Ngỏ ý muốn làm quen với vài “cửu” hàng lậu, Minh (một tay áp tải hàng lậu sừng sỏ giờ đã giải nghệ) viết vài dòng nguệch ngoạc rồi bảo đi tìm Dũng “Rô” ở xóm liều 06, cạnh chợ Đồng Đăng. Lần tìm mãi, mới đến được con đường lầy lội, trơn trượt dẫn vào xóm liều 06.
Thấy người lạ, những ánh mắt từ sau tấm liếp quét ra như máy dò mìn, còn mấy “chim lợn” thì lượn lờ đầu đường mòn. Đang ngó nghiêng tìm, thì bị một bàn tay cứng như thép túm lấy vai.
Gã thanh niên đầu húi cua, mặt chằng chịt sẹo đưa tay hỏi: “Ông là bạn Minh “Bò” hả? Ông anh liều đấy, người lạ vào đây lơ ngơ nếu không ăn dao, ăn gạch cũng ăn xi-lanh (kim tiêm) nhuốm máu của mấy thằng “ếch nhái”. Nói đoạn, Dũng “Rô” kéo vào căn nhà lụp xụp, nằm dưới chân núi.
Chiếc bộ đàm trên thắt lưng Dũng “Rô” bỗng kêu lên rẹt rẹt, các “chim lợn” báo cáo về: “Sao xanh (biên phòng) đã xuất hiện ở Hang Dơi”.
Lát sau lại tiếp: “A lô!128 (Đội chống buôn lậu huyện Cao Lộc) đã khởi động”; “40-15 (trạm liên ngành Dốc Quýt) đã nhổ neo”. Những vết sẹo chằng chịt trên mặt Dũng “Rô” phút chốc cuộn lên, đôi mắt vằn đỏ, nói vào bộ đàm vẻ trầm trọng: “Tẩu tán hàng trở về vị trí!”.
Vài phút sau, tiếng xe Minsk nổ râm ran đầu ngõ, khoảng hai chục “cửu bay” đã tập kết đầy nhà, không thấy có bọc hàng nào. Dũng “Rô” giải thích: “Hàng còn để trên núi, muốn đem xuống phải xé lẻ để ở khắp xóm, nếu dồn vào một chỗ khác gì lạy ông tôi ở bụi này”.
Những tháng giáp hè này, hàng hoá từ Trung Quốc về nhiều nên mức thù lao cao hơn ngày thường. Thị trấn Đồng Đăng là nơi dễ hoạt động buôn lậu nên hầu hết cánh xe Minsk ở biên giới Lạng Sơn đều tập trung về đây.
Từ trên núi, những bao hàng ào ào thả xuống rồi phân tán vào nhà dân. Từ nhà dân, hàng hoá được chất lên xe Minsk cho đội “cửu bay” chở về thị trấn. Chất hàng lên xe xong, nổ máy là “cửu bay” chạy “mát ga” luôn. Tốc độ chạy phải lên đến 80-100 km/giờ, để khi lực lượng chống buôn lậu có phát hiện cũng không kịp trở tay.
“Cửu bay” ở Đồng Đăng gồm có hai loại, loại ngụ cư và loại bản địa. Loại bản địa chủ yếu là người Nùng, Tày ở các bản làng dọc biên giới, nhiều nhất là ở xã Tân Mỹ. Thôn Cốc Nam và xóm 05, 06, rất nhiều người làm “cửu lậu”, gái vác hàng, trai làm “cửu bay”.
Loại ngụ cư thường là dân tứ xứ từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… Loại ngụ cư này đông đảo hơn bản địa, họ sống trong những ngôi nhà tạm ở xóm 05, 06, lấy đêm làm ngày, ngày làm đêm, thay nhau làm việc. Ngày thường, khu vực thị trấn Đồng Đăng có khoảng 300 “cửu bay” làm việc.
1h sáng, Dũng “Rô” đưa đi gặp Hoá, một “chim lợn” chuyên nghiệp. Hoá được phân công “săn mồi” đêm trên quốc lộ mới đoạn từ thị trấn Đồng Đăng về thành phố Lạng Sơn, dài 14 km.
Nai nịt gọn gàng, trên tay là chiếc bộ đàm có giá 7 triệu đồng, công suất phát sóng 6-12 km, ăng-ten inox sáng loáng, micrô nhỏ xíu gắn ở cổ áo, Hoá nhảy lên xe.
Chiếc Minsk lướt đi trong đêm biên ải mưa rơi rả rích, gió lạnh thấu xương. Hoá bảo, đoạn đường này tốn nhiều “chim lợn” nhất, bởi vì phòng tuyến chống buôn lậu chốt dày như nêm cối.
Từ Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị có trạm kiểm soát liên ngành Dốc Quýt đón lõng các ngả đường, hướng cửa khẩu Chi Ma cũng có đội kiểm soát liên ngành của huyện Lộc Bình chốt chặt.
Kế đó là tuyến ngăn chặn vòng 3, bao gồm đội chống thất thu thuế huyện Cao Lộc, đội chống thất thu ngân sách thành phố Lạng Sơn. Vì thế, tranh thủ thời gian các trạm kiểm soát sơ hở như: ăn cơm, nghỉ trưa, thay ca... là các “chim lợn” thông tin cho “cửu bay” hoạt động.
Với đoạn đường dài 14 km, các “cửu bay” phải đi trong vòng 10 phút. Dù các lực lượng chống buôn lậu có phát hiện ra cũng không kịp xuất quân.
1h32 phút, Hoá bấm máy bộ đàm tít tít hai tiếng rồi rồ ga phóng về phía trước. Hoá bảo đó là tín hiệu thông đường.
Theo Tiền Phong, trước khi “triển khai” lực lượng, các “chim lợn” và “cai cửu” đều thống nhất dùng loại ký hiệu và tần số của bộ đàm cùng chiến thuật đổi tần số, ký hiệu theo giờ nhằm tránh sự phát hiện bởi máy quét sóng của lực lượng chống buôn lậu.
Một lát sau, những tiếng nổ rát tai vang lên từ phía sau, đèn pha xuyên màn đêm loang loáng, hơn chục “cửu bay” xé gió vọt lên như một cuộc đua khốc liệt. Phía sau, có 3 chiếc xe chở phụ nữ, không có hàng hoá gì, có nhiệm vụ cản đường.
Nếu lực lượng chống buôn lậu đuổi theo thì đánh võng phía trước để “cửu bay” chạy nhanh về thành phố tẩu tán hàng. Những “cửu bay” đêm này thường chở hàng hoá có giá trị cao như: điện tử, điện máy, phụ tùng xe máy.
Bỗng nhiên nghe một tiếng “két két… roảng roảng”, chiếc xe Minsk mài xuống mặt đường, gã đàn ông nằm sõng xoài, đầu cố ngẩng lên, hai mắt ngơ ngác, máu hoà với nước mưa nhoè nhoẹt.
Người đàn bà ngồi sau một chiếc xe cản đường khóc rống lên. Mấy tay áp tải lao vào gỡ bọc hàng trên chiếc xe bị nạn, chằng lên xe mình chạy tiếp. Chiếc khác bốc người bị nạn lên xe rồ ga nhằm hướng thành phố Lạng Sơn. Mọi hành động từ khi “cửu bay” bị nạn đến lúc tiếp tục lên đường chỉ diễn ra trong vòng 3 phút.
Hoá bảo: “Thằng ấy tên Vương, quê Hưng Yên, nhà nghèo lắm nên vợ chồng phải dắt nhau lên đây làm cửu vạn. Chiều nay, vợ nó đòi ngồi sau xe ôm hàng, nó không cho, bắt ngồi xe khác, nó bảo nếu không may tai nạn thì còn lại một đứa về quê nuôi con”.
Khi hỏi: “Sao tai nạn sắp chết mà người ta chỉ quan tâm đến hàng hoá?”, Hoá phân trần: “Dù chết cũng phải tẩu tán hàng hoá trước đã, nếu mất hàng “cai cửu” đè cổ bắt đền thì lấy gì trả. Nhiều khi công an chặn xe giữa đường cũng phải nhắm mắt lao vào để bảo vệ hàng. Đời thằng cửu bạc là vì thế, có ai muốn liều mạng đâu, chỉ vì miếng cơm manh áo”.