Cảm nhận đầu tiên khi gặp 4 cảnh sát cơ động thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Hà Nội là họ rất trẻ và hiền lành. Người “già nhất”, Trần Quốc Thịnh, tổ trưởng, mới chỉ 26 tuổi. Cậu “em út” vừa học hết cấp 3, đi nghĩa vụ quân sự được hơn 1 năm nay, tên Đỗ Trung Hiếu. Nói đến lực lượng cảnh sát cơ động, người ta luôn hình dung về những con người có gương mặt “sát thủ” nhưng khi đối diện trực tiếp với họ, mới thấy, các anh cũng hiền lành, và thêm một chút gan dạ.
Đêm 18/1, rạng sáng ngày 19/1, tổ tuần tra chống đua xe trái phép gồm 4 người do anh Thịnh làm tổ trưởng làm nhiệm vụ tại khu vực cầu Long Biên. Lúc đó, đã hơn 1h sáng. Đang tuần tra, anh Thịnh cùng Phạm Tiến Doanh, Nguyễn Ngọc Quỳnh và Hiếu nhận được tin báo của nhân dân báo tại khu vực cầu Long Biên, có một người phụ nữ ôm 2 đứa con nhỏ, đang có ý định nhảy xuống sông tự vẫn. Nhanh chóng, cả đội phóng xe ngược lên cầu, đến tận bãi giữa của sông Hồng. 4 người tỏa đi các hướng tìm hình bóng ba mẹ con trong tiết trời giá rét.
Cảnh sát cơ động Hà Nội. |
Phải đi cách cầu Long Biên về phía Bắc chừng 200m, Doanh và Hiếu mới tiếp cận được “đối tượng”. Đến nơi, người phụ nữ đã ôm hai đứa con nhỏ nhảy xuống dòng sông Hồng đang chảy xiết. Ngay lập tức, cả hai cũng nhảy “tự do”, vật lộn với dòng nước và cái lạnh, kịp đưa ba mẹ con lên bờ.
Nhắc lại chuyện cứu người nửa tháng trước, cả 4 người cười chỉ cười: “Bọn em có kịp nghĩ ngợi gì đâu, thấy chị ấy nhảy xuống sông nhanh quá, thế là em và Hiếu nhảy theo”, Doanh tâm sự. Hiếu còn kế thêm, đêm đó, trời tối, vừa bơi, vừa căng mắt lên để tìm 3 mẹ con họ. Tổ trưởng Thịnh tiếp lời “đàn em” bằng một giọng đều đều: “Khi thấy Hiếu và Doanh nhảy theo cứu người, tôi và Quỳnh lập tức tìm đường xuống bãi giữa sông Hồng để đón họ”. Theo “bật mí” của Thịnh, anh cho biết, hai đồng nghiệp của mình bơi rất giỏi và sẽ cứu được nạn nhân, vì thời gian 3 mẹ con nhảy cầu tự tử cách lúc các anh nhảy xuống cứu cách nhau chừng dăm phút.
Người phụ nữ và hai đứa nhỏ được cứu sáng hôm đó, người ướt, lạnh cóng, hai anh Thinh, Quỳnh phải cởi chiếc áo khoác duy nhất vừa sơ cứu, vừa ủ ấm. “Có một tình huống, khi ấy, người phụ nữ cứ nằng nặc kêu không muốn sống, chúng tôi phải khuyên đủ điều, nói rõ chuyện ôm con nhỏ tự tử là không nên, chị ấy mới theo về phường Ngọc Thụy nghỉ ngơi”, Quỳnh nói. Đến phường, khi cán bộ công an gạn hỏi chị Thu mới biết chỉ vì giận chồng mà chị ôm con ra giữa sông nhảy cầu tự vẫn.
Trong cuộc trò chuyện với nhóm anh Thịnh cứu mẹ con chị Thu vừa rồi, cả bốn người đều tâm sự họ chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình, hay có bạn gái. Trai Hà Nội “xin” nhưng khi nói đến chuyện tình cảm, cả nhóm luôn đỏ mặt. Riêng anh Thịnh, năm nay 26 tuổi, bố mẹ cũng giục chuyện vợ con song anh vẫn phải trốn mỗi lần các cụ đề cập đến. Anh nói rằng, 30 tuổi lấy vợ cũng chưa muộn vì còn bận “chiến đấu”. “Bây giờ mình còn trẻ, có vợ con vào rồi, mỗi lần đi tuần đêm, để họ ở nhà cũng thấy tội nghiệp”, Thịnh nói một cách chững chạc.
Khi được hỏi về việc tại sao, hai anh nhảy xuống sông nhanh vậy, Hiếu lém lỉnh “vặn ngược” lại: “Tình huống đó chắc anh cũng phải hành động như thế chứ?”.
Quang Việt