Màu đỏ
Là gam màu nóng và dữ dội, như những vai diễn của Cát Tường trên màn ảnh.
Bạn bè nói về Cát Tường như một người hoạt bát và hoà đồng. Đó là đức tính xởi lởi của người miền Tây, nơi cô lớn lên. Nhìn bề ngoài, Cát Tường là người hay cười, có lúm đồng tiền làm duyên. Nhưng khi khuôn mặt vắng nụ cười, nó gợi cho người đối diện về một cô gái hơi lạnh lùng một chút, đáo để một chút, rất khó đoán tâm trạng. Có lẽ chính vì thế, những vai phản diện đã gắn chặt với cô ngay từ khi bước chân vào trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh năm 1994.
Diễn viên Cát Tường. |
Mưu mô xảo quyệt, đanh đá - đó là những từ ngữ mà Cát Tường dùng để mô tả về cuộc sống trong phim của mình. Từ những vai diễn đầu trong Gió qua miền tối sáng, vai Yến trong Đồng tiền xương máu (lúc đó mới 19-20 tuổi)... cho đến bộ phim gần đây nhất Nghề báo, Nhịp đập trái tim và Giá mua một thượng đế... đều là những vai đáo để. Đôi lúc, nhìn lại mình, Cát Tường lại tự hỏi: Tại sao mình lại có thể... ác đến như vậy, có thể chua ngoa đến như thế? Ngược hẳn với tính cách và những vai diễn “đào đẹp” của mình trên sân khấu.
Bởi trên sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Cát Tường luôn được ưu ái với những vai lấy nước mắt khán giả, hay đơn giản hơn thì là một người tốt, được yêu quý chứ không ghét bỏ hay chửi thầm... Có phải chính vì thế mà Tường tự nhận rằng: mình thích sân khấu hơn? Thật ra, với cô, vai diễn không quan trọng đẹp hay xấu. Cô thích sân khấu vì nó đỏ đèn hằng đêm, được tiếp cận khán giả, nuôi được cảm hứng và tâm lý diễn. Chính điều này nuôi được đam mê của người diễn viên hơn rất nhiều so với những vai diễn trên phim.
Màu xanh
Với Cát Tường, màu xanh là bầu trời âm nhạc, nơi mà con chim sơn ca không đủ sức lực, thời gian để có thể bay lên và cất cao tiếng hót.
Có năng khiếu về thanh nhạc, luôn là người dẫn đầu trong các phong trào văn nghệ thời học sinh, từng đoạt giải Giọng hát hay sư phạm của tỉnh Vĩnh Long. Con đường đầu tiên Cát Tường lựa chọn khi bước chân lên Sài Gòn chính là âm nhạc. Nhưng cô không thể lường trước một điều: Muốn vào Nhạc viện thì cần phải có bằng trung cấp. Trong lúc chán nản, đi ngang qua trường Điện ảnh, thấy tuyển sinh, vậy là thi và đỗ luôn thủ khoa.
Nhưng khao khát được đứng trên sâu khấu để cất cao tiếng hát vẫn không phai nhạt dần theo từng vai diễn. Có chăng là đặt nó xuống hàng thứ hai. Chính vì vậy, năm 1996, Cát Tường đăng ký tham gia vào cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP HCM và đoạt giải ba. Năm 1997, cô tiếp tục lọt vào vòng chung kết Tiếng hát truyền hình toàn quốc. Tiếc là cô đành bỏ dở cuộc chơi để tham gia vào vai diễn trong bộ phim Hải nguyệt....
Trong thời gian học cũng như sau khi tốt nghiệp, Cát Tường vẫn đi hát quán, vũ trường và các sân khấu ca nhạc nhỏ. Không chỉ đơn thuần là vấn đề tài chính bởi cát-xê cho mỗi lần diễn chỉ là 50-60 nghìn đồng, cao điểm thì lên đến 80 nghìn/sô diễn, song điều quan trọng là nó thoả mãn được sở thích ca hát và khẳng định mình.
Màu tím
Với Cát Tường, màu tím là kỷ niệm, là sự lãng mạn trong văn chương và là màu của Huế...
Tường sinh ra ở Huế, nhưng chưa kịp hình dung về cây cầu Tràng Tiền hay cảm nhận được sự mộng mơ của sông Hương thì đã phải rời xa nó. Cha là người chế độ cũ, lấy mẹ chị là người Huế. Cuộc sống khổ cực, cha cô đã dắt díu cả nhà vào Vĩnh Long sinh sống khi cô mới 4 tháng tuổi. Ở đó được 15 năm thì di cư lên Sài Gòn. Có lẽ cô thừa hưởng nhiều ở người mẹ về “nét trầm rất Huế” đó...
Bởi không ai nghĩ một cô gái có vẻ bề ngoài hoạt bát, xởi lởi với những vai diễn như lấy sự ghét bỏ của khán giả dồn hết cho mình lại là người sống rất nội tâm. Cát Tường thích viết nhật ký, ngồi một mình phân tích về cuộc sống. Tường thích làm thơ, viết văn, truyện ngắn như để trải cõi lòng... Cũng có một vài lần đăng báo nhưng rồi dường như viết chỉ để ngồi đọc một mình. Cứ tỉ mẩn với những câu chữ là niềm vui nho nhỏ với cô sau những “mưu mô xảo quyệt” trên màn ảnh. Giờ Tường cũng ít viết. Cuộc sống cứ ào ào trôi với những lo toan và lận đận. Phải bám lấy nhiều thứ rất thực tế để mưu sinh, mà nghề viết thì cần phải có một khoảng lặng để dừng lại, để chiêm nghiệm...
Tường là người duy tâm. Cô tin vào số phận và cũng vin vào đó để an ủi cho một lần lỡ đò. Chẳng ai muốn có sự đổ vỡ trong hạnh phúc, không ai muốn đứa con ra đời vắng mẹ thiếu cha... Nhưng số phận đã an bài, trời không cho ai tất cả và cũng chẳng lấy của ai mà không bù đắp lại cái gì. Buồn, nhưng không vin vào đó mà vận cho cuộc sống sau này. Tường đùa: “Đi coi tướng, thầy có nói nếu lấy chồng trước năm 29 tuổi thì sẽ có hai đời chồng. Tôi thì 25 tuổi đã lên xe hoa, quá sớm, nên suy ra, tôi sẽ có 4 đời chồng...”.
Màu vàng
Màu vàng với Cát Tường là màu của nắng và một tương lai đẹp...
Đó là cô con gái 5 tuổi “bằng vàng” của Cát Tường. Đó là niềm vui, và niềm an ủi lớn nhất những lúc gặp phải ưu phiền trong cuộc sống. Chỉ cần nghe tiếng cười của con, tiếng thủ thỉ nói chuyện với mẹ là có thể quên hết mọi thứ. Cô bé con cũng mang nhiều nét của mẹ, có năng khiếu nghệ thuật. Mới 5 tuổi nhưng đã thuộc nhiều đoạn thoại trong các vai diễn của Tường, cứ đi theo mẹ về là lại diễn lại cho cả nhà xem...
Tường không phải là người như “con chim trúng tên một lần nên sợ cành cong”. Cô luôn hy vọng vào một tương lai, sẵn sàng đón nhận cái mới, có một gia đình hạnh phúc, một người cha tốt cho con gái mình như cuộc sống mà cô từng có trước khi “nỗi buồn lớn nhất trong đời” xảy ra... Nhưng cái số cô lận đận trong chuyện tình cảm.
Và tương lai Tường cũng đang đặt vào Trung tâm dạy nghề thẩm mỹ Nguyên My. Đây là một chi nhánh nhỏ của cơ sở lớn tại Đồng Nai do gia đình chị làm chủ. Năm 2001, cũng là lúc Cát Tường hoang mang về con đường mình đã chọn và nhận ra sự phù phiếm bên trong giấc mơ thời bồng bột: Lên truyền hình và nổi tiếng. “Mình phải tự lập, chẳng lẽ dựa dẫm gia đình mãi sao?”, cô tự nhủ và rời bỏ tất cả trở về Đồng Nai làm giảng viên cho trung tâm của gia đình.
Năm năm sau, đầu 2006, Cát Tường bắt đầu lại với thương hiệu Nguyên My. Gây dựng từ chữ tín, học viên phải thi cử, được học lý thuyết và thực hành xen kẽ. Là công ty tư nhân nhưng lại có chứng chỉ quốc gia. Nó không phải là hư danh bởi chính người chủ của nó - diễn viên Cát Tường - đã đoạt giải ba cuộc thi Giáo viên dạy giỏi ngành dạy nghề. Chị đã soạn một giáo án và thuyết giảng về đề tài trang điểm. Đó là bước khởi đầu thuận lợi cho một ước vọng tương lai.
Đen và trắng
Tường luôn quan niệm cuộc sống phải tồn tại hai mặt đối lập. Như màu đen và trắng, niềm vui và nỗi buồn, thiện và ác... Nó luôn song song và bù đắp cho nhau, tạo ra sự cân bằng.
Không ai khổ mãi và cũng chẳng ai an nhàn suốt đời. Tình duyên lận đận thì sẽ có một ngày hạnh phúc... Đó là lý do mà cô luôn nhìn về tương lai và không bao giờ than thở hay oán trách điều gì. Cũng như một vai diễn cô mơ ước và tin rằng nó sẽ đến với chị: Một nhân vật không đóng khung chính hay phản diện. Một vai diễn mang đầy đủ tính chất cuộc sống, “người” nhất với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố...
Nói chuyện với Cát Tường, như gặp một con người “của văn chương” với nhiều góc nhìn về cuộc sống. Nhưng câu chuyện đó xin được để một dịp khác bởi cứ ấn tượng một câu nói của chị: “Thôi mà, không sao cả! Cuộc sống vẫn đang đẹp”. Đúng! Cuộc sống vẫn đang đẹp và sẽ tốt lành như chính cái tên cha mẹ cô đã đặt cho đứa con gái của mình: Nguyễn Trí Cát Tường.
(Theo Thế Giới Điện Ảnh)