Chợ ảo bày bán nhiều hàng máy tính. |
Chợ bày bán đủ loại hàng nhưng phổ biến nhất là hàng điện tử gia dụng, linh kiện máy tính, hóa mỹ phẩm, quà tặng, quần áo thời trang. Các sản phẩm mới được liệt kê ngay trên trang chủ, muốn biết chi tiết khách có thể click vào ảnh hoặc tên sản phẩm, sẽ có ngay giá cả, xuất xứ, thậm chí cả chất liệu, công dụng... Không gian trên mạng là vô tận vì thế những mặt hàng có cả chục trang giới thiệu tỉ mỉ. Mua hàng ở chợ hay siêu thị thế nào các bà, các cô có thể thực hiện như vậy ngay trên mạng. Thao tác thực hiện cũng đơn giản, nếu thích món đồ nào, người mua chỉ cần nhấn chuột vào nút "Mua hàng", khi đổi ý chỉ cần xem lại và dùng chuột di tên hàng vào ô lệnh Hủy bỏ. Với một số mạng của các công ty làm trung gian cho các hãng nước ngoài, khách sẽ truy cập trang web của những hãng bán hàng trên mạng để chọn hàng rồi ghi chú những chi tiết như website, tên hàng, giá , đường link và các thông tin miêu tả hàng rồi đăng ký vào đơn mua hàng có sẵn. Mọi trao đổi sẽ được thực hiện qua email.
Theo bà Thanh Hà, phụ trách marketing siêu thị VDC, Tiền Phong, thời gian gần đây số đơn hàng đặt mua qua mạng tăng mạnh, chủ yếu nhắm đến quà tặng và các đồ gia dụng. Khách hàng chủ yếu của những siêu thị ảo là giới trẻ và những người có thu nhập khá nhưng bận rộn.
Chị Thanh Hương, giám đốc đối ngoại của một liên doanh lớn tại Hà Nội cho biết mua hàng tại chợ ảo đỡ mất thời gian đi lại, mang vác, đôi khi lại kiếm được hàng xịn từ các mạng nước ngoài. Riêng dịp Giáng sinh này chị đặt mua hàng chục món đồ rồi thuê họ gửi tới luôn các địa chỉ cần tặng. Nắm bắt nhu cầu trên, các siêu thị ảo đều tung ra dịch vụ ông già Noel chuyển quà miễn phí để câu khách.
Theo VnExpress, do việc kinh doanh qua mạng không đòi hỏi phải đầu tư cao: chi phí thấp, không cần mặt bằng… nên việc mở ra một mô hình kinh doanh qua mạng khá dễ, gần đây có thể thấy sự xuất hiện ồ ạt các e-shop, e-supermaket như VDCsiêu thị, tiền phong, Vietshare, vneshop, vnemart... Cạnh tranh đã xuất hiện song mới chỉ thiên về việc thu hút nhiều người đăng ký làm thành viên hơn là về chất lượng và giá cả sản phẩm.
Một số địa chỉ bán hàng qua mạng 1. http://vdcsieuthi.vnn.vn 2. www.vietshare.com 3. www.vneshop.com 4. www.sieuthihuyhoang.com 5. www.vnmarketplace.net 6.www.sachviet.com |
Nhận xét về tiềm năng mô hình kinh doanh qua mạng ở VN, bà Kim Anh - Giám đốc công ty VEC (chủ siêu thị vnshop) cho hay, thực ra thời điểm hiện nay vẫn chưa thuận lợi cho việc phát triển các mô hình kinh doanh siêu thị ảo, chợ ảo ở VN vì các lý do như: thói quen của người tiêu dùng, sự phổ biến của mạng Internet, việc thanh toán, giao nhận, vận chuyển chưa thuận tiện. Nhưng nếu xét về mô hình các chợ ảo đăng tải thông tin để hỗ trợ cho việc mua bán truyền thống bên ngoài như mua bán điện thoại di động, máy tính xách tay… thì đây là một thị trường khá sôi động với doanh số mua bán khá cao.
Bà Kim Anh cho biết thêm, khi mua hàng qua mạng người tiêu dùng cần chú ý đến thông tin về người bán để xác định rõ đây có phải là một website có uy tín hay không, đọc kỹ các chính sách liên quan đến việc mua hàng, trả lại hàng, thanh toán, vận chuyển, đặc biệt lưu ý đến cước phí vận chuyển vì đây là một khoản chiếm tỷ lệ khá cao trong giá thành mua một món hàng. Khi mua hàng ở nước ngoài, cần có trình độ tiếng Anh tốt để không hiểu sai các thông điệp trên trang web. Còn theo các chuyên gia ngân hàng, khi mua hàng qua mạng khách cần thận trọng khi khai báo các thông tin liên quan đến thẻ thanh toán vì xa lộ thông tin khổng lồ không thiếu những kẻ rình rập chờ cơ hội khổ chủ sơ hở đánh cắp dữ liệu để moi tiền. Khá nhiều mạng ở nước ngoài đã không chấp nhận bán hàng về VN vì họ từng phải giải quyết các vụ rắc rối cho khách hàng như vậy.
Tuy nhiên, bỏ qua những điểm bất lợi trên, thị trường phân phối hàng qua mạng có tiềm năng rất lớn. Theo các hãng nghiên cứu thị trường, kinh tế càng phát triển nhu cầu mua hàng qua mạng càng tăng cao. Nghiên cứu của Forrester, một hãng nghiên cứu về thị trường hàng đầu của Mỹ cho thấy, năm 2003, tổng doanh thu bán hàng qua mạng của nước Mỹ đạt trên 100 tỷ USD. Riêng dịp Giáng sinh và cuối năm, sức mua hàng tăng tới 42%, chỉ trong tuần Noel doanh thu bán hàng qua mạng đã đạt tới 12 tỷ USD. Hiện có tới 40 triệu hộ gia đình Mỹ có sử dụng dịch vụ mạng để mua sắm và đại đa số người dân hài lòng khi sử dụng Internet để mua hàng, trong đó chủ yếu vẫn là quà tặng.