Suốt một thời gian dài, để ý thấy Thảo, cô con gái đang học lớp 7 của mình lúc nào cũng rủng rỉnh tiền và tự mua sắm cho mình được khá nhiều thứ, từ dụng cụ học tập đến sách vở nhưng lại không hề mè nheo xin thêm tiền bố mẹ, chị Lê Thanh Ngọc gặng hỏi mãi con mới thú nhận đó là số tiền nó được bạn học cùng lớp “trả công” vì đã giúp bạn làm bài.
Vốn là học sinh giỏi, Thảo được giáo viên xếp ngồi giữa hai bạn có học lực trung bình để nhắc nhở, động viên các bạn. Không bỏ lỡ thời cơ, Thảo được các bạn gợi ý một thỏa thuận "đôi bên cùng có lợi". Những lúc làm bài kiểm tra, Thảo cho bạn chép bài, đổi lại, với những điểm 9, 10, Thảo được mỗi bạn "thưởng" 20.000 đồng; điểm 7, 8 từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng. Từ đó, Thảo thì rủng rỉnh tiền trong túi, còn hai bạn cùng bàn thì sức học có "tiến bộ" trông thấy và nhanh chóng lọt vào danh sách top những học sinh khá giỏi của lớp.
Sau giờ học, đang trên đường về nhà, Vũ học sinh lớp 9 ở quận Bình Thạnh vô cớ bị ba học sinh khác chặn đường kiếm chuyện gây gổ và đánh em tím bầm mắt trái. Hôm sau đi học, nhận diện được các bạn đã chặn đường đánh mình đều là học sinh khối 8 cùng trường, Vũ vào mách giám thị. Khi được mời xuống văn phòng, Phú, Hưng và Tuấn thú nhận đã đánh Vũ theo lời "đặt hàng" của Minh, bạn học cùng lớp chứ không hề có xích mích gì với Vũ trước đó.
Theo lời cả ba, Minh vốn là con của một giám đốc công ty TNHH, nhà rất giàu, thường xuyên được ba mẹ cho rất nhiều tiền khi đi học. Minh lại tỏ ra khá hào phóng với bạn bè, thường xuyên bao bạn bè đi ăn uống, chơi trò chơi điện tử... thậm chí lần Phú bị mất tiền đóng học phí, Minh còn tặng bạn luôn số tiền đó. Do vậy, khi Minh có ý muốn đánh Vũ, các em sẵn sàng thực hiện mà không cần hỏi lý do vì sợ Minh "giận"!
Không chỉ biết sử dụng đồng tiền sai khiến bạn bè đồng trang lứa, không ít học sinh ở lứa tuổi THCS hiện nay còn có khả năng sử dụng đồng tiền để sai khiến người lớn. Anh Võ Văn Sáu, hành nghề chạy xe ôm có bến đỗ gần một trường THCS trên địa bàn quận Tân Bình kể một chuyện như đùa nhưng lại khiến không ít bậc phụ huynh phải giật mình.
Theo Phụ Nữ, việc học sinh nhờ những người lái xe ôm, bán cà phê... vào họp phụ huynh với cương vị là cô, chú, cậu, dì... với giá 10.000 đồng, 20.000 đồng/buổi họp giờ đã "xưa", bởi "chiêu" này đã bị nhà trường phát hiện. Để đối phó, các em lại nghĩ ra cách "tinh vi" hơn. Dẫu còn rất bé, các em đã biết "chọn mặt gửi vàng", tìm những bác tài xe ôm có vẻ ngoài "sáng láng" hơn rồi mang cà-vạt, thậm chí mang cả áo quần của ba mình đến cho họ "đóng bộ", cải trang thành "ba"... Dĩ nhiên, yêu cầu cao nên chi phí cũng cao hơn, các em sẵn sàng chi đến 50.000 đồng cho một "ca" cải trang như thế.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Khoa Tâm lý học ĐH Sư phạm TP HCM, việc phụ huynh cho con nhiều tiền để tiêu xài khi trẻ vẫn đang còn là học sinh THCS, thậm chí cả ở bậc tiểu học, đang có chiều hướng ngày một gia tăng. Khi các bậc cha mẹ lại nghĩ rằng dùng tiền để bù đắp những thiếu thốn về tinh thần và thể hiện sự quan tâm và tình yêu của mình đối với con cái.
Chị Hồng nói: 'Theo tôi, việc cho con nhiều hay ít tiền không quan trọng mà quan trọng là phải biết cách định hướng cho con sử dụng đồng tiền một cách hợp lý đồng thời khéo léo kiểm soát mọi khoản chi tiêu, giải thích cho con hiểu và biết quý trọng giá trị của đồng tiền. Thực tế, nhiều gia đình đã làm tốt việc này. Đã có nhiều em nhỏ tham gia cộng tác xã hội, góp tiền làm từ thiện với số tiền hàng triệu đồng từ số tiền tiết kiệm của chính mình".
Bà Lâm Thị Diệp, chuyên viên tư vấn học đường, cho biết: “Thói quen tiêu xài lớn có ảnh hưởng rất mạnh đến tâm lý học sinh. Trong khi các em "khó khăn" cảm thấy tủi thân, thua kém bạn bè thì các em "nhiều tiền" lại tỏ ra là người ban ơn, bắt bạn bè phải làm theo ý mình khi hào phóng bỏ tiền ra bao bạn ăn uống, tiêu xài và từ đó cũng đã manh nha hình thành tư tưởng trở thành "đại ca sân trường"".
Cảnh báo về tương lai của một lớp trẻ đã có khả năng sử dụng "quyền lực" từ đồng tiền ngay trên ghế nhà trường, thạc sĩ Bích Hồng tỏ ra khá bức xúc: "Thật đánh ngạc nhiên với một lớp thanh niên tương lai chỉ hoàn toàn lệ thuộc vào đồng tiền, sử dụng đồng tiền như một phương tiện để sai khiến người khác và quy đổi mọi giá trị vào đồng tiền. Không nhất thiết phải cắt giảm số tiền cho con hàng tuần, hàng tháng nhưng cha mẹ cần phải thay đổi cách cung cấp tiền cho con. Phải bàn bạc với con cách sử dụng đồng tiền hợp lý, có ích và cần nhất là phải chứng minh được nguồn gốc lương thiện của đồng tiền kiếm được trong gia đình. Hơn ai hết, cha mẹ phải làm gương cho con trong việc chi tiêu chừng mực, hợp lý khuyến khích trẻ biết tiết kiệm và phải thay đổi quan niệm về cuộc sống, đừng đặt giá trị vật chất lên trên mọi giá trị khác trong cuộc sống".