Họ được tập trung lại để làm nên một “sự tích” kỳ diệu, khiến cho ngành Y học Việt Nam được nể trọng và thán phục. Và ca mổ thành công ngoài mong đợi ấy đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness năm 1991.
Ngày đó và những năm tháng tiếp theo, dư luận vẫn tiếp tục theo dõi, ca ngợi sự thành công của ca mổ tách đôi hai đứa bé song sinh dính liền này khi hai cháu Việt- Đức theo năm tháng lớn dần lên, mạnh khoẻ, yêu đời, trong đó cháu Nguyễn Đức học hành, ngoan ngoãn và trưởng thành lập gia đình như một người bình thường.
![]() |
Việt và Đức tại BV Từ Dũ (TP HCM) tháng 4/1984. |
Báo chí dạo ấy cũng dành nhiều trang, nhiều kỳ để đăng tải những câu chuyện cảm động xung quanh hai cháu Việt-Đức, những hồi ức của các vị giáo sư, bác sĩ tham gia ca mổ nổi tiếng này. Có những câu chuyện kể thật cảm động của người trong cuộc làm người đọc xúc động đến rơi nước mắt.
Còn nhớ cặp song sinh dính liền Nguyễn Việt và Nguyễn Đức( tên đầy đủ của hai cháu mà sau cả mổ các vị giáo sư, bác sĩ mới đặt) sinh ngày 25/12/1981 tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kontum. Cặp song sinh dính liền các bộ phận sống này được đưa tới bệnh viện Từ Dũ TP HCM ngày 6/1/1983 để nuôi dưỡng, chăm sóc theo dõi bằng chế độ đặc biệt và bằng phương tiện y học hiện đại.
Ngày 22/5/1986, cháu Nguyễn Việt bị triệu chứng não cấp, sốt cao và hôn mê. Lập tức bệnh viện Tữ Dũ làm thủ tục đưa hai cháu sang Nhật điều trị ( một cháu bệnh coi như cả cháu còn lại cũng bệnh vì phải đưa đi cả hai). Sau một thời gian điều trị khỏi bệnh, từ ngày 19/6 đến 29/10/1986, hai cháu rời Nhật trở về Việt Nam.
Tuy cháu Việt khỏi bệnh nhưng lại mất vỏ não, nguy cơ chết đột ngột có thể xảy ra bất cứ lúc nào và như thế sẽ ảnh hưởng luôn đến mạng sống của cháu Đức.
Trước tình hình nguy cấp ấy, một cuộc hội chẩn quy mô tiến hành và các nhà chuyên môn trong ngành Y Việt Nam quyết định tiến hành ca mổ tách đội cặp song sinh có các bộ phận dính liền nhau để nếu có tình trạng xấu xảy ra cho Việt còn có cách cứu mạng sống cho Đức. Và ca mổ đã thành công như nêu trên.
Từ sau ca mổ, Đức khoẻ mạnh, lớn dần lên theo năm tháng. Còn Việt phải sống đời sống thực vật, được nuôi dưỡng, theo dõi, chăm sóc tại làng Hòa Bình Từ Dũ. Nguyễn Đức tới tuổi trưởng thành, lập gia đình, tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Nguyễn Việt, anh của Nguyễn Đức, vẫn tiếp tục sống đời sống thực vật cho đến một ngày…
Câu chuyện 19 năm sau
Đó là một ngày buồn thảm nhất không ai mong nó đến. Nhưng nó lại đến. Một cách hết sức bất ngờ không chỉ đối với các bác sĩ, y tá, những người có trách nhiệm và đầy tình thương ngày đêm theo dõi, chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Nguyễn Việt mà cả với mọi người, ai cũng thế khi đã hướng lòng về sự kiện của 19 năm trước.
Ngày 27/5/2007 khi cháu Nguyễn Việt được phát hiện trong tình trạng ngã bệnh, sốt cao, ăn uống kém. Và tình trạng này không được cải thiện mà lại xấu hơn. Ngày 2/6, Nguyễn Việt được chẩn đoán là có biểu hiện viêm phổi nặng, sốt cao, ói và tăng tiết đàm nhớt nhiều.
Các bác sĩ đã phải chia làm 3 ca , 4 kíp trực theo dõi 24/24 giờ để điều trị, chăm sóc mong cứu tính mạng cháu nhưng do bị bại não, đời sống thực vật kéo dài… cuối cùng cháu Nguyễn Việt đã không qua khỏi.
Tại buổi lễ tang của Việt có rất đông người đến dự, phúng viếng. Chúng tôi thấy có nhiều vị giáo sư, bác sĩ tham gia trong kíp mổ tách đôi Việt/Đức cách đây 19 năm, nhiều vị tóc đã bạc theo thời gian.
Đặc biệt có rất nhiều vị khách người Nhật Bản, báo chí trong ngoài nước, trong đó có báo, đài Nhật Bản. Các thành viên trong tổ chức nhân đạo: “ Vì sự phát triển của hai cháu Việt/ Đức”, trong đó đặc biệt có ông Nishimura Yoichi, thành viên của tổ chức này. Chính ông đã cùng vợ từng đến Việt Nam dự đám cưới cháu Nguyễn Đức vào tháng 12/2006.
Và cũng chính ông với tấm lòng nhân đạo cao cả đã tích cực vận động các tổ chức nhân đạo Nhật Bản giúp đỡ hai cháu Việt - Đức từ buổi đầu cho đến hôm nay. Lẫn trong dòng người đông đảo tới dự đám tang cháu Nguyễn Việt, chúng tôi thấy có chị Nguyễn Thị Mười, người nữ hộ sinh trưởng bệnh viện Tư Dũ năm nào.
Cách đây 19 năm, chị Mười là người gần gũi, gắn bó với hai cháu Việt - Đức nhất, từ khi hai cháu được chuyển tới bệnh viện Từ Dũ. Chị Mười đã thương yêu, chăm sóc hai cháu Việt - Đức như con đẻ của mình từ ngày ấy ngoài nhiệm vụ của một y tá còn có tấm lòng của người mẹ nuôi và một sự cảm thông sâu sắc dành cho hai đứa trẻ bất hạnh bẩm sinh.
Chị Mười vừa lau nước mắt vừa kể một kỷ niệm về cháu Việt. Chị kể rằng cháu Việt sống đời sống thực vật, không nói được, nhưng lại biết biểu hiện tình cảm vui buồn.
Cháu Việt rất thích món đồ chơi là cái hộp vuông có phát ra nhạc, mỗi lần Việt khó ngủ thì chị Mười lên dây cót, để cái hộp vuông phát nhạc này bên cạnh, khi nghe tiếng nhạc phát ra Việt sẽ từ từ đi vào giấc ngủ, bình thản, vô tư… Hôm nay, cháu Việt đã nhắm mắt từ giã cõi đời nhưng chị Mười vẫn nghĩ là cháu Việt chỉ nhắm mắt ngủ thôi, chị vẫn để cái hộp vuông bên cạnh, tiếng nhạc phát ra thánh thót như ngày nào chị dùng tiếng nhạc này để ru Việt ngủ.
![]() |
Vợ chồng Việt - Đức khóc thương anh. |
Đức đã nghẹn ngào kể: "Anh Việt là một nửa sự sống của cháu. Anh mất đi coi như cháu đã mất một nửa phần đời còn lại của mình. Cháu thương anh ấy vô cùng. Nhớ ngày cháu cưới vợ, khi đưa vợ cháu tới ra mắt anh Việt thuật lại cho anh ấy nghe ngày vui của mình, có nhiều người đến dự chia vui, báo đài trong nước và nước ngoài đưa tin… cháu thấy đôi mắt anh ấy chớp chớp, chắc là anh ấy nghe được.
Biết anh đang vui vì hạnh phúc của cháu mà cháu thì xúc động nghẹn ngào. Bây giờ cháu còn lại trên đời sẽ sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của anh Việt, cháu chỉ không sống cho phần đời của mình mà còn phải sống luôn cho phần đời của anh cháu".
Sau đám tang cháu Nguyễn Việt, ngày 6/10 tại buổi họp báo về sự việc này, bác sĩ Trương Quốc Việt, Trưởng khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Từ Dũ đã xúc động khi thông báo thông tin về cuộc sống thực vật của cháu Nguyễn Việt trong 19 năm.
Theo BS Trương Quốc Việt do trước đây khi hội chẩn tách cặp song sinh Việt - Đức chỉ hy vọng cứu Đức nên tất cả đều tập trung cho cháu Đức vì Đức có hậu môn nên Việt phải gắn hậu môn nhân tạo. Bàng quang thì Việt cũng dành cho Đức. Bộ phận sinh dục cũng dành cho Đức còn Việt phải sử dụng ống sonde đặt trực tiếp vào bàng quan để làm đường tiểu. Phần lớn thành bụng dành cho Đức còn Việt phải dùng da nhân tạo để vá.
Kết thúc câu chuyện buồn sau 19 năm với ca mổ tách đôi cặp song sinh dính liền Việt- Đức có một thông tin đáng tự hào cho ngành y Việt Nam: Trên thế giới chưa có ca song sinh dính liền nào sau mổ tách rời mà trường hợp sống đời thực vật còn nuôi dưỡng được. Nhưng trường hợp của cháu Việt bệnh viện chúng ta đã nuôi dưỡng cháu được 19 năm, 2 ngày, một thời gian rất dài ngoài dự kiến của Y học và Y văn thế giới.
(Theo An Ninh Thế Giới)