Hôm nay, nhóm Yamaha quần anh tụ hội ở nhà hàng T.M ở quận Thủ Đức. Căn phòng máy lạnh mù khói thuốc lá, bốn người đàn ông đều đã say mèm, trên bàn lăn lóc lon bia Heineken và ba chai ''ông già leo núi'' đã cạn hơn quá nửa. Các em tiếp viên khá trẻ, quần áo xộc xệch, thấy khách mới vào làm bộ vội vàng cài lại khuy áo...
Một ông trạc chừng trên dưới 60 tuổi, mặc áo thun ba lỗ, quần xà lỏn, chân mang... dép Lào, chân tay còn đóng phèn, nứt nẻ, bảo: ''Cứ ăn nhậu thoải mái đi. Bao nhiêu tiền tụi này cũng thừa sức trả...".
Hoàng, tay môi giới đất cho mấy đại gia hai lúa này giới thiệu đó là ông T.V.N, nhà ở phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 (TP HCM), một nông dân thứ thiệt, bốn đời gắn bó với mảnh vườn, thửa ruộng. Được thừa kế mẫu đất gia tộc, ông bán tất, chỉ chừa lại 200 m2 đất để xây tòa nhà 3 tầng, còn lại trong tay gần 4 tỷ đồng. Sau khi chia chác cho con cái, ông vẫn còn rủng rỉnh gần 2 tỷ để ''vi vu'' đây đó. Mỗi sáng ông đóng đô ở các quán cà phê đầu ngõ để làm mỗi việc là khoe với thiên hạ căn nhà trị giá 3 tỷ đồng của mình và đợi đến xế chiều là đi nhậu.
Lai rai thêm khoảng hơn một tiếng, cả nhóm rủ nhau đi massage bên Lái Thiêu, Bình Dương. Lão nông H.V.B., nhà ở phường Tăng Nhơn Phú A cũng thuộc quận 9, đề nghị: ''Tụi bây kéo về nhà trọ của tao đi, mặc sức lựa chọn mấy em công nhân xa nhà muốn cải thiện đời sống...''. Thì ra ông B. có một thú ''giải trí'' khá độc đáo và rất... tiện lợi. Sau khi bán đất, ông đùn vợ về ở với cậu con trai lớn, còn ông xây một dãy nhà trọ nói là ''để làm ăn''. Phòng nào thiếu tiền thuê hai tháng trở lên, ông bắt người thiếu tiền phải trả bằng ''vốn tự có''. Kết quả là sau một năm ''kinh doanh'' nhà trọ, ông B. chẳng thu được thêm đồng nào mà phải chi gần cả 100 triệu đồng tiền bán đất để giải quyết "hậu quả'' mà mình gây ra cho ba cô gái thuê phòng.
Cả nhóm phải gửi xe lại quán, thuê taxi đi đến nhà ông B. vì cả 3 tỷ phú nông dân này đều không biết chạy xe gắn máy! Đến nơi, ông B. lại đổi ý, dắt cô bồ nhí 18 tuổi quê ở Bạc Liêu theo, rủ chúng tôi đi... khiêu vũ tại một quán ăn sân vườn bên quận 9. Sàn mà ông B. dẫn đến vừa nhỏ vừa chật chội, nhạc disco đập đinh tai. Mỗi lão nông ôm một cô bồ nhí nhảy loạn xạ, chân này đạp lên chân kia trước sự kinh ngạc của dân chơi trẻ...
Anh Huỳnh Quang, chủ nhà hàng Bích Lan, nằm trên Quốc lộ 22 có lần khẳng định: dân chơi Yamaha hiện nay là khách hàng chủ yếu của các quán nhậu, nhà hàng, quán bar vùng ven...
Ông Sáu, một ''đại gia'' ở quận 7, người vừa nhận 3 tỷ đồng từ tiền đền bù giải tỏa, hùng hồn: ''Quần áo kiểu cách làm gì cho nó... nóng! Quan trọng là có tiền đầy túi được rồi... Muốn ''đồ chơi'' hiện đại hả, tui đâu thiếu thứ gì''... Ông ta kể với phóng viên báo Công An TP HCM mới tuần rồi mướn taxi đi... Đà Lạt với cô bồ nhí tốn gần 30 triệu đồng và rút ra khoe nào là thẻ hiệu ACB card, thẻ massage... và cả thẻ hội viên CLB tennis; mặc dù sau đó chính ông thú nhận chẳng biết xài cũng chẳng biết chơi nhưng "có cho sang". Tuần trước, trong một bữa nhậu cao hứng, ông Sáu và một người bạn đã đặt 200 m2 đất vào ván cá độ bóng đá. Kết quả là 200 m2 đất mặt tiền đường Huỳnh Tấn Phát của ông Sáu đã trở thành của người khác một cách nhẹ nhàng...
Một dân Yamaha khác hơn nửa đời người sống bằng nghề đạp xích lô. Cách đây một năm, ông bán 500 m2 đất được hơn một tỷ đồng. Ông sắm một chiếc Dream, một dàn máy nghe nhạc, một chiếc điện thoại di động Nokia đời mới nhất..., còn lại để dành nhậu ngày hai cữ sáng - chiều. Thú vui của ông là mỗi chiều sau khi nhậu xong tăng một, ông thảy lên xe xích lô một thùng bia Heineken rồi nằm khểnh cho mấy đứa nhỏ trong xóm đẩy xe về phía sông Sài Gòn - Rạch Tra. Đến đây, ông vừa nhậu vừa lấy dây thun buộc tờ năm chục ngàn vào lon bia rồi thảy tõm xuống sông cho bọn trẻ lặn ngụp mò. Đứa nào mò được thì vừa được uống, vừa có năm chục ngàn; còn ông thì cười hô hố một cách khoái trá...
"Cò" Hoàng đưa tôi đến thăm lại lão nông T.V.N., hiện đang sửa xe đạp tại khu vực ngã tư Thủ Đức. Tiêu xài tiền bán đất được hơn một năm, ông N. bị cô bồ nhí lừa lấy mất gần 500 triệu đồng còn lại. Chuyện vỡ lở, bà vợ kiên quyết ly dị dù cả hai đã “thất thập cổ lai hy''. Con cái không thèm nhìn, ông N. đành kiếm một bộ đồ nghề sửa xe đạp ra để mưu sinh hằng ngày. Gặp chúng tôi, ông thở dài, ngượng ngùng quay mặt đi nơi khác...
Còn ông N.V.M., cạnh nhà tôi cũng đã trở lại đạp xích lô sau những ngày liên tục đắm mình trong bia rượu, tiền bán đất cứ âm thần ''đội nón'' ra đi. Cách đây ba ngày, gia đình đợi mãi không thấy ông về nhà. Ra bờ sông Rạch Tra, đoạn gần cầu Bình Phước để kiếm thì con trai ông phát hiện ông đã đột tử trên chiếc xích lô trong một cơn say mèm với chai rượu đế rẻ tiền...