Cơ quan chị Liên nằm ở phố Phan Bội Châu; gần chục năm nay chị vẫn quen đi theo lộ trình Nguyễn Ngọc Nại - Lê Trọng Tấn - Tôn Thất Tùng - Phạm Ngọc Thạch - Kim Liên - Lê Duẩn - Yết Kiêu rồi băng qua Trần Hưng Đạo tới Phan Bội Châu. Bình thường, nếu đường thông thoáng chị chỉ chạy xe hết 20 phút nhưng gần một tháng nay, chị mất hàng tiếng đồng hồ, thậm chí hơn thế, mới đến được cơ quan vì đường tắc. "Thật là kinh khủng! 7h sáng tôi ra khỏi nhà, 8h cơ quan tôi mới làm việc mà tôi vẫn bị muộn. Chiều 17h30 tan sở mà cũng đến 18h30, có hôm tận 19h tôi mới về đến nhà. Mệt mỏi, bực bội, nhiều hôm tôi chẳng thiết ăn uống nữa mà chỉ muốn tắm rửa rồi đi nghỉ cho đỡ mệt!", chị Liên ca thán.
![]() |
Tắc đường ở ngã 3 Kim Liên - Ô Chợ Dừa và đường Nguyễn Lương Bằng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chị Liên cho biết trên tuyến đường đi làm hàng ngày của chị, mỗi sáng, chị phải nhích từng bước, thậm chí đứng chôn chân hít bụi ở 3 điểm nút giao thông tắc nặng nề.
Cô con gái chị đang học cấp II đi xe bus vé tháng đến trường hôm nào về nhà cũng mếu máo vì bị đi học muộn. Tắc đường, những chiếc xe bus cồng kềnh thường xuyên lỡ chuyến, muộn giờ... Báo hại, anh Minh, chồng chị Liên, mấy hôm nay cũng phải dậy sớm đưa con đi học rồi mới quay lại đi làm, quãng đường tính ra hơn 20 km. Thời gian biểu của nhà chị Liên buộc phải thay đổi để "sống chung với tắc": thay vì dậy vào lúc 6h30 như mọi khi, 5h30 chị Liên đã phải dậy tranh thủ đi chợ, về nhà khua chồng con dậy rồi tất tả đi làm, tranh thủ từng phút, luôn miệng rền rĩ: "Nhanh lên, không lại tắc đường bây giờ!".
Giống như con gái chị Liên, nhiều học sinh, sinh viên ở Hà Nội mặc dù đã mua vé tháng để đi xe bus đến trường giờ cũng phải bỏ phí để chuyển sang đi xe đạp hoặc xe máy. Một giáo viên ở trường PTCS Láng Hạ cho biết: "Học sinh của tôi dạo này đến lớp muộn nhiều hơn, có em trễ hàng tiết, đến lớp mà khắp người nồng nặc mùi khói xe, còn chưa kịp ăn sáng... Nhiều em không dám đi xe bus vì có tuyến về đến bến muộn mất hàng giờ đồng hồ".
Làm cùng cơ quan với chị Liên là chị Phương Hoa, nhà ở đường Hồ Tùng Mậu, một điểm nút giao thông cũng thường xuyên tắc nghẽn những ngày qua. Nhà chị Hoa ở ngay mặt đường nên hàng ngày nhận đủ tiếng ồn và khói bụi. "Đóng cửa thì bí, mở cửa thì bụi và khói bay vào nhà, ám lên hết rèm cửa, đồ đạc, đường hết tắc mà ở trong nhà vẫn thấy rất nồng nặc", chị Hoa cho biết. Khổ nhất là cô con gái mới hơn 1 tuổi của anh chị, do hít nhiều bụi khói mà bị viêm phế quản suốt nửa tháng nay không khỏi. Cực chẳng đã, anh chị phải đưa cháu về nhà bà ngoại ở ngoại thành trú tạm.
![]() |
Cảnh thường thấy những ngày qua trên đường Hồ Tùng Mậu. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bà Trần Thị Mai, cán bộ hưu trí ở phố Chùa Bộc, lâu nay cứ buổi sáng là đi xe ôm đến nhà mẹ đẻ chăm sóc, chiều tối lại về nhà riêng. Bà cho biết dạo này phải chịu tốn thêm một khoản tiền kha khá vì cánh xe ôm rất ngại chở khách vào giờ cao điểm, nếu có chở thì cũng mặc cả luôn từ đầu là nếu tắc lâu quá thì phải trả thêm tiền.
Trong khi đó, anh Hưng, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Trường Chinh, chán nản nói: "Cứ tắc đường thế này thì chúng tôi đến lỗ vốn. Sáng nào cũng tắc, người tràn lên chật cứng vỉa hè. Cửa hàng mở ra mà chủ thì không chở hàng đi cho khách được còn khách thì cũng đừng hòng vào cửa hàng. Có hôm ở đây tắc đến 10h, tôi chán, đóng cửa hàng hết buổi sáng cho đỡ ám bụi. Lượng hàng hóa bán ra cũng bị sụt giảm đáng kể".
Cùng chung cảnh ngộ với anh Hưng là khá nhiều hàng quán vỉa hè, nhất là những hàng bán đồ ăn sáng, cũng bị mất khách. Căng thẳng, bực bội, mất thời gian, thiệt hại về kinh tế... do tắc đường đang làm cho tất thảy người dân thành phố mệt mỏi. Tuy nhiên, "đoạn trường" này dường như chưa có hồi kết vì đến lúc này, chưa có một cơ quan chức năng nào đưa ra được phương án giải quyết khả thi cho tình trạng này.
Khôi Nguyên