Chiều 3/1, tại TAND Hà Nội, trở lại sau hơn một tiếng cách ly để tòa lấy lời khai của Tổng giám đốc Việt Á, ông Nguyễn Thanh Long cùng 3 cựu cán bộ tại Bộ Y tế bị thẩm vấn để làm cáo buộc nhận hối lộ từ Việt.
Cho rằng có 6 điểm chính trong cáo buộc với mình nhưng ông Long xin được làm rõ ba vấn đề: liên quan cấp phép, tạo điều kiện cho Việt Á và gợi ý chi tiền. Ông khai trở lại cương vị Thứ trưởng Y tế vào đầu 2020 đúng lúc dịch bệnh khởi phát, sau hai năm làm Phó ban Tuyên giáo Trung ương.
Bối cảnh lúc đó, theo ông, là "rất cấp bách" nhưng chỉ đúng 2 ngày trước khi nhận được đề nghị cấp phép cho kit xét nghiệm của Việt Á ông mới biết đến sản phẩm này. Ông khai việc cấp phép kit xét nghiệm rất phức tạp nên không muốn dính dáng và hơn nữa cũng không tin Việt Á có thể sản xuất được nhanh như vậy.
Tối muộn 3/3/2020, ông được Vụ trưởng Trang thiết bị Công trình y tế báo cáo "hiện không có quy định về cấp phép cấp bách trong dịch bệnh". Bởi thế, ông dặn cấp dưới phải cẩn thận, chỉ cho cấp phép tạm thời trong 6 tháng. Hơn nữa, phải tuyên truyền mạnh để người dân hiểu rõ bản chất của sản phẩm này.
Ông nói luôn mong muốn có càng nhiều sản phẩm trong phòng chống dịch càng tốt để tăng sức cạnh tranh. Không riêng gì Việt Á mà hồi đó có đến 169 sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép.
Ông khai "chưa từng biết và được báo cáo về tính sở hữu của kit xét nghiệm Việt Á", chỉ được báo cáo sản phẩm này đảm bảo đủ độ nhạy, chính xác. "Đó cũng là trách nhiệm của tôi khi không đôn đốc cấp dưới", ông Long nói to, rõ ràng, vung tay liên tục.
"Bị cáo có can thiệp hay giúp đỡ gì Việt Á không?", chủ tọa hỏi. Ông Long đáp: Duy nhất chỉ có ở Hải Dương. Lúc đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII đang diễn ra, ông nhận được thông tin cấp trên nhờ Việt về Hải Dương hỗ trợ chống dịch.
"Tôi cử 4 đơn vị thiện chiến nhất của Bộ Y tế lúc bấy giờ về hỗ trợ Hải Dương xét nghiệm, dập dịch miễn phí. Sau đó, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch yêu cầu Bộ Y tế rút quân về để Việt Á làm", ông Long nói về bối cảnh hồi đó và cho hay đã trao đổi với Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng về việc Việt Á đến tỉnh này làm xét nghiệm.
"Tất cả chỉ có vậy thôi. Việt còn nhờ nhiều người khác tác động nhưng tôi không có bất kỳ ưu ái nào cho Việt. Tôi cũng từ chối giới thiệu Việt Á đến các đơn vị thuộc Bộ Y tế bởi thấy rằng cần phải công bằng, đơn vị nào đấu thầu được sản phẩm nào thì dùng sản phẩm đó", ông Long giải thích.
"Bị cáo có nhận tiền của Việt Á không?", HĐXX truy vấn. Cựu bộ trưởng thừa nhận đã cầm của Việt Á 2,25 triệu USD thông qua thư ký của mình là Nguyễn Huỳnh. Việc này diễn ra sau 10 tháng kit xét nghiệm được cấp phép lưu hành chính thức và do Huỳnh nói "Việt Á làm ăn được nên tự cảm ơn". Ông khẳng định "không gợi ý, đề nghị Việt đưa tiền" như cáo buộc của VKS và lời khai của Huỳnh.
Đối chất, bị cáo Huỳnh cúi mặt nói hai lần ông Long nhắn bảo Việt đưa tiền hỗ trợ để lo công việc. Công việc gì Huỳnh không biết, nhưng mỗi lần đưa một triệu USD.
Phản bác lời khai của cựu thư ký, ông Long cho hay không nhớ đã nói gì nhưng "tuyệt đối không có chuyện 10 tháng sau khi cấp phép lại đi đòi Việt đưa tiền". Ông phân vân, có thể nói gì đó làm Huỳnh hiểu sai ý mình.
"Huỳnh thì liên tục ca ngợi, nói tốt cho Việt Á nên tôi còn nói ăn vàng ăn bạc gì mà ca ngợi thế. Có lần, tôi còn mắng Huỳnh không được tự nhiên cầm tiền của Việt và tuyệt đối không được làm ăn gì với Việt Á", cựu bộ trưởng khai.
"Bị cáo nói mình rất công tâm, nhưng sao lại nhận tiền?", chủ tọa hỏi. Ông Long đáp ngắn gọn: "Tôi đã sai. Tôi xin lỗi". Hiện cựu bộ trưởng đã khắc phục toàn bộ tiền nhận hối lộ.
Sau ông Long, hai cựu vụ trưởng của Bộ Y tế là Nguyễn Nam Liên, Nguyễn Minh Tuấn đều thừa nhận các sai phạm bị truy tố. Ông Liên khai đã cầm của Việt 100.000 USD, Tuấn cầm 300.000 USD.
Theo cáo trạng, Việt Á không thuộc đối tượng cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm nên ngoài việc nhờ nhiều người can thiệp, tác động, Việt còn trực tiếp gặp, nhờ ông Tuấn giúp tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Bộ Y tế ký Quyết định cấp số đăng ký lưu hành và được đồng ý. Vào tháng 3 và tháng 7/2020, Việt đã gặp và đưa ông Tuấn hai lần, tổng cộng 300.000 USD (tương đương 6,9 tỷ đồng). Khi tiến hành hiệp thương giá test xét nghiệm Covid-19, Việt đề nghị ông Nam Liên tạo điều kiện giúp Công ty Việt Á nâng khống giá test xét nghiệm gấp nhiều lần giá trị thực và thiết lập mặt bằng giá bán cho các đơn vị, địa phương, thu lời bất chính. Tháng 7/2020, Việt gặp và đưa hối lộ ông Liên số tiền 100.000 USD (tương đương 2,3 tỷ đồng).
Trong 6 người bị truy tố Nhận hối lộ, cựu bộ trưởng Long là người bị cáo buộc nhận nhiều tiền nhất từ Việt Á, hơn 51 tỷ đồng. VKS cáo buộc ông Long nhận tiền và thực hiện chuỗi 6 sai phạm, "can thiệp, chỉ đạo" giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm, hiệp thương giá cao gấp 3,5 lần.
Dù nhiều lần được cấp dưới báo cáo về việc Việt Á chưa đủ điều kiện được cấp phép, giá hiệp thương không có căn cứ; ông Long cũng được báo cáo sai phạm về nguyên vật liệu sản xuất kit test, có ý kiến đề nghị rút số đăng ký lưu hành nhưng không xử lý theo đúng trách nhiệm, mà tiếp tục đôn đốc, tạo điều kiện cho Việt Á.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Theo Vnexpress