Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu từ trần vào hồi 3h18 phút sáng ngày 23/3 (giờ Singapore), hưởng thọ 91 tuổi, BBC dẫn thông báo từ văn phòng thủ tướng cho biết. Ông Lý "ra đi trong thanh thản", thông báo nói thêm.
Thủ tướng Lý phải nằm viện từ hôm 5/2 do bị viêm phổi nặng. Từ khi nhập viện, ông phải thở bằng máy và điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Đa khoa Singpore.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi lời chia buồn tới Singapore và gọi ông Lý là "người khổng lồ thực sự của lịch sử". Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cũng thể hiện lòng tiếc thương, miêu tả ông là một người có ảnh hưởng chính trị lớn.
Ông Lý là thủ tướng đầu tiên của Singapore và là cha của Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long. Ông sinh năm 1923 và xuất thân từ một gia đình khá giả. Ông từng là học sinh hàng đầu tại Singapore, nhưng quãng thời gian sinh viên của ông bị trì hoãn vì Thế chiến II. Khi đó, đế quốc Nhật chiến thắng khối Liên hiệp Anh và chiếm đóng Singapore, thuộc địa của Anh, từ năm 1942 đến 1945.
Sau chiến tranh, ông theo học trường Kinh tế London trước khi chuyển sang Đại học Cambridge, nơi ông tốt nghiệp với kết quả xuất sắc. Trong thời gian sống tại Anh, ông Lý nhận ra rằng Singapore cần phải được tự trị và về nước năm 1949. Từng đảm nhiệm chức vụ thủ tướng từ năm 1959 đến năm 1990, ông được xem là người có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của Singapore.
Trong thời gian cầm quyền, ông Lý tiến hành các chính sách đổi mới đô thị và xây dựng nhà ở công cộng mới, giao quyền hạn lớn hơn cho phụ nữ, cải cách giáo dục và công nghiệp hóa. Ông luôn chú trọng vào kinh tế và kết nối lĩnh vực này với các mặt khác của đất nước, bao gồm việc xây dựng hình ảnh quốc tế là một "Thành phố vườn", điều được duy trì cho đến ngày nay.
Thiếu thốn tài nguyên và nguồn cấp nước, khả năng phòng thủ rất hạn chế, nguy cơ xảy ra các xung đột sắc tộc là những thách thức lớn mà ông Lý phải đối mặt sau khi đất nước giành được độc lập. Ông Lý Quang Diệu chọn tiếng Anh là ngôn ngữ công sở và ngôn ngữ chung cho các chủng tộc khác nhau, trong khi vẫn công nhận tiếng Malaysia, tiếng Hoa và tiếng Tamil là ngôn ngữ chính thức. Hầu hết trường học sử dụng tiếng Anh, mặc dù tiếng mẹ đẻ vẫn được giảng dạy.
Ông biến Singapore thành trung tâm vận tải và dịch vụ tài chính lớn với một trong những bến cảng tấp nập nhất thế giới. GDP đầu người của Singapore khi ông Lý lên nắm quyền năm 1959 là hơn 2.100 USD, con số này tăng lên hơn 14.200 USD vào năm 1990, khi ông rời ghế thủ tướng. Năm 2013, Singapore là nước có thu nhập đầu người đứng thứ ba thế giới.
Ông Lý rất cứng rắn trong đấu tranh chống tham nhũng. Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới với hệ thống dịch vụ công trong sạch và hiệu quả.
VnExpress