Phòng cảnh sát truy nã tội phạm công an Hà Nội vừa chuyển hồ sơ cùng Phạm Văn Trịnh (61 tuổi, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nghi phạm đâm chết ông Trần Văn Quỹ (khi bị sát hại, 39 tuổi, xã đội trưởng xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ) 21 năm trước.
Theo tài liệu cảnh sát, ngày 17/9/1991, ông Trịnh ngồi uống rượu thịt chó cùng em trai. Sau đó, người em ra về. Lúc này, trong quán có ông Quỹ đang ngồi, Trịnh sấn đến gây gổ. Trịnh cho rằng, Quỹ là người đã bắn mình bị thương trong khi truy đuổi ông ta vì dính đến một vụ án.
Sau khi ra tù, Trịnh nghe đồn người xã đội trưởng này có quan hệ tình cảm với vợ mình. “Hỏi tội” xong, Trịnh dùng dao đâm ông Quỹ hai nhát thấu ngực trái, phải khiến nạn nhân tử vong. Trịnh bỏ trốn và bị công an tỉnh Hà Sơn Bình cũ truy nã ráo riết.
Thời gian đó, dưới sự chỉ đạo của Phó phòng hình sự công an tỉnh Hà Sơn Bình Dương Công Thuần, nhiều tổ công tác được bủa đi khắp nơi tìm kiếm nghi phạm giết người. Tuy nhiên, Trịnh đã lẩn trốn, 4 lần thoát khỏi “thiên la, địa võng” của lính hình sự.
![]() |
Hung thủ Phạm Văn Trịnh tại cơ quan điều tra. Ảnh: Tuấn Việt. |
Ngày 6/9, Phòng cảnh sát truy nã Hà Nội nhận được thông tin nghi phạm Trịnh đang sống tại Đồng Nai đã cử hai cán bộ vào tận nơi truy bắt. Ngày 7/9, Trịnh bị bắt, vợ con ngỡ ngàng trước tội danh của chồng, cha mình. Lúc này, họ mới biết tên thật của Trịnh.
“Ông ta không chống đối, chỉ nghi ngờ vợ mình là người đã báo công an đến bắt”, một cán bộ tham gia bắt Trịnh cho biết. Trước đó vài ngày, trong lúc vợ đưa tiền đi cắt tóc, Trịnh đã cãi nhau nên “nghĩ oan” cho người vợ thứ ba này.
Trên đường di lý từ xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, ra Hà Nội, ông Trịnh thừa nhận gây ra cái chết cho ông Quỹ 21 năm trước. Sau khi đâm nạn nhân tử vong, Trịnh khống chế một người dân trong thôn đưa ra Hà Nội rồi trốn về huyện Thường Tín.
Sau khi kể với người bạn về việc mới gây án, Trịnh được cho một bộ quần áo, rồi đón xe khách vào Đà Nẵng. Để tránh sự truy bắt của công an, Trịnh lẩn trốn vào một lò gạch. Sau đó, người đàn ông này xin ông chủ lò gạch cho làm công nhân. Trịnh đổi tên thành Nguyễn Văn Thành (ở Lương Sơn, Hòa Bình).
Làm đến năm 1994, Trịnh kết hôn với một cô gái địa phương. Gia đình nhà vợ cũng khai báo tạm vắng, tạm trú cho ông ta dưới cái tên giả. Năm 1996, người vợ sinh cho Trịnh một cậu con trai. “Năm 2000, ông ta đưa cả vợ con vào huyện Long Thành làm thuê cho người cháu của vợ tại trang trại trồng bông”, cán bộ tham gia bắt ông Trịnh cho biết.
Trong thời gian trốn truy nã, Trịnh đã hai lần về quê thăm bố. Lần gần đây nhất, ông ta về chịu tang bố nhưng không dám đưa ra đồng, chỉ quanh quẩn ở nhà thắp hương. Ngay ngày hôm sau, Trịnh quay lại Đồng Nai.
“Trong thời gian chung sống, một lần cãi nhau, ông ta đã nửa đùa nửa thật Thành không phải tên mình”, điều tra viên nói. Người vợ đã hỏi ông ta có phạm tội giết người, cướp của không mà phải thay tên đổi họ. Tuy nhiên, Trịnh vẫn giấu không cho vợ biết tên thật.
Khi cảnh sát Hà Nội vào tận nhà đọc lệnh bắt, ông ta ngỡ ngàng. Theo lý giải của người đàn ông trung niên này, những tưởng vụ án đã “chìm xuồng”. Sau khi gây án một thời gian, ở Sơn La, người ta phát hiện xác người đàn ông trôi sông và nghi ngờ đó là Trịnh. “Ông ta từng thụ án ở Sơn La những năm 1976-1979”, cán bộ điều tra kể. Trịnh cho rằng, mọi người sẽ nghĩ ông ta trốn lên Sơn La và bị chết đuối, vì xác đã bị phân hủy.
Việt Dũng