Hòn đá đang tự cháy. |
Một ngày gần đây, những đứa trẻ chăn bò hộc tốc chạy về làng báo tin: Ở suối có đá tự cháy! Ban đầu, người lớn không tin và xem đây là trò đùa của lũ trẻ. Nhưng khi chứng kiến những hòn đá mà bọn trẻ đem từ suối lên lần lượt bốc cháy, dân làng mới kinh ngạc và tin là sự thật.
Sáng ngày 11/10, khi PV Thanh Niên đến tìm hiểu sự việc, ông Ayol, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Bầu, đã vội vã chạy xe về nhà lấy cho xem một hòn đá có màu vàng, to cỡ đầu ngón tay được ông đặt cẩn thận trong một cái chai nhựa đổ đầy nước. Rồi ông lấy hòn đá khỏi chai nước và bỏ trên nền xi măng. Chỉ 5 phút sau, hòn đá khô dần, tan ra và bốc cháy. Khói bốc lên nghi ngút, che kín cả xung quanh. Mọi người ồ lên kinh ngạc.
Ông Ayol cho biết: "Khi nghe mọi người chạy đến trụ sở UBND xã báo tin, mình đã có mặt ngay tại hiện trường và chứng kiến những hòn đá tự cháy khi chúng được mọi người mò dưới suối lên. Chúng lớn cỡ bằng đầu ngón tay. Đá chỉ bốc cháy khi được đưa lên khỏi mặt nước, để khô khoảng 5 phút, còn khi nằm trong nước chẳng có gì xảy ra!".
Ông Ayol thốt lên: "Giàng ơi! Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ mình mới thấy hiện tượng này". Ông cho biết thêm rằng trong những ngày qua, khi nghe tin này, hàng trăm người trong xã và vùng lân cận đã đổ xô tới đây, đem theo bao nilon, chai lọ. Họ đến xem và tranh nhau nhặt những mẩu đá này về nhà. Nhiều người ngồi quây lại trầm trồ khi thấy đá cháy. Một vài em nhỏ vì nghịch đá đã bị bỏng tay, cháy áo quần khi để đá trong túi áo, cầm trên tay.
Hmơt, một người dân làng Dhot, xã Đăk Sơmei, cách nơi có "đá cháy" khoảng 6 km nói với giọng phấn khích: "Khi hay tin này, trong làng như có hội. Ai có xe đi xe, nhà ai có xe công nông thì cả nhà trèo lên mà đi. Nhà ai không có xe thì chạy bộ. Ngay cả những người già yếu trong làng khi biết tin cũng bắt con cháu chở tới xem cho bằng được. Họ đến đây xem viên "đá nhẹ", tên mà dân làng đặt cho những viên đá tự cháy vì chúng nhẹ hơn đá xanh.
Dân các làng xa như làng Nú, làng Dơng Ngol, làng Weh cũng kéo đến xem và nhặt đá về nhà hay ngồi tại chỗ xem đá cháy. Họ đến nhặt nhiều nên đá ở đây đã hết viên to, chỉ còn viên nhỏ thôi". "Viên to chắc nằm ở ruộng lúa hay trên suối rồi. Nhiều người đã lội ra cả ruộng lúa để tìm đá. Khi đá bốc cháy có người sợ hãi, hoảng loạn kêu ầm lên rồi bỏ chạy" - một người dân trong làng nói.
Dòng suối này bắt nguồn từ núi Chư Đăng Ya (huyện Chư Păh). Thời gian gần đây, lượng nước đổ về ít nên vợ chồng anh Nar, chị Tuil đã tiến hành trồng lúa nước trên suối Ia Teng. Lượng nước dư của suối khi chảy qua ruộng lúa đã tràn ra đường. Anh Nar nói: "Khi mình cày ruộng đã thấy chúng nhưng mình không để ý vì chúng cũng như những viên đá bình thường. Vào mùa mưa, nước tràn qua đường. Những viên đá này đã bị nước cuốn từ ruộng lúa ra đường. Khi nước cạn, đường khô, đá nhô lên và tự cháy".
Trong những ngày qua, người dân xã Hà Bầu cũng như các xã lân cận đang thắc mắc về hiện tượng này. Người thì bảo đây chỉ là một hiện tượng khoa học bình thường, người bảo đó là ma quỷ hiện hình để hại dân làng. Và thực tế, nhiều người bị bỏng vì cầm đá trên tay. Có những đứa trẻ trữ sẵn cả chục viên đá nghịch chơi. Nguy cơ xảy ra hỏa hoạn ở đây rất cao khi những hòn đá kia cứ lần lượt thay vì ở ngoài suối đã hiện hữu ở trong nhà dân.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Khánh Hưng, giảng viên khoa Hóa ĐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh: "Chỉ cần thu mẫu mang về phân tích thì sẽ biết hiện tượng này là do cái gì gây ra. Nếu là phốt pho thì khi ngâm viên đá vào nước sẽ tạo ra axit nhưng axit này không độc vì ngay trong nước giải khát cũng có chất này. Những người dân xung quanh sử dụng nước suối này nếu không bị bệnh gì hoặc cá sống ở nguồn suối này không chết thì chứng tỏ không có chất độc hoặc nếu có cũng không gây hại cấp thời. Về việc đá này nhẹ hơn đá thường thì cần phải xem xét cấu trúc như thế nào mới khẳng định được. Cần phải tìm hiểu kỹ hơn một số thông tin xung quanh hiện tượng này như: Khi chưa cháy viên đá có màu gì? Cháy xong có màu gì? Khi ngâm vào nước có rã không?". |