đến giá thị trường của các loại cổ phiếu này (hơn 3 triệu cổ phiếu bao gồm nhiều mã). Như vậy, bà Khanh bán cổ phiếu cho Lili nhưng không lấy tiền vì toàn bộ số cổ phiếu này chính là phần vốn góp của bà để thành lập Công ty Lili.
Hành vi giao dịch này bị đưa vào “tầm ngắm” và bị xử phạt vì Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho rằng bà Khanh đã tạo ra cung, cầu giả tạo. Tức thực chất chẳng có vụ mua bán, thanh toán nào diễn ra trên thực tế cả.
Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cần có một cơ chế công bố công khai chi tiết các trường hợp vi phạm, tránh cho nhà đầu tư cũng như dư luận có những suy diễn bất lợi cho thị trường. “Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã có những quy định yêu cầu tất cả đối tượng tham gia thị trường, đặc biệt là các công ty niêm yết, phải công khai, minh bạch các thông tin. Do đó, bản thân ủy ban cũng cần thực thi nghiêm quy định này”, ông Nam nhấn mạnh.
Một chuyên gia tài chính cũng cho rằng thông lệ quốc tế đối với các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, đặc biệt với các vụ thao túng giá, đều được công khai rõ ràng, minh bạch chứ không úp úp mở mở như cách Ủy ban công bố hiện nay. Bởi lẽ đã có nhiều lời đồn đoán rằng các vụ này được phát hiện là do khiếu kiện.
Anh Huỳnh Đức Hoàng, nhà đầu tư tại sàn ACBS bức xúc: “Các giao dịch làm giá xảy ra như cơm bữa trên thị trường. Những nhà đầu tư có kinh nghiệm đều có thể dễ dàng nhận dạng được. Không kể những cổ phiếu “nóng”, một số cổ phiếu khác cũng thỉnh thoảng xuất hiện hiện tượng rớt sàn hay đụng trần một cách bất thường ở các phiên giao dịch”.
Theo anh, khi muốn bán loại cổ phiếu nào đó với giá trần, một đại gia chỉ cần đặt một lệnh mua giá trần với khối lượng khá lớn, nhưng sau đó hủy lệnh. Các nhà đầu tư khác trên sàn sẽ “sập bẫy” khi đại gia này dùng tài khoản khác để bán ra cổ phiếu này. Ngược lại, khi muốn mua cổ phiếu nào đó với giá sàn, các đại gia chỉ cần đặt lệnh bán cổ phiếu này ở giá sàn với khối lượng lớn, có thể đưa lệnh vào cuối phiên hay hủy lệnh, đồng thời dùng tài khoản khác để mua vào.
“Thời gian qua, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM đã xử lý khá nhiều trường hợp nhân viên công ty chứng khoán vi phạm việc hủy lệnh trong cùng một phiên giao dịch. Trong những vụ vi phạm này, chắc chắn có sự tiếp tay của nhân viên công ty chứng khoán để các đại gia làm giá...”, anh Hoàng khẳng định.
(Theo Tuổi Trẻ)