Bây giờ dùng điện thoại không phải chỉ có nút xanh - nút đỏ như ngày trước. Vợ hắn có thể thậm chí không biết cách lưu danh bạ, đổi loại chuông, thay hình nền, song loại đi sau công nghệ chỉ một bước như hắn thì không nhắm mắt mà ngủ nổi nếu chưa đọc hết cái quyển sách hướng dẫn và mày mò cho ra những tính năng mới. “Tại sao không kết nối bluetooth được với cái máy cũ của mình nhỉ?” - chỉ một băn khoăn đó thôi mà làm hắn cuồng thêm cả tiếng đồng hồ nữa để thử đi thử lại.
Chơi laptop trong phòng ngủ. |
Hắn tên là Cường, biệt danh là “Cường hai-tếch” (hi-tech), chỉ là một trong rất nhiều ví dụ của thời buổi công nghệ cao hiện nay. Cũng không phải thuộc loại “tiền tấn” để có thể thoải mái chạy theo kỹ thuật mới, nhưng cái thú riêng cũng làm hắn chi tiêu không ít cho hết loại máy móc này đến máy móc khác.
Theo tạp chí Đẹp, cũng có người chỉ vì sành điệu mà tiền đổi điện thoại mỗi năm lên đến cả vài chục triệu nhưng hắn không phải thuộc loại thích tỏ ra ăn chơi bằng cách đó. Hắn quyết định nâng đời lên chiếc điện thoại này vì nó chẳng khác nào chiếc máy tính di động. Mà hắn thì mê công nghệ cao lắm. Xét về công nghệ thì điện thoại chỉ là thứ vặt vãnh với hắn, dù một loại mới ra có quảng cáo là thêm chức năng đặc biệt thì chỉ một buổi tối bấm bấm, chọc chọc là hắn lần ra bằng hết.
Hôm trước “tậu” được một chiếc máy MD (mini disc) đời mới ở nước ngoài với đủ loại tính năng thu độc đáo, thậm chí có thể hoạt động như một cái ổ cứng di động nếu dùng đĩa Hi-MD loại 1 Gb để lưu trữ dữ liệu và hình ảnh, hắn trằn ra đúng một ngày chủ nhật để nghiên cứu, mặc kệ vợ mặt nặng mày nhẹ, con ỉ eo, vì hôm trước đã hẹn đưa cả nhà lên khu nghỉ mới khai trương cách thành phố hơn 50 cây số.
Tất nhiên là sau khi tìm ra mọi cái hơn của những chiếc máy mới thì phải tìm người chia sẻ là các “huynh đệ” có chung sở thích. “Ngày mai đi làm về thì tạt qua tôi một tí nhá, tôi cho ông xem cái em-đi mới của Sony,” hắn điện thoại ngay sáng hôm sau. “Tôi còn chơi cả một cái micro cực oách, chống nhiễu tuyệt vời và định vị rất tốt. Kèm theo là một “quả” loa sành điệu dã man, rất nhỏ gọn, và chính hãng luôn”.
Mà thực ra mê quá thì hắn mua thôi, chứ micro chuyên nghiệp như thế thì cũng chẳng biết dùng vào việc gì. Chẳng lẽ suốt ngày thu hai đứa con nhỏ hát nghêo ngao?
Khi đã “kết” một chiếc máy mới nào đó, nếu may mắn thì bán được chiếc máy đang dùng cho người khác với mức giá đến tay người tiêu dùng, chấp nhận thiệt thòi hơn thì làm một cuộc sang nhượng và chịu bù thêm với chủ cửa hàng, bằng không thì tìm cách... cho cậu em vợ - vừa được tiếng lại vừa không bị vợ rầy la. Đi công tác nước ngoài là thích nhất vì sau khi xem thoải mái có thể chọn mua một món đồ ưng ý mà không bị bà xã kiểm soát giá cả.
Văn là một trường hợp khác. Cũng say mê công nghệ, gia đình lại hơi bị có điều kiện nên Văn không phải băn khoăn mấy, kể cả việc sắm một bộ dân hi-fi mới chứ đừng nói đến chuyện nâng cấp laptop hay máy ảnh cao cấp.
Nhìn bộ sưu tập những loại máy móc mà doanh nhân Văn luôn mang theo người khi đi công tác thì ai cũng phải... chán: chiếc máy tính xách tay - vật bất li thân - mỏng dính nhưng đầy đủ các cổng và đương nhiên là có thể truy cập không dây, lại có ổ DVD với màn hình rộng sẵn sàng biến thành công cụ giải trí tuyệt vời khi gắn thêm đôi loa nhỏ nhưng tiếng bass cũng thình thịch ra phết, đủ vang cả phòng khách sạn.
Chưa hết, chiếc máy in dài chừng 20cm và nhỏ hơn cổ tay, chiếc scanner bé như ngón tay cái để quét văn bản theo hình chữ Z. “Đi công tác cứ phải chạy lăng xăng khắp nơi, dùng những đồ như thế này thì mới khỏi còng lưng vác mà lại vẫn chủ động mọi nơi mọi lúc,” y bảo. Rồi còn một chiếc máy ảnh độ phân giải cao nhưng gọn nhẹ, nhét vừa túi quần sau, một chiếc radio AM/FM nhỏ bằng cái danh thiếp, một cái máy MD chống sốc”.
Nghe nói sắp tới sẽ có cả máy chiếu xách tay, gã tham lam siêu công nghệ này tiếp tục ao ước: “Tôi sẽ làm một cái, đi thuyết trình với khách hàng cho chủ động. Lúc cần thì mang ra chiếu phim trên tường khách sạn, còn gì bằng”.
Bây giờ ngoài xã hội có nhiều hội tự lập về công nghệ, tập hợp cả thanh niên lẫn những người hơi có tuổi một tí (chứ không phải trung niên đâu). Hội chuyên về Pocket PC, hội chuyên về bảo mật, hội chuyên về máy ảnh kỹ thuật số, hội chuyên về loa đài.
Có hội từ chỗ gặp nhau bàn thảo chơi cho vui đã làm ra được những sản phẩm mang đi thi đấu và lĩnh giải. Thậm chí có những nhóm – vì có lẽ không lên thành hội được – về một dòng điện thoại nhất định. Họ ham đến mức có người tự nhận là “cuồng nhân” với những gì liên quan đến công nghệ. Mà cuồng cũng chẳng sao vì như thế còn lành mạnh chán. Thành viên các hội này có hơi say sưa một chút thì các bậc phụ huynh cũng không phải lo con cái họ tham gia đua xe hay đàn đúm, các bà vợ cũng có thể chậc lưỡi “còn hơn là mấy ông này tốn tiền, tốn thời gian vào việc khác.”
Nhưng đôi khi chứng cuồng này cũng làm các người khác phát điên, nhất là các bà vợ. Đồng nghiệp bảo Văn là loại “quá đáng” vì đi đâu cũng tha với vác không thiếu thứ gì, mà nâng niu còn hơn bồ. “Cường hai-tếch” không chỉ thỉnh thoảng chong chong cả đêm để nghiên cứu thiết bị mới. Không ít lần đang chở vợ con đi chơi thì gặp một ông bạn nào đó cũng đam mê giống mình, và tuy hai bà vợ vâng dạ chào để đi về, cả hắn và bạn hắn cứ thao thao, lại còn giở máy ra hết hỏi về phần mềm lại đến trao đổi hình ảnh sưu tập. “Anh thật là dở hơi,” đã mấy lần vợ hắn cằn nhằn. Khi đó, hắn lại trả lời bằng một câu cửa miệng: “Ơ, dở hơi mà biết chơi công nghệ à?”.