Ở Bắc Mỹ, chó còn dùng để kéo xe trượt tuyết hoặc chăn dắt gia súc. Một chú chó giống Danois có thể chăn dắt đàn cừu hàng vài ba trăm con mà không để xảy ra sự cố thất thoát. Trong chiến tranh, nhiều đội “quân khuyển” được tuyển chọn và huấn luyện kỹ đưa vào mặt trận. Những đội “quân khuyển” này đã gây cho đối phương bao nỗi kinh hoàng, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Trong hòa bình, chó nghiệp vụ là cánh tay đắc lực giúp lực lượng an ninh trong việc truy tìm thủ phạm, phát hiện hàng lậu...
Cách đây khá lâu, Đài truyền hình Việt Nam có giới thiệu một chú chó Berger giống Đức bị lạc chủ tại một phi cảng quốc tế. Mỗi lần có máy bay hạ cánh, con vật vội chạy ra chân cầu thang ngóng chủ. Ròng rã gần hai năm, nó không bỏ sót một chuyến bay nào. Nhân viên phi cảng cố dụ đem về nuôi nhưng bị nó từ chối. Cảm mến lòng trung thành, họ đã giúp nó tìm lại được chủ cũ.
Và cũng cách đây không lâu, một chú chó từ Pháp bơi qua eo biển Manche trong nhiều ngày liền để sang Anh tìm chủ. Nó từ chối tất cả mọi sự trợ giúp của con người. Với nghị lực phi thường, con vật có nghĩa này cuối cùng đã gặp lại chủ tại Anh quốc, đây là chuyện khó tin nhưng có thật.
Có đận nhà tôi rất nhiều chuột, toàn là loại chuột cống, con nào con nấy to đùng như bắp chân. Để tiêu diệt cái giống vật bẩn thỉu này, tôi phải vượt hơn năm mươi cây số đến nhà một người bạn thân ở một huyện trung du mượn về một chú chó săn thuộc giống thuần chủng. Chú chó ở với tôi chưa được hai ngày bỗng dưng biến mất. Trong lúc vợ chồng con cái đổ xô đi tìm thì nhận được cú điện thoại từ người bạn báo cho biết, con chó đã trở về nhà anh lúc 4h sáng!
Người phương Tây căn cứ vào tính nết để đặt tên cho chó, ví dụ như con Victor, con Lucky, con Ringo, con Dream, con Héro... Để thể hiện sự ái mộ, một số người còn lấy tên những ngôi sao sáng trong các ngành nghệ thuật, thể thao và để đặt tên cho con chó quý của mình như con Péle, con Madonna, con Beethoven, con Marlon, con Michiko chẳng hạn. Người Việt ta đặt tên chó theo sắc lông: con Vàng, con Mực, con Đốm, con Mốc, con Vện...
Các nhà văn đã xây dựng thành công những nhân vật chó trong tác phẩm nổi tiếng của mình. Con Bắc trong Tiếng gọi nơi hoang dã của Jack London, Cadăng trong truyện cùng tên của J.O.Cocut, con Bingo, Lopo, Sói Vinipec... trong tập Truyện loài vật của nhà văn, nhà tự nhiên học E.Xetton-Tomxon, con Capi trong truyện Không gia đình của Hectomalo, con Blemie trong truyện Lời di chúc của con chó quí của Eugen-Hneill... đã làm say mê hàng trăm triệu độc giả thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi trên toàn thế giới bởi trí thông minh, lòng trung thành, sự dũng cảm, biết phân biệt kẻ xấu người tốt, khao khát được sống tự do của những nhân vật... chó. Riêng nhân vật chó người Sarikop trong tác phẩm Trái tim chó của nhà văn Bungakop thì kinh hãi quá!
Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, sau khi bán “cậu Vàng” yêu quý của mình cho gã hàng thịt, lão khóc: “...thì ra tôi đã chừng này tuổi đầu mà đi đánh lừa một con chó! Nó không ngờ tôi lại nhẫn tâm lừa nó”. Chú Vàng trong truyện Khách nợ của nhà văn Tô Hoài khôn ranh, biết phân biệt kẻ xấu người tốt. Chú Vàng xưa nay rất hiền nhưng không thể tha thứ thái độ xấc láo, gian ác của lão lái Khế vào một chiều giáp Tết. Đặc biệt trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, bọn cường hào quý chó hơn quý người. Một ổ chó đối với họ có giá trị cao hơn nhiều so với một mạng người.
Trong nghệ thuật xiếc, có nhiều tiết mục: chó đá bóng, chó đi xe đạp, chó phi ngựa, chó làm tính, chó dạy học... thể hiện sự thông minh mẫn cảm đáng nể của giống vật này.
Ngày nay, chó còn xâm nhập vào lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy không thua kém những siêu sao trong làng Hollywood. Những cuốn phim Con chó lai sói, Sói xám tấn công, Chú chó mất tích, Chó Bim trắng tai đen đã làm cho hàng trăm triệu khán giả trên thế giới phải thán phục về tài... diễn xuất tuyệt vời của chó.
Chó hoang dã càng tinh khôn hơn, dũng mãnh hơn, cao thượng hơn, khao khát được sống tự do trong thế giới tự nhiên tươi đẹp. Con người cần phải có trách nhiệm trân trọng, bảo tồn giống vật hoang dã này.
Thật không công bằng nếu con người còn xem chó là giống vật tượng trưng cho những tính cách xấu xa ngu dốt, đại loại ngu như chó, bẩn như chó, hỗn như chó, hùa như chó, nịnh như chó... Vì chó là giống vật rất tinh khôn, rất dũng cảm, rất có nghĩa. Lúc trà dư tửu hậu trong mấy ngày cuối năm, nhàn đàm đôi dòng về chó để đón năm Tuất đang tới, âu cũng là một chuyện vui.
(Theo Thanh Niên)