Có mặt ở biên giới Lạng Sơn vào ngày hè nóng nực nhất của tháng 7, phóng viên Công An Nhân Dân được các cán bộ QLTT cho "mục sở thị" một buổi ra quân ở khu vực phức tạp về buôn lậu là Thác Ném và Hang Dơi.
Vừa thấy bóng ôtô mang biển xanh, các bộ đàm của đầu nậu hoạt động hết công suất. Những bao hàng đang được vận chuyển lên xe máy vội vã tháo xuống, loáng một cái đã mất tăm.
Đồng chí Đội trưởng Đội QLTT số 2 bảo, bây giờ mình mà vào chân núi là "ăn" đá ngay. Tuy Hang Dơi hiểm trở với các mỏm núi chông chênh nguy hiểm, nhưng cửu vạn vẫn vác hàng thoăn thoắt như vận động viên leo núi. Vì là giữa trưa nên mọi hoạt động ở đây diễn ra khá nhộn nhịp và gấp gáp.
Trong đám cửu vạn đứng tản mát ở bìa rừng, có nhiều trẻ em với gương mặt đen nhẻm, ngổ ngáo. Quay lại bìa rừng đã thấy 4-5 đứa trẻ ngồi trên xe đạp trực sẵn, chỉ đợi "hàng" xuống núi là chở đi ngay.
Tuất, 15 tuổi, một cửu vạn "nhí" đã một lần bị tịch thu lồng gà ở huyện Cao Lộc, cho biết cả nhà kiếm sống bằng nghề cửu vạn ở vùng biên này. Khi thì Tuất vận chuyển gà, lúc thì vài cục hàng nhỏ lẻ. Tuất tham gia vào đội quân cửu vạn ở đây đến nay là mùa hè thứ 3. Vào năm học, thỉnh thoảng Tuất vẫn tận dụng buổi nghỉ để đi đèo hàng. Tuất bảo, đi trên những dốc đá dựng đứng, chênh vênh, cong vẹo đối với em chẳng có gì khó.
Bằng tuổi Tuất, đầy đứa đã sang bên kia vác hàng lậu về. Để được mang hàng đối với cửu vạn "nhí" không phải dễ, phải được người quen giới thiệu và phải có chữ "tín". Chủ hàng bắt cửu vạn đặt tiền bằng trị giá hàng, nếu mất hàng thì mất tiền đặt cọc.
Tuất bảo, cả gia đình chỉ có vài trăm nghìn đồng để quay vòng, nếu bị bắt thì hết. Còn các cán bộ QLTT kể, mỗi khi bị vây bắt, đám cửu vạn "nhí" lao đến ôm chân cán bộ để đối tượng khác tẩu tán hàng. Có lúc một cán bộ mà 2 cửu vạn “nhí” ôm mỗi đứa một chân, khiến các anh đi không được.
Lúc quay về, thấy cửu vạn "nhí" Nông Văn Thanh ngồi lì ở trước cổng Đội QLTT số 2 kêu gào rền rĩ để xin cục hàng. Đồng chí Hoàng Minh Trường, Chi Cục trưởng Chi Cục QLTT Lạng Sơn cho biết, cửu vạn vùng biên đa số là người nghèo, họ mất hàng dù chỉ 100-300 nghìn đồng là sợ lắm, cố xin cho bằng được.
Nhìn đôi mắt sưng húp của Thanh, không khỏi chạnh lòng. Lẽ ra Thanh đã có một mùa hè tràn ngập niềm vui. Nhà Thanh nghèo, đông anh em. Theo bạn bè Thanh đi vận chuyển hàng lậu, mất hàng sợ về bị mẹ phạt nên cậu bé cứ khóc lóc thảm thiết. Trông cảnh tượng đó, cán bộ QLTT cũng thấy thương, nhưng nguyên tắc và trách nhiệm khiến các anh không thể chiều theo ý của thằng bé.
Theo nhận định của Ban chỉ đạo 127 Lạng Sơn, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới 6 tháng đầu năm nay giảm 490 vụ, trị giá hàng tịch thu giảm gần 7,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2004. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu vẫn diễn ra khá phức tạp. Nhiều em học sinh đã bị đẩy vào cuộc mưu sinh với bao toan tính và cạm bẫy. Thậm chí có em bị sức hút của đồng tiền đã bỏ dở việc học.