*Ảnh: Lò gốm dát vàng của Hải 'đồ cổ' |
Nổi tiếng đất cảng với biệt danh Hải "Đồ cổ", ông Bùi Xuân Hải một thời được mệnh danh là người giàu nhất Hải Phòng khi sở hữu tới gần 3 tấn vàng. Nhưng giờ đây, ông cho hay đã thành "chúa chổm" và có thể ngày nào đó phải ra đường vì không còn nhà. "Cuộc đời đôi khi rất bạc bẽo và tôi là một điển hình", ông trải lòng.
Hải "Đồ cổ" bén duyên với nghề gốm từ 15 tuổi khi đọc bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi học sinh với lời dặn dò bất hủ: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".
Hải "đồ cổ" luôn diện bộ vest trắng. Ảnh: Lê Hiếu. |
Từ đó, ông chọn cho mình nghề gốm để phát triển sự nghiệp, sau khi đã kinh qua nhiều nghề như chăn nuôi, kinh doanh phế liệu, đồ cổ, đá quý. Nhờ nghề gốm, Hải "Đồ cổ" làm ăn ngày càng phát đạt. Ông kể, những năm 90 của thế kỷ trước, khi nhắc tới Hải "Đồ cổ", ở Hải Phòng không ai là không biết bởi thời đó ông đã sở hữu tới gần... 3 tấn vàng.
Năm 1986, ông còn sở hữu lò gốm ở Giáp Bát (Hà Nội) nhằm phục vụ chính sách hướng nghiệp phát triển cho học sinh thời kỳ đó. Khu xưởng rất rộng và luôn có tới hàng trăm học sinh theo học. "Hồi đó tôi còn mơ biến đó thành một khu xưởng lớn, giúp đỡ nhiều người, nhưng vì nhiều lý do ước muốn đó đã không thành hiện thực", Hải "Đồ cổ" phân trần.
Qua nhiều lần ra tù vào tội vì những lý do mà theo ông "rất lãng xẹt", Hải "Đồ cổ" trắng tay. Giờ đây, gia sản của ông chỉ còn là khu đất hoang rộng chừng một hecta mà ông đấu tranh mãi mới giữ lại được. Cùng với đó là xưởng sản xuất gốm sứ còm cõi, hoạt động cầm chừng vì không có vốn.
Sản phẩm gốm do ông nung rất tinh xảo. Ảnh: Lê Hiếu. |
Vừa qua, Nhà nước giới thiệu chương trình "tiết kiệm năng lượng" cho các cơ sở sản xuất gốm sứ nhưng ông cũng chẳng thể cải tiến xưởng gốm cũ kỹ của mình bởi không thể vay tiền ngân hàng do thủ tục phức tạp. "Vậy nên muốn đầu tư phát triển xưởng gốm đành chịu", ông Hải tâm sự.
Nhiều lần sang Trung Quốc, ông lân la hỏi chuyện hướng dẫn viên du lịch ở Quảng Châu về việc tại sao các sản phẩm gốm sứ nước này có họa tiết rất thô sơ, vẽ chủ yếu bằng cách dán đề can, thì nhận được câu trả lời rằng đây là do thói quen sản xuất công nghiệp, không mất nhiều thời gian. Và ông nhận ra rằng, đó là điểm yếu của gốm sứ Trung Quốc, nhưng là điểm mạnh của gốm sứ Việt Nam.
Điều đó càng thôi thúc ông dốc sức phát triển các sản phẩm gốm sứ cao cấp vẽ thủ công. Hiện, xưởng gốm của ông chủ yếu làm sứ cao cấp được vẽ hoa văn bằng vàng ròng 9999. "Đồ gốm tôi sản xuất ăn đứt đồ của Trung Quốc, bởi 100% là do thợ vẽ thủ công. Những bộ ấm chén mạ vàng dùng đến gần chục năm mà vẫn sáng loáng như mới...", Hải "Đồ cổ" quả quyết.
Hải "đồ cổ" quả quyết: "Gốm dát vàng của tôi là loại xịn, vàng ròng 9999 hẳn hoi". Ảnh: Lê Hiếu. |
Quy trình làm gốm của Hải "Đồ cổ" khá đơn giản. Đất được mua ở Hải Dương, Bát Tràng và thi thoảng nhập từ nước ngoài. Sau khi phân loại đất, thợ sẽ tạo hình ấm chén, bát đĩa rồi chạm trổ, đưa vào sơ nung và tráng men. Nếu làm ra hàng trắng, hàng bạch định thì vẽ toàn vàng, còn không thì vẽ sứ hoàn kim, vẽ xanh trắng rồi nung ở 1.300 độ để gốm tự động lên màu.
Còn với gốm dát vàng, sau khi tạo hình bát đĩa, nhúng men thì vẽ vàng và nung 800 độ. Ông Hải cho hay, thông thường gốm vẽ vàng có tuổi thọ 8 năm mới bị nhạt màu.
Ở tuổi ngoài 70, nhưng ông Hải vẫn say mê với nghề. Hàng năm, ông đào tạo nghề miễn phí cho hàng trăm người và mỗi tháng nhận lương 1,5 triệu đồng. Tiêu chí tiếp nhận những người đến xưởng học nghề của ông cũng rất đặc biệt, không phân biệt dân tộc, tuổi tác, ngôn ngữ, quốc gia, trình độ văn hóa và ông nhận cả người tàn tật. 50 người câm điếc, tàn tật đã được ông đào tạo thành nghề, nhiều người đã thành nghệ nhân.
Sau nửa thế kỷ kinh doanh và nghiên cứu về gốm vẽ vàng, điều ông Hải "Đồ cổ" tự hào nhất là đã "vàng hóa" sứ để đưa vào dân dụng và kiến trúc. Ông đã đưa vàng vào vòm trần và phòng khách của hai đại gia ở Hà Nội. Và Hải "Đồ cổ" vẫn ước ao một ngày không xa sẽ "vàng hóa" các cung điện ở Hy Lạp hay các nước Ả Rập.
Lê Hiếu