Thứ năm, 17/4/2025, 08:34 (GMT+7)

Cuộc sống thường ngày trên Trạm vũ trụ Quốc tế

Dù mang đến những trải nghiệm độc đáo, cuộc sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cũng đi kèm vô số thử thách, từ việc giữ tóc gọn gàng trong môi trường không trọng lực đến mặc cùng bộ đồ suốt nhiều ngày.

NASA và các cơ quan vũ trụ khác đang tích cực nghiên cứu cách con người thích nghi với các thách thức về thể chất và tâm lý khi sống trong môi trường vi trọng lực, di chuyển quanh Trái Đất ở vận tốc khoảng 17.500 dặm một giờ. Đồng thời, họ phát triển các giải pháp kỹ thuật nhằm tái tạo một phần điều kiện sống quen thuộc trên Trái Đất để hỗ trợ sinh hoạt và sức khỏe phi hành gia trong không gian.

Trạm vũ trụ được ví như một "ngôi nhà sáu phòng ngủ" có diện tích khiêm tốn, hai nhà vệ sinh và một phòng tập thể dục.

Phi hành gia Peggy Whitson tại cửa Trạm ngủ tạm thời (TSS) trên Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2002.

Lịch làm việc tại ISS kéo dài khoảng 12 tiếng, bao gồm các nhiệm vụ như thực hiện thí nghiệm, theo dõi sức khỏe, bảo trì thiết bị và đôi khi là đi bộ ngoài không gian. Trong những năm gần đây, một số mô-đun của trạm bắt đầu xuất hiện vết nứt và rò rỉ không khí, được Văn phòng Tổng thanh tra NASA đánh giá là "rủi ro an toàn hàng đầu".

Các phi hành gia cho biết "mỗi ngày đều khác nhau nhưng lại giống nhau". Họ sẽ thức dậy vào khoảng 6h30 sáng, ăn sáng và chuẩn bị đi làm, bắt đầu khoảng một giờ sau đó. Họ dành nửa giờ để ăn trưa và tập luyện trong hai giờ. Ngày làm việc sẽ kết thúc vào khoảng 7 giờ tối.
Trong ảnh là Phi hành gia Jessica Watkins làm việc với kính hiển vi điện tử quét thu nhỏ (SEM) trên Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2022.

Phi hành gia Leroy Chiao đang ăn một bữa trên Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2005.

Thức ăn tại đây được mô tả là "không tạo ra mảnh vụn - yếu tố có thể làm hỏng thiết bị, đồng thời phải bảo quản được lâu và giữ được hương vị". Nhờ công nghệ bảo quản hiện đại, thực đơn của phi hành gia phong phú hơn trước, bao gồm cả các món như tôm cay và bánh pudding socola.

Phi hành gia Sandra Magnus tập luyện trên Thiết bị tập luyện sức đề kháng tiên tiến (aRED) trên Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2009.

Việc mất trọng lực ảnh hưởng trực tiếp đến mật độ xương của phi hành gia. Để hạn chế tác hại, họ phải tập luyện từ một đến hai giờ mỗi ngày, chủ yếu là các bài tập tim mạch và chịu tải, trong đó squat là động tác phổ biến.

Phi hành gia Scott Altman cầm một bình đựng đồ uống trên Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2000.

Họ dùng kem đánh răng như bình thường và nuốt sau khi chải mà không cần xúc miệng. Việc tắm được thực hiện bằng khăn mặt và dầu gội khô. Nhà vệ sinh trên ISS sử dụng luồng không khí thay vì nước, trong đó chất thải rắn được lưu trữ và thiêu hủy khi quay về Trái Đất, còn nước tiểu được tái chế.

Phi hành gia Satoshi Furukawa xử lý các mẫu từ Hệ thống thu hồi nước JEM (JWRS) trên Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2023.

Nước là tài nguyên quý giá trên trạm. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải của NASA có thể tái chế đến 98% lượng nước do phi hành gia thải ra, bao gồm cả mồ hôi, nước tiểu và hơi thở. Đây là một phần trong nỗ lực đảm bảo sự tự cung tự cấp cho các sứ mệnh dài ngày.

Phi hành gia John Phillips đang cầm máy hút bụi trên Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2005.

Các phi hành gia chỉ mang số lượng quần áo giới hạn và có thể mặc một bộ cả tuần. Do việc giặt giũ quá tốn kém nước, quần áo đã qua sử dụng sẽ được tiêu hủy như các loại rác thải khác. Họ cũng phải hút bụi quần áo để ngăn mảnh vụn trôi nổi gây hư hại hệ thống.

Phi hành gia Peggy Whitson sử dụng iPad trên Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2016.

Bên cạnh công việc, phi hành gia còn có thời gian giải trí để cân bằng tinh thần. NASA xây dựng kế hoạch hỗ trợ tâm lý cá nhân hóa cho từng người, bao gồm cách thức liên lạc với gia đình và các vật dụng cá nhân họ muốn mang theo.

Phi hành gia Terry Virts cắt tóc cho phi hành gia ESA Samantha Cristoforetti trên Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2015. Các phi hành gia có thể cắt tóc, miễn là họ dùng cả máy hút bụi để làm sạch tóc rơi ra.

Phi hành gia Donald Pettit đang đi bộ ngoài không gian tại Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2003.

Khi ISS cần bảo trì hoặc sửa chữa, các phi hành gia sẽ mặc đồ được trang bị oxy và nước để đi bộ ngoài không gian. Đã có hơn 270 lần đi bộ ngoài không gian kể từ năm 1998, theo NASA. Một số chỉ mất vài giờ, một số khác mất hơn tám giờ.

Phạm Linh (Theo Business Insider)

Đánh giá phiên bản mới