Đó là hình ảnh tiêu biểu cho rất nhiều đứa trẻ đang thu mình chờ chết vì chứng bệnh tim không tiền cứu chữa ở Long An.
Ngược dòng Vàm Cỏ Tây từ thị xã Tân An, phóng viên Người Lao Động đến nhà chị Lê Thị Kim Hằng, ngụ tại ấp Oâng Quới, xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa. Nói là nhà nhưng đó là một túp lều xiêu vẹo, vừa nhỏ vừa thấp nằm lẻ loi trên bờ kênh số 3. Bên trong túp lều này chỉ có một chiếc đi văng nhỏ cũ kỹ đã phải tải nào xoong nồi, mùng mền, chiếu gối. Với nét mặt u hoài, chị Hằng chậm rãi nói: “Hai vợ chồng tôi đều có trái tim khỏe mạnh, nhưng không hiểu vì sao lần lượt hai đứa con chào đời đều mắc bệnh tim bẩm sinh. Cả hai đều có giấy báo của bệnh viện là phải mổ gấp, nếu không thì chúng khó sống đến 10 tuổi. Nhưng hỡi ơi, vợ chồng chúng tôi tìm đâu ra 4.000 USD để cứu sống hai núm ruột của mình đây!”.
Anh Tú, cán bộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết, chồng chị Hằng tên là Nguyễn Văn Thuận, hai người kết hôn vào năm 1996. Năm 1998, chị Hằng sinh cháu Nguyễn Thị Kim Thanh, trông rất kháu khỉnh. Năm lên hai tuổi, cháu Thanh bị sốt cao, các y, bác sĩ bệnh viện địa phương cho biết cháu đã mắc bệnh tim bẩm sinh và họ khuyên gia đình chị nên đưa cháu đến Viện Tim TP HCM khám và điều trị. Khi biết chi phí một ca mổ tim là 2.000 USD, anh Thuận và chị Hằng gạt nước mắt đưa con về nhà phó mặc cho số phận. Hai năm sau, trong một lần vượt cạn, chị Hằng sinh cháu Nguyễn Minh Khánh bụ bẫm. Khi cháu Khánh tròn một tuổi thì có dấu hiệu khó thở, anh chị lại đưa con đến Viện Tim khám và một lần nữa phải đón nhận hung tin: phải mổ tim gấp. Viện Tim còn ghi rõ trong bệnh án thời hạn chót phải phẫu thuật là ngày 16/4/2004. Đào đâu ra tiền, vợ chồng chị Hằng lủi thủi ôm con về nhà khóc suốt trong nhiều ngày liền.
Để giành giật hai đứa con trong từng ngày với thần chết, anh Thuận không lúc nào ngơi nghỉ, ngày nào cũng làm việc từ sáng sớm tới chiều tối mới về. Bà con lối xóm thấy anh không có ruộng nên cố tình tạo ra công việc để thuê anh làm, cốt có tiền mua thuốc trị bệnh cho hai đứa nhỏ. Bình quân mỗi tháng anh Thuận lao động kiếm được khoảng 700.000 đồng thì phải chi cho tiền thuốc đến 600.000 đồng. Số tiền còn lại chỉ đủ để cả nhà cháu rau qua ngày chớ không đủ cơm ngày hai bữa như những gia đình nghèo khác. Gần đây, chị Hằng chỉ có thể ẵm cháu Khánh đi khám bệnh lấy thuốc qua ngày, còn cháu Thanh thì buông xuôi.
Xuống đò sang bờ sông bên kia, PV đến nhà anh Nguyễn Văn Thất, thăm cháu Nguyễn Thị Anh Thư sức khỏe đang hồi sa sút bởi căn bệnh tim hoành hành. Cháu cho biết năm nay bước vào lớp 4, nhưng cảm thấy không còn sức để học nữa. Cháu bộc bạch: “Bây giờ cháu biết mình sẽ chết nếu ba mẹ không có tiền lên thành phố mổ tim. Cháu không muốn chết mà chỉ muốn đi học thôi. Ước mơ của cháu sau này làm cô giáo dạy học cho các em ở quê mình”. Nói rồi, cháu Thư đi đến bàn mân mê mấy cuốn tập mới vừa được ai đó tặng và cười mỉm một mình. Sau nụ cười thích thú thì cháu Thư phải ôm ngực khóc thét kêu đau. Còn anh Thất thì nhìn con mà lắc đầu, hai hàng lệ cứ chảy hoài không dứt. Anh nói: “Tôi đã khóc trong bất lực như vậy hơn 8 năm rồi. Nếu con Thư sinh trong gia đình khá giả hơn một chút thì đâu phải sống trong những chuỗi ngày đau đớn như vậy!”.
Theo anh Tú, những đứa trẻ mắc bệnh tim biết mình sẽ chết thường ít nói, sống thu mình lại trước đám đông và thường âm thầm chia sẻ gánh nặng gia đình với cha mẹ. Ở huyện Tân Trụ có cháu Cẩm Tú, 14 tuổi, ngày nào cũng viết nhật ký, ghi lại những việc đã làm được cho gia đình, cũng như những lời tự thuật về sự đau khổ của một đứa trẻ biết cái chết của mình chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong đó, có những dòng cháu căn dặn mọi người trong gia đình hãy đoàn kết vượt qua cái vận nghèo để không còn người thân chết vì thiếu tiền chữa trị bệnh như mình.
Đến thăm một số gia đình có con em mắc bệnh tim bẩm sinh khác thuộc các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Châu Thành, Bến Lức, PV chứng kiến cảnh thiếu trước hụt sau, có nơi gom hết tài sản đem bán cũng không đủ số 2.000 USD để chi phí cho một ca mổ tim. Chị Trần Thị Gái ở ấp 5, xã Thạnh Lợi (Bến Lức) thốt lên: “Con số 2.000 USD đã trở thành một “điệp khúc” đáng sợ đối với tôi và những gia đình nghèo có con em mắc bệnh tim. Vợ chồng tôi không thể làm ra được 2.000 USD, đành nhìn con chết lần chết mòn bởi căn bệnh mỗi lúc một nặng hơn”.
Anh Cáp Doãn Hiệp, phó giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Long An cho biết, trẻ em mắc bệnh tim cần phải giải phẫu đều rơi vào vùng sâu, vùng xa còn các vùng khác thì rất ít. Chỉ mới thống kê thôi mà huyện Thạnh Hóa và Tân Thạnh có khoảng 40 trẻ mắc bệnh. Có những cặp vợ chồng sinh con ở nơi khác thì khỏe mạnh, còn khi đến đây sinh con thì mắc bệnh tim.
Vẫn theo anh Hiệp, qua cuộc điều tra xã hội hồi đầu năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Long An đã phải giật mình khi có trong tay danh sách 182 trẻ ở vùng sâu, vùng xa mắc bệnh tim bẩm sinh không có tiền cứu chữa. Trong đó, có tới 38 em có giấy chỉ định phải giải phẫu gấp nhưng cha mẹ chúng đành ôm con về nhà nằm chờ chết vì không có 2.000, 3.000 rồi 4.000 USD để thanh toán viện phí.
Hiện Quỹ Bảo trợ trẻ em đã chính thức thành lập quỹ bảo trợ trẻ em nghèo mổ tim, thông qua hình thức vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh đóng góp. Sau những ngày đầu thành lập, quỹ này đã tiếp nhận được hơn 700 triệu đồng. Số tiền hiện có được quá nhỏ so với nhu cầu của thực tế. Để những đứa trẻ kia không phải chết thì thiếu tiền viện phí, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Long An đang rất cần sự đóng góp từ những tấm lòng nhân ái gần xa.