17h, có mặt tại thị trấn Mộc Hóa (huyện Mộc Hóa). Theo anh bạn thổ địa thì ở đây và khu vực lân cận có trên 30 quán “ôm” đóng đô. Sau khi rảo quanh một vòng, quyết định chọn quán bốn số chín, nằm cách tòa án huyện khoảng vài bước chân, làm mũi “đột kích” đầu tiên. Nếu nhìn từ ngoài vào, quán này chẳng có dấu hiệu gì đặc biệt.
Tấm bảng hiệu “9999” treo trước cửa nhà giống như những tấm bảng hiệu thông thường của nhiều hàng quán khác. Nhưng khi chiếc xe gắn máy của khách hàng dừng lại trước quán thì “hình hài” của một quán bia ôm bắt đầu xuất hiện.
Hai cô tiếp viên ăn mặc theo kiểu “nhậu khỏi tốn mồi” từ trong nhà bước ra, õng ẹo mời chào như gặp người quen: “Dữ hôn, bữa nay mới thấy. Anh đi đâu mà lặn mất tăm vậy?”. Rất “chuyên nghiệp”, các cô miệng thì nói, tay liền kéo khách vào một căn phòng ở cuối quán.
Sau khi cho khách yên vị trên bộ ghế salon cũ mèm cáu bẩn, một trong hai cô tiếp tục niềm nở:“Anh dùng tay quơ (Tiger), ken (Heineken) hay Sài Gòn?”. Hỏi vậy chứ khách chưa kịp mở miệng thì cô nàng đã quyết định luôn “tay quơ nhe”, rồi vừa cười vừa mở cửa bước ra ngoài khiêng két bia vào (hình như đã được để sẵn ngay trước cửa).
Tiếp đến, câu hỏi “các anh dùng món chi” cũng được thốt ra với tiết tấu chậm rãi trong khi tay của cô thì khui bia “bụp, bụp” rót chảy tràn ly. Mấy cái khăn ướp lạnh được xé bọc; gói hạt điều, mít sấy, khô bò để sẵn trên bàn cũng được xé ra. Trong nháy mắt, bia, mồi và các “em” đã được bày ra, chỉ chờ các anh “xơi”.
Sau vài đợt bia, thấy khách không “mò cua bắt ốc”, cô tiếp viên ngồi cuối bàn rót bia rồi tự ái đứng lên vẻ hờn mát: “Nếu mấy anh không thích thì tụi em ra, kêu đứa khác vào”. Khi bảo không có gì, cứ ngồi đi. Cô ngồi phịch xuống ghế, mặt cau có nhưng lại giọng bỡn cợt: “Dám đi uống bia ôm mà không dám bóp, ông chết đi cho rồi”.
Nói xong, cô nàng một tay nhéo vào vai tôi, tay kia bưng ly bia, ực một hơi cạn sạch trước sự ngỡ ngàng của anh bạn đi chung. Thấy thế, cô tiếp viên ngồi gần đó cười ha hả rồi một tay ôm ghì anh vào lòng, hôn chùn chụt, tay kia cầm ly bia giơ lên “Dzô đi, ông xã, nhậu phải “lết bánh”, chơi phải “hết cảnh”.
Sau một chầu “ôm”, hai ông bạn mới kết giao trong quán bia (một người tự xưng là tiến sĩ, một người là thạc sĩ đang công tác ở một trung tâm nghiên cứu giống đóng trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng) mời tôi đến quán Mỹ Duyên (ven quốc lộ 62, thuộc ấp Cái Cát, xã Tuyên Thạnh, huyện Mộc Hóa, cách thị trấn Mộc Hóa chỉ vài trăm mét) để đãi một chầu karaoke.
Lúc này trời đã tối, nhà dân ở dọc theo hai bên đường gần như đã đóng cửa. Chỉ riêng những quán bia, karaoke, cà phê là vẫn náo nhiệt với tiếng nhạc xập xình, ánh đèn nhấp nháy, sáng rực trước mỗi quán. Quán Mỹ Duyên cũng thế. Ánh đèn điện rực sáng từ cửa vào đến bên trong, như mời gọi.
Biết khách đến hát karaoke, chủ quán (một phụ nữ tuổi khoảng ngoài 40, người đẫy đà) đưa lên lầu, ấn vào một phòng rộng khoảng chừng hơn 10m2.
Điệp khúc ở đây cũng thế. Chỉ trong nháy mắt thì mồi màng, bia bọt, khăn lạnh và các “em” đã được bày ra, chỉ có khác là thêm dàn karaoke với chất lượng âm thanh thuộc dạng ngỗng đực. Lúc đầu, có lẽ hai ông bạn mới còn ngại, nhưng sau quen dần rồi vô tư ăn uống, hát hò với mấy em (tất nhiên là không quên “thu hồi vốn”). Thỉnh thoảng, hai ông không ăn, không uống, cũng không hát mà dành thời gian để “mò cua bắt ốc”.
Hỏi T., một tiếp viên ngồi cạnh, nếu đội 814 đến kiểm tra thì sao? Cô nói có vẻ chân thật: “Ở đây không sao đâu, tụi em biết trước hết. Họ có ụp bất tử thì tụi em chui cửa thoát hiểm phía sau là xong, còn mấy anh cứ ngồi ở lại hát vô tư”.
Cũng theo T., phòng karaoke này là “chui”, vì quán Mỹ Duyên chỉ đăng ký kinh doanh ăn uống, nhưng lâu nay cũng không có ai kiểm tra.
Rời quán Mỹ Duyên, hai ông bạn rủ đi tiếp vì chưa đủ đô, với lại lâu lâu mới đến Mộc Hóa một lần nên hai ông quyết định đãi tới bến.
Hình như mẫu số chung của các quán bán bia “ôm”, karaoke “ôm” ở đâu cũng vậy. Chỉ cần có khách xuất hiện, bước vào quán là được các “em” chăm sóc tận tình: dìu mấy anh vào phòng, lấy khăn ướp lạnh lau mặt, ép uống bia, rồi vuốt ve mơn trớn (chỉ có khác là “tiền nào của nấy”) nên hầu hết các anh vào đây khó mà buông ra hay từ chối một điều gì, nhất là đối với những anh có “tí máu”.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)