![]() |
Chiêu khuyến mãi của Viettel. |
Đúng như dự báo, cuộc cạnh tranh đã nổ ra, nhưng mạnh mẽ và toàn diện hơn khi lôi kéo tất cả các nhà CCDV hiện có vào cuộc.
Sau cú điểm hoả bằng gói cước "gọi hết tiền, nghe mãi mãi", S-Fone lại tạo cú sốc bằng cách tính cước mới 6s+1 (tính cước theo từng giây). Điều này nhanh chóng đẩy EVN Telecom bị "lố" khi tuyên bố "áp dụng gói cước rẻ nhất".
Viettel thì tung ra đòn khuyến mãi "độc nhất vô nhị" miễn 6 tháng thuê bao, giảm 60% giá trị hoà mạng...
Không chờ đợi, ngày 11/4, MobiFone tung ra đòn khuyến mãi, trúng thưởng như tặng 55 triệu đồng cho thuê bao 5 triệu...
Cũng thật ngẫu nhiên, trong ngày 11/4, VinaPhone "phát hoả" bằng tuyên bố chào đón thuê bao thứ 4 triệu mà phần thưởng lên tới 10 cây vàng 9999 (trị giá hơn 100 triệu đồng), nhưng không quên "gài" đằng sau chương trình này là tuyên bố: 4 triệu là con số thực, còn nếu tính toàn mạng thì VinaPhone đã đạt ngưỡng trên 5 triệu từ lâu! VinaPhone muốn chứng tỏ mình là mạng di động lớn nhất toàn quốc.
Trong khi đó, VNPT cũng không thể đợi đến "giờ G" (các DN ngoài VinaPhone, MobiFone đạt ngưỡng 30% thị phần) nên đã đệ trình phương án giá cước mới.
Theo các chuyên gia, thực chất cuộc cạnh tranh này là giá cước và tạo "hội chứng số đông" trong khách hàng. Tất cả chỉ vì mục tiêu cuối cùng là giữ chân khách cũ, hút thêm khách mới. Song, đằng sau cuộc chiến bề nổi này còn là "cuộc chiến thông tin".
EVN Telecom tố S-Fone không cho kết nối; VinaPhone cho rằng MobiFone "tung đòn hoả mù" bằng cách tuyên bố con số ảo 5 triệu thuê bao...
Sau hàng loạt các cuộc chiến cạnh tranh xuất hiện từ 2005, người tiêu dùng (NTD) bắt đầu có cảm giác "lợi bất cập hại". Trong lòng cuộc chiến giá cước và cuộc chiến kết nối năm 2005, NTD đã nhiều phen lao đao vì chất lượng cuộc gọi không bảo đảm.
Bên cạnh đó, xu hướng "cuốn theo chiều giá cước" đã đẩy NTD tham gia vào cuộc chạy đua theo giá cước, chương trình khuyến mãi. Nhưng đằng sau đó, vai trò "cầm cân nảy mực" của bộ BCVT lại thể hiện rất mờ nhạt khi không thể sớm giải quyết cuộc chiến kết nối.
Thậm chí, ngay cả chỉ thị của bộ "không khuyến mãi nếu không đảm bảo chất lượng" trong dịp Tết Nguyên đán cũng bị các DN phớt lờ. Tất cả các vấn đề trên đang có xu hướng lặp lại.
Rõ ràng, cuộc cạnh tranh giữa các DN đang ít nhiều tạo nên những biến động thị trường; tạo nên cơn sốt thuê bao ảo mà các DN tính toán tốn hàng ngàn tỷ đồng "nuôi" thuê bao này thậm chí là khách hàng bắt đầu phàn nàn về chất lượng cuộc gọi... Bộ BCVT vẫn chưa có ý kiến chính thức về vấn đề này, còn các DN vẫn tiếp tục lún sâu vào cuộc cạnh tranh...
(Theo Lao Động)